Mèo Vạc chú trọng chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Tất cả trẻ em khi sinh ra đều mang trong mình một trọng trách nhất định đối với quê hương, đất nước; đó cũng là điều Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời kỳ vọng ở trẻ em. Tại vùng cao Mèo Vạc, nhận thức sâu sắc về vai trò nền tảng của trẻ em, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em (CSTE) luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm.
Tổng dân số huyện Mèo Vạc hiện có trên 85 nghìn người; trong đó, độ tuổi trẻ em có hơn 36 nghìn người. Thực hiện Quyết định 2361của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em (BVTE) giai đoạn 2016 - 2020 và các chương trình, kế hoạch của tỉnh, huyện Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện. Qua đó, công tác bảo vệ và CSTE trong những năm qua đạt nhiều kết quả khả quan; các mục tiêu về dinh dưỡng, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục, vui chơi giải trí cho trẻ em được quan tâm, chú trọng…
Xác định truyền thông, giáo dục, vận động xã hội có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác bảo vệ, CSTE; các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức lồng ghép theo đúng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BVTE, đặc biệt là về phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Qua đó, đã có những tác động tích cực trong nhận thức và hành động, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về pháp luật bảo vệ và CSTE. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã tổ chức chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng cho hơn 1,3 nghìn lượt trẻ em với trên 6,8 triệu đồng; chi Quỹ Bảo trợ trẻ em thực hiện thăm hỏi gần 1.700 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em đang điều trị tại bệnh viện nhân ngày Tết hoặc các ngày dành cho trẻ em với tổng kinh phí hơn 424 triệu đồng; hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho nhiều trẻ em khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình …
Việc củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, CSTE cũng được huyện chú trọng. Hằng năm, huyện phối hợp với Sở Lao động – TBXH tổ chức các lớp tập huấn tại huyện cho cán bộ lao động các xã, thị trấn và các cộng tác viên thôn, bản để nâng cao năng lực, thực hiện tốt công tác bảo vệ, CSTE, với các nội dung, như: Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn quy trình can thiệp khi trẻ em bị xâm hại, bạo lực hoặc bị tai nạn thương tích… Qua các lớp tập huấn và công tác truyền thông, với nội dung, hình thức phù hợp với từng khu vực và từng nhóm đối tượng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ và CSTE…
Cùng đó, huyện Mèo Vạc cũng phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, huyện đã thành lập Ban điều hành BVTE, triển khai các kế hoạch, chương trình hành động. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong việc chăm sóc, BVTE nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm và huy động cả cộng đồng tham gia hiệu quả vào việc xây dựng môi trường sống an toàn, bảo vệ, CSTE để mọi trẻ em được phát triển toàn diện. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình và xã hội đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; phòng, chống xâm hại, ngược đãi, bạo hành. Đồng thời từng bước tạo được hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE trên địa bàn; đặc biệt là nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em trong việc tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực và tai nạn thương tích.
Mặc dù điều kiện KT – XH cũng như nhận thức của người dân nhiều khó khăn, hạn chế; song không vì vậy mà công tác chăm sóc, BVTE bị thiếu quan tâm. Bởi vì “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không…, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” như lời Bác Hồ kỳ vọng.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ