Mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ áo trắng

Năm nay đã ở vào tuổi 87, nhưng Thượng tá, PGS, TS, bác sĩ Lê Văn Đoan, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn một lòng với công việc chữa bệnh, cứu người.

Thời gian nhuộm trắng mái đầu, sức khỏe đã yếu đi nhiều do bệnh tật và tuổi già, nhưng ông Lê Văn Đoan dường như vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ông vẫn ngày ngày cố gắng khám bệnh giúp dân bằng tất cả những kiến thức mình đã có.

Khát vọng “nở hoa” từ tuổi thơ nghèo khó

Cái đói, cái nghèo bám riết khiến cậu bé Lê Văn Đoan ngày ấy phải lam lũ kiếm sống phụ giúp gia đình vượt qua khó khăn. Có những ngày, ông phải gánh rau đi bộ từ quê ra thị xã Thanh Hóa để bán. Ham học từ bé, thế nên cậu bé Lê Văn Đoan lúc nào cũng có quyển sách “giắt ở lưng” để tranh thủ vừa bán rau vừa học. Ông nuôi ước vọng sau này trở thành một sinh viên của Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Nhưng căn bệnh nhiễm trùng khớp chân của người em gái 12 tuổi năm ấy không thể cứu chữa khiến ông quyết tâm theo đuổi ngành y để chữa bệnh, cứu người.

 Thượng tá, PGS, TS, bác sĩ Lê Văn Đoan, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, Cục Quân y. Ảnh: NVCC

Thượng tá, PGS, TS, bác sĩ Lê Văn Đoan, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, Cục Quân y. Ảnh: NVCC

Ông vừa làm vừa chăm chỉ đèn sách và đã thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Những đói khổ, khó khăn trong quá trình học tập không làm thui chột ý chí chàng sinh viên Lê Văn Đoan năm ấy. Ngoài giờ học, ông tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền đi học. Đói khổ chỉ trui rèn thêm sự quyết tâm phải học để thoát nghèo của ông. Sau 6 năm học, năm 1970, ông tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Sau này ông là giảng viên dạy tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội và được cử đi nước ngoài học. Ông làm luận án và tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) năm 1978.

Trở về nước, trải qua quá trình rèn luyện và cống hiến, ông được tín nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội (nay là Viện Y học dự phòng Quân đội). Năm 1989, ông được phong chức danh khoa học Phó giáo sư ngành y học. Năm 1995, PGS Lê Văn Đoan vinh dự được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.

Những năm công tác xa nhà, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, ông Lê Văn Đoan vẫn dạy dỗ các con học hành đến nơi đến chốn, cả 5 người con của ông đều là đảng viên.

Mong suốt đời được chữa bệnh giúp dân

Năm 1992, ông nghỉ chế độ về quê tại xã Tân Ninh, nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vừa khám chữa bệnh giúp dân, vừa chăm sóc bố mẹ già.

 Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Lê Văn Đoan vẫn ngày ngày khám bệnh giúp dân. Ảnh: NVCC

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Lê Văn Đoan vẫn ngày ngày khám bệnh giúp dân. Ảnh: NVCC

Địa phương nơi ông ở có nhiều người dân nghèo, lại ở xa bệnh viện, xa khu vực y tế, họ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề khám chữa bệnh. Vốn lớn lên từ vùng quê nghèo, trải qua những ngày tháng “cơm không đủ no, áo không đủ ấm” và người em gái đã mất vì không có điều kiện cứu chữa, ông thấu hiểu được sự vất vả của người dân khi thiếu thốn về chăm sóc y tế. Ông Lê Văn Đoan đã mang những kiến thức mình được học để giúp dân khám bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí.

Ông thường xuyên hỗ trợ, tư vấn, khám bệnh cho rất nhiều bà con tại địa phương. Và rồi, tiếng lành đồn xa, người dân từ nhiều xã, huyện khác nghe tin đã tìm đến để được ông khám chữa bệnh miễn phí. Vì học đa khoa nên có vốn kiến thức rộng, ông Đoan đã giúp người dân khám lâm sàng và kê đơn. Đặc biệt, có nhiều trẻ em được ông khám, tư vấn rất hiệu quả, không phải tốn kém.

Hằng ngày, cứ từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, người dân lại đến để nhờ ông khám và tư vấn. Mỗi ngày có khoảng 30 đến 40 bệnh nhân được ông khám và tư vấn sức khỏe.

 Ông Lê Văn Đoan trong ngày mừng thọ 84 tuổi. Ảnh: NVCC

Ông Lê Văn Đoan trong ngày mừng thọ 84 tuổi. Ảnh: NVCC

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần mời ông tới nói chuyện, tư vấn, hỗ trợ cho nhân dân trong xã, đặc biệt là những người cao tuổi, các thầy cô giáo và các em học sinh.

Tuổi cao, bản thân cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe như cắt mật, u tuyến giáp, huyết áp cao khiến công việc khám bệnh giúp dân cũng bị hạn chế hơn. Thế nhưng, ngày ngày, người dân vẫn thấy ông một ông cụ đeo ống nghe hỗ trợ bà con khám bệnh, có đôi khi vì điều kiện sức khỏe, ông chỉ giúp được trong lúc cấp bách, nhưng ông luôn cố gắng khi còn có thể.

Hằng ngày, ông Lê Văn Đoan vẫn “say” với nghề bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhất là những hộ gia đình khó khăn. Với ông, chữa bệnh giúp người chính là một “nghề”, là mệnh lệnh trái tim của người lính già nhiệt huyết với công tác khám chữa bệnh. Ngoài việc khám bệnh miễn phí giúp dân, ông Lê Văn Đoan vẫn tìm tòi, thống kê để viết về bệnh ung thư, nguyên nhân ung thư trên địa bàn địa phương.

 Hội Người cao tuổi thị trấn Nưa mừng thọ Ông Lê Văn Đoan (thứ 3, từ trái sang) năm 2022. Ảnh: NVCC

Hội Người cao tuổi thị trấn Nưa mừng thọ Ông Lê Văn Đoan (thứ 3, từ trái sang) năm 2022. Ảnh: NVCC

Tôi hỏi con gái ông để muốn viết thêm nhiều về ông, nhưng cô bảo ông không muốn nói nhiều về mình. Người lính Cụ Hồ là thế, họ không muốn nói về mình, họ chỉ muốn được cống hiến với một trái tim đầy nhiệt huyết. Đối với ông Lê Văn Đoan, việc giúp được càng nhiều người dân bảo vệ tốt sức khỏe của họ chính là mệnh lệnh từ trái tim, là tâm nguyện suốt đời của người chiến sĩ áo trắng.

TƯỜNG VY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/menh-lenh-tu-trai-tim-cua-nguoi-chien-si-ao-trang-788383