Mẹo dùng quạt an toàn cho sức khỏe, tránh bị cảm khi trời nắng nóng
Khi sử dụng quạt không đúng cách, cơ thể bạn không chỉ mất nước mà còn có thể gây mất cân bằng tuần hoàn máu và quá trình bài tiết mồ hôi. Vậy phải sử dụng quạt như thế nào để phòng tránh cảm cúm trong mùa nắng nóng?
Không quạt trực tiếp vào người
Không nên ngồi quá gần quạt và để gió thổi trực tiếp vào cơ thể, vì điều này có thể làm khí lạnh xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là với những người có sức khỏe yếu hoặc đang đổ nhiều mồ hôi. Tốt nhất, hãy điều chỉnh quạt để gió thổi lệch sang hướng khác.
Khi quạt hoạt động, phần cơ thể tiếp xúc với gió sẽ làm mồ hôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ ngoài da giảm mạnh, trong khi các phần khác của cơ thể không có gió, mồ hôi bốc chậm hơn, khiến nhiệt độ ngoài da vẫn cao và mạch máu giãn nở. Điều này gây mất cân bằng tuần hoàn máu và có thể dẫn đến cảm cúm.
Hãy để quạt thổi về phía cửa sổ hoặc cửa chính để tạo sự lưu thông không khí, giúp không gian trong phòng trở nên thoáng mát hơn, giảm cảm giác ngột ngạt.
Không bật quạt ở mức gió cao nhất

Ảnh minh họa.
Khi bật quạt ở mức cao nhất, gió sẽ làm giảm nhiệt độ bề mặt da, khiến lỗ chân lông bị đóng lại, mồ hôi không thể thoát ra ngoài, khiến cơ thể càng cảm thấy nóng hơn và kèm theo cảm giác mệt mỏi.
Đối với những căn phòng có sự lưu thông không khí tốt, bạn không nên bật quạt ở tốc độ cao mà nên điều chỉnh quạt ở mức gió nhẹ. Tốt nhất, hãy duy trì tốc độ quạt ở mức số 2 (tốc độ gió trung bình) để tạo cảm giác thoải mái.
Không để quạt cố định, nên để quạt xoay
Quạt điện chủ yếu được sử dụng để điều hòa không khí trong phòng, từ đó giúp làm mát cơ thể. Khi bạn để quạt cố định tại một chỗ, luồng không khí trong phòng sẽ không được lưu thông đều, giảm hiệu quả làm mát. Khi quạt xoay, sẽ tạo ra luồng gió liên tục và đồng đều, giúp làm mát không gian hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi sử dụng quạt lâu dài, bạn không nên để quạt hoạt động liên tục. Hãy cho quạt nghỉ khoảng 15 - 20 phút rồi tiếp tục sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không để quạt hoạt động suốt đêm
Ban đêm, nhiệt độ môi trường thường giảm xuống so với ban ngày. Nếu sử dụng quạt liên tục suốt đêm, cơ thể sẽ dễ bị lạnh và dễ mắc phải các bệnh như cảm cúm hay sổ mũi.
Do đó, bạn không nên để quạt hoạt động suốt đêm, thay vào đó, hãy sử dụng chức năng hẹn giờ tắt tự động trên quạt để bạn có thể ngủ ngon mà không lo sức khỏe bị ảnh hưởng.
Dùng quạt ở mức gió nhẹ đến trung bình khi ngủ
Khi ngủ, việc quạt thổi trực tiếp vào cơ thể cùng với không khí lạnh vào ban đêm có thể khiến da bị khô ráp và khó chịu. Nếu bạn tiếp xúc với gió quạt suốt đêm, cơ thể có thể bị đau họng, cảm cúm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu sử dụng quạt ở mức gió nhẹ đến trung bình, không khí trong phòng sẽ được lưu thông tốt, giúp không gian mát mẻ và dễ ngủ hơn. Ngoài ra, bạn nên đặt quạt ở khoảng cách xa cơ thể và thường xuyên thay đổi hướng gió để tránh gió quạt trực tiếp vào người khi ngủ.
Không sử dụng quạt khi cơ thể đang ra mồ hôi
Khi cơ thể đang ra mồ hôi, việc sử dụng quạt sẽ làm mồ hôi bay hơi nhanh chóng, khiến cơ thể mất nước. Nếu không bổ sung đủ nước, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và uể oải, dẫn đến tình trạng mất cân bằng nhiệt độ cơ thể, làm co mạch máu đột ngột và rất nguy hiểm.
Sai lầm này còn tạo cơ hội cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể, khiến bạn dễ bị cảm lạnh, trúng gió và các bệnh như đau họng, tiêu chảy…
Thay vào đó, khi đi từ ngoài nắng vào hoặc sau khi vận động mạnh, bạn nên nghỉ ngơi 3 - 5 phút, sau đó dùng khăn ẩm lau bớt mồ hôi, giúp cơ thể trở lại trạng thái bình thường rồi mới sử dụng quạt để làm mát.
Không đặt quạt ở đầu gió khi trời nắng nóng
Đặt quạt ở vị trí đầu gió trong những ngày nắng nóng sẽ làm quạt thổi hơi nóng vào phòng, khiến không gian càng trở nên oi bức hơn. Tốt hơn, bạn nên đặt một chậu nước (có thể thêm đá lạnh) phía trước quạt để tạo ra luồng không khí mát mẻ cho căn phòng.