Bài tập tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa lao màng bụng tái phát
Người bệnh lao màng bụng cần được chăm sóc và nghỉ ngơi tốt. Việc thực hiện các bài tập luyện hàng ngày không chỉ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe mà còn ngăn ngừa bệnh tái phát.
NỘI DUNG:
1. Vai trò của tập luyện với người lao màng bụng
2. Các bài tập tốt cho người bệnh lao màng bụng
2.1 Bài tập thở
2.2 Thiền
2.3 Bài tập bụng
2.4 Bài tập yoga hỗ trợ người bệnh lao màng bụng giảm căng thẳng
2.5 Các bài tập thể chất khác
3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh lao màng bụng khi tập luyện
1. Vai trò của tập luyện với người lao màng bụng
Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng, thường là thứ phát sau ổ lao khác.Nếu phát hiện bệnh sớm và dùng thuốc chống lao theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ cho tiên lượng tốt.
Biểu hiện lâm sàng của lao màng bụng rất đa dạng và phong phú. Các triệu chứng thường gặp như sốt đau bụng, gầy sút, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, khó thở, hạ huyết áp…
Tập thể dục là một phương thức quan trọng để có được sức khỏe tốt và phục hồi sau bệnh tật. Với người bệnh lao màng bụng, tập luyện giúp:
Giảm các triệu chứng lo âu, thư giãn tinh thần.
Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc kháng lao.
Giảm các triệu chứng đau bụng, táo bón, chướng hơi.
Giúp bệnh nhân điều hòa nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, tăng cường sức khỏe.
Ngăn ngừa bệnh lao tái phát sau khi bình phục.
2. Các bài tập tốt cho người bệnh lao màng bụng
2.1. Bài tập thở
Bài tập hít thở sâu:Tăng cường chức năng hô hấp, điều hòa nhịp thở, huyết áp cho người bệnh lao màng bụng.
Cách thực hiện:
Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái.
Hít vào từ từ, hít sâu và cảm nhận lồng ngực căng, mở rộng; giữ hơi thở trong 5-10 giây, sau đó thở ra từ từ.
Lặp lại từ 10-15 lần cho mỗi lần tập.
Bài tập thở mím môi:Đây là bài tập giúp người bệnh kiểm soát hơi thở tốt hơn, giảm áp lực trong phổi.
Cách thực hiện:
Người bệnh lao màng bụng hít vào bằng mũi, mím môi như thổi sáo, rồi thở ra từ từ qua miệng, thời gian thở ra kéo dài hơn thời gian hít vào.
Thực hiện 10-15 lần cho mỗi lần tập.
2.2. Thiền
Thiền là một phương pháp sử dụng kỹ thuật như chánh niệm hoặc tập trung tâm trí vào một đối tượng, suy nghĩ hoặc hoạt động cụ thể để rèn luyện sự chú ý và nhận thức, đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn, bình tĩnh, ổn định về mặt cảm xúc.
Cách thực hiện:
Ngồi thoải mái trên ghế hoặc trên sàn.
Tập trung vào hơi thở, cảm nhận bụng nâng lên khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra.
Khi bắt đầu mất tập trung, nhẹ nhàng hướng sự chú ý trở lại hơi thở.
Thực hiện trong vòng 5 phút, sau có thể tăng lên 10 -15 phút.
2.3. Bài tập bụng
Tác dụng:Giúp giảm táo bón, chướng hơi, mạnh cơ bụng.
- Gập bụng
Cách thực hiện:
Nằm trên thảm, đầu, lưng mông đều áp sát bề mặt sàn, đầu gối co gập và bàn chân chạm mặt đất, đặt tay phía sau đầu.
Hít sâu, nhấc phần thân trên lên khỏi sàn thì thở ra và cúi về phía chân.
Lặp lại, bạn nằm xuống, hít sâu, sau đó thở ra khi nhấc người lên.
Gập bụng 10 lần mỗi hiệp, tập từ 2 - 3 hiệp.
Gập bụng, nâng người lên
Cách thực hiện:
Nằm trên thảm sao cho lưng, bụng và mông nằm sát bề mặt sàn, hai tay đặt sau đầu, hai chân giơ cao, uốn cong, bắt chéo nhau.
Giữ nguyên chân, hít sâu, gập người lên, thở ra chậm rãi.
Khi hạ mình xuống, hít vào lần nữa, và thở ra khi gập người lên.
Lặp lại 12 - 15 lần mỗi hiệp và tập từ 2 - 3 hiệp.
2.4. Bài tập yoga hỗ trợ người bệnh lao màng bụng giảm căng thẳng
Thực hiện các bài tập yoga giúp tăng cường lượng máu não, giảm stress, lo âu, tăng cường sức đề kháng, ổn định nhịp tim, huyết áp. Ngoài ra, tập yoga sẽ giúp làm sạch đường hô hấp trên và xoang, tạo ra sự thư giãn và làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng của người bệnh lao màng bụng.
Tư thế con thuyền
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên thảm, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt xuôi theo thân.
Hít vào, nhấc cả hai chân lên phía trên một góc 45 độ so với sàn nhà.
Tiếp tục đưa hai cánh tay ra phía trước, song song với sàn.
Giữ tư thế 10 - 20 giây. Lặp lại 5-7 lần.
Tư thế nâng chân
Cách thực hiện:
Nằm ngửa thoải mái với hai chân khép lại, duỗi thẳng; hai tay để dọc theo thân.
Nâng chân lên một góc 45 độ khi thở ra mà không cong đầu gối.
Giữ lưng thẳng trên thảm. Để tránh áp lực lên cổ, hãy nghiêng cằm về phía ngực.
Giữ tư thế trong 10 - 20 giây. Lặp lại 5-7 lần.
Tư thế rắn hổ mang
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn, ở tư thế thư giãn, từ từ khép hai chân lại gần nhau.
Di chuyển cánh tay đặt ngang ngực sao cho chúng gập lại ở khuỷu tay và bàn tay gần sát vai.
Nâng khuỷu tay lên khỏi sàn, nâng phần thân trên lên nhưng không duỗi thẳng cánh tay mà giữ cánh tay hơi cong.
Giữ tư thế trong 10 - 20 giây. Lặp lại 5-7 lần.
2.5. Các bài tập thể chất khác
- Đi bộ nhẹ nhàng ở công viên, hoặc đi bộ trên máy tập giúp giảm lo âu, tăng cường hệ miễn dịch, thư giãn tinh thần. Đi bộ 30-40 phút ngày 02 lần vào sáng sớm, chiều tối.
- Chạy bộ ngày 20-30 phút ở nơi thông thoáng giúp lưu thông khí huyết, giảm táo bón, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể.
- Đạp xe đạp tại chỗ, hoặc đạp xe trên đường thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe, giảm táo bón chướng bụng.
3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh lao màng bụng khi tập luyện
- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng lúc 6-7h tránh lạnh, tập lúc 5-6h chiều, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, tránh tập đêm khuya gây mất ngủ thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính sốt, cơ thể mệt mỏi, lo âu, tim đập nhanh, khó thở, đại tiện ra máu, cổ trướng, tràn dịch màng phổi không được tập luyện ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh điều trị ổn định bắt đầu tập, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.
- Cách tập không gây hại sức khỏe:
Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập phù hợp tình trạng bệnh lý.
Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ.
Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
Tránh xa chất kích thích rượu thuốc lá, cà phê, bổ sung vitamin B, C.
Mời bạn xem tiếp video: