Mẹo hay giúp trẻ giảm trào ngược

Mẹ giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút, cho con ợ để làm giảm tình trạng trào ngược, khoảng cách giữa hai lần bú ít nhất 2,5 tiếng.

Mẹ giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút, cho con ợ để làm giảm tình trạng trào ngược, khoảng cách giữa hai lần bú ít nhất 2,5 tiếng.

Con em được 2 tháng tuổi, bé sinh được 10 ngày thì hay bị ọc sữa tới nay vẫn bị. Bé bú sữa mẹ. Em có đưa bé đi khám bệnh viện, bác sĩ cho bé uống thuốc về trào ngược dạ dày nhưng vẫn bị ọc sữa khoảng một lần mỗi ngày.

Bác sĩ cho em hỏi trường họp trào ngược dạ dày của bé có điều trị dứt điểm được không? Có bị ảnh hưởng đến bao tử và sức khỏe của bé sau này không? Nhờ bác sĩ tư vấn và chia sẻ cách điều trị chăm sóc bé đúng cách. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Thảo Nguyên)

Trả lời:

Trào ngược là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Đa số trào ngược dạ dày thực quản thường ít ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, không cần làm xét nghiệm hay uống thuốc và sẽ giảm dần khi trẻ phát triển. Đa số trẻ sẽ không còn bị trào ngược dạ dày thực quản khi trẻ được 7-8 tháng tuổi.

Để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, bạn có thể:

- Cho bé bú số lượng nhỏ, chia nhiều cữ.

- Khoảng cách giữa các lần bú ít nhất 2 tiếng rưỡi đồng hồ đủ để cho dạ dày được làm trống.

- Tránh đè ép lên vùng bụng của trẻ, nhất là sau khi bú.

- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút.

- Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược.

- Tư thế đúng lúc ngủ: những trẻ có vấn đề về trào ngược nên ngủ ở tư thế nằm ngửa (không nên nằm sấp để tránh nguy cơ đột tử ở trẻ) và đầu giường nên kê cao hơn một chút khoảng 30 độ.

Trong quá trình theo dõi và chăm sóc, nếu bé bỏ bú, chậm tăng cân, khò khè nhiều, ói máu hoặc dịch bất thường, hay tình trạng của bé không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp kể trên..., bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng của bé và có hướng xử trí phù hợp.

VNE

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/suc-khoe/tu-van/meo-hay-giup-tre-giam-trao-nguoc-56798.html