Phòng chống ngộ độc do cây, quả dại
ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, các loại cây, củ, hoa quả tự nhiên mọc khắp nơi, thậm chí quanh nhà. Tuy nhiên, không phải loại cây, củ, hoa nào cũng có thể ăn được. Trong khi hiểu biết về độc tố của các loại cây rừng của một bộ phận dân cư, nhất là vùng cao còn hạn chế. Việc người dân hái về ăn dễ dẫn đến ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong các loại cây, củ, quả dại. Thực tế, những năm qua trên địa bàn tỉnh không ít vụ ngộ độc do ăn các loại cây, hoa rừng, thậm chí có những trường hợp tử vong.

Người dân xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng sơ chế các loại rau hái từ rừng về để làm món ăn. (Ảnh CTV)
Giữa tháng 2/2025, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé tiếp nhận và điều trị 15 trường hợp ngộ độc khi ăn hoa chuông. Cụ thể, một số người dân bản Huổi Lếch, xã Huổi Lếch đã hái hoa chuông về nấu canh ăn (15 người ăn). Khoảng 2 tiếng sau khi ăn, độc tố phát tác, xuất hiện các tình trạng buồn nôn, choáng váng, đau đầu, đau bụng, đau mỏi chân tay, người ớn lạnh... Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, điều trị kịp thời nên cả 15 trường hợp đã ổn định, xuất viện.
Hoa chuông (còn gọi là "hơi thở của quỷ") là loài hoa phổ biến ở vùng cao trên địa bàn tỉnh. Nhờ hình dạng lạ, đa dạng màu sắc mà loài cây này rất được ưa chuộng nên được trồng ở nhiều nơi, làm bờ rào quanh nhà. Hoa chuông trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng nhìn rất đẹp mắt. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố. Nếu ăn phải, ở dạng nhẹ, bệnh nhân bị ngộ độc có biểu hiện nôn, mệt mỏi, choáng váng… Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy thận, suy tim cấp, ảo giác, hoang tưởng.
Mới đây nhất, đêm 6/3/2025, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé tiếp nhận và điều trị 3 nạn nhân ngộ độc do ăn sắn nướng có chứa độc tố tự nhiên. Vụ việc xảy ra tại bản Huổi Quang, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (do gần Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé nên các bệnh nhân được đưa đến đây). Theo đó, chiều cùng ngày 3 trẻ nhỏ bản Huổi Quang đào sắn nướng ăn cả vỏ. Sau khi ăn xong, đến gần 24 giờ, cả 3 trường hợp có triệu chứng buồn nuôn, đau đầu…

Một số giống sắn cao sản có chứa độc tố nguy hiểm.
Thực tế, củ sắn có hàm lượng tinh bột cao, giá trị dinh dưỡng tương đương với khoai lang, khoai tây, khoai môn... Song điều quan trọng là cần chú ý khi ăn sắn để phòng tránh những rủi ro không đáng có. Đặc biệt, giống sắn cao sản không nên ăn vì có chất độc có thể gây chết người.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ ngộc độc, 1 ca mắc đơn lẻ với tổng số 90 ca, trong đó 1 ca tử vong. Điều đáng nói, số ca bị ngộ độc chủ yếu liên quan đến giới trẻ, học sinh và chủ yếu liên quan đến ngộ độc do ăn các loại củ, quả rừng có chứa các độc tố tự nhiên. Như vụ việc ngộ độc do ăn quả vông ngày 8/9/2023 tại xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo. Trước đó, buổi chiều có một số em học sinh đi tắm suối và ăn quả vông, sau đó lại mang về khu nội trú cùng ăn. Sau khi phát hiện một số học sinh có biểu hiện nôn mửa, giáo viên đã đưa các em đến cơ sở y tế điều trị.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh CTV
Hiện nay đang vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc do các độc tố tự nhiên có nguy cơ xảy ra. Để tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh tăng cường kiểm tra nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm; các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn tuân thủ quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, nhất là học sinh, trẻ em nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của các loại cây, hoa quả dại, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Cán bộ y tế tuyên truyền đến người dân Mường Báng, huyện Tủa Chùa về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh CTV
Theo ông Hoàng Xuân Chiến, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc từ thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên, các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để bà con không ăn uống thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với một số địa bàn thường xảy ra các vụ ngộ độc do ăn cây, hoa, quả rừng, cần tăng cường tuyên truyền bằng song ngữ (tiếng phổ thông được dịch sang tiếng đồng bào các dân tộc) trực tiếp tại các điểm trường, khu dân cư về cách nhận biết và phòng tránh ngộ độc do độc tố tự nhiên như: Nấm độc, ngô mốc, các loại quả, rau dại có độc... nhằm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ngay tại cộng đồng để giảm thiểu các vụ ngộ độc.