Mẹo hay với nồi cơm điện: Lau sạch 3 vị trí này, cơm chín nhanh, điện giảm đáng kể
Sau 10 năm sử dụng nồi cơm điện, mình nhận ra rằng việc lau sạch 3 vị trí quan trọng trên nồi có thể giúp nấu cơm nhanh hơn và tiết kiệm điện đáng kể. Những mẹo nhỏ này không chỉ đơn giản mà còn giúp tăng tuổi thọ cho nồi cơm. Bạn có muốn biết đó là những vị trí nào không.
Nếu bạn để ý, sau một thời gian dài sử dụng, thời gian nấu cơm của nồi cơm điện thường kéo dài hơn trước. Trước đây chỉ mất khoảng 20 phút để cơm chín, nhưng bây giờ có thể mất hơn nửa giờ. Nguyên nhân chủ yếu là do nồi cơm điện không được vệ sinh thường xuyên, dẫn đến hiệu suất giảm sút. Dưới đây là 3 vị trí quan trọng bạn nên vệ sinh định kỳ để đảm bảo nồi cơm điện hoạt động ổn định, tiết kiệm điện và nấu cơm ngon hơn:
1. Mâm nhiệt của nồi cơm điện
Nhiều người chỉ vệ sinh lòng nồi và lớp vỏ bên ngoài, nhưng ít chú ý đến mâm nhiệt - một bộ phận quan trọng quyết định hiệu suất nấu. Mâm nhiệt thường bị bám một lớp bụi bẩn hoặc chất màu vàng gỉ sét do không được lau chùi thường xuyên.
Những chất này không chỉ làm giảm khả năng truyền nhiệt mà còn gây nguy cơ mất an toàn nếu để lâu ngày. Để vệ sinh mâm nhiệt, bạn cần dùng khăn sạch hoặc dụng cụ chuyên dụng để làm sạch lớp gỉ và bụi bám, đảm bảo mâm nhiệt luôn sáng bóng.
2. Vỏ ngoài của nồi cơm điện
Lớp vỏ bên ngoài của nồi cơm điện không chỉ bám bụi mà còn bị dính nước, dầu mỡ hoặc cơm rỉ ra trong quá trình nấu. Nhiều người lau vỏ ngoài bằng giẻ thông thường, nhưng điều này không đủ để loại bỏ hoàn toàn các vết bẩn cứng đầu. Hãy sử dụng khăn ẩm kết hợp với dung dịch tẩy rửa nhẹ để lau sạch vỏ ngoài, sau đó lau lại bằng khăn khô để đảm bảo không để lại nước trên bề mặt. Giữ vỏ ngoài sạch sẽ không chỉ giúp nồi cơm điện bền hơn mà còn mang lại sự an toàn trong quá trình sử dụng.
3. Nắp nồi cơm điện và lỗ thoát hơi
Nắp nồi và lỗ thông hơi là hai vị trí thường bị bỏ qua khi vệ sinh nồi cơm điện. Hơi nước và nước cơm bám lại trên nắp trong quá trình nấu nếu không được vệ sinh kỹ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cơm.
Lỗ thông hơi cũng dễ bị tắc do nước cháo hoặc cặn bẩn. Bạn nên thường xuyên tháo nắp nồi và lỗ thoát hơi để rửa sạch bằng nước ấm, sau đó lau khô trước khi lắp lại.
Lau sạch mâm nhiệt, vỏ ngoài, nắp nồi và lỗ thông hơi không chỉ giúp nồi cơm điện nấu nhanh hơn mà còn tiết kiệm điện và giữ cơm luôn thơm ngon. Hãy định kỳ kiểm tra và vệ sinh nồi cơm điện của bạn để đảm bảo nồi luôn hoạt động hiệu quả, đồng thời kéo dài tuổi thọ cho thiết bị. Một chút chăm sóc nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn.