Mèo Vạc kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo

BHG - Trên hành trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, huyện Mèo Vạc đối diện không ít khó khăn, thách thức. Song, với nhiều giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng tinh thần tự lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của huyện ngày càng chuyển biến tích cực.

Mèo Vạc là huyện biên giới vùng cao, địa hình chủ yếu là núi đá, giao thông đi lại khó khăn. Phần lớn người dân sống bằng nghề nông nghiệp, nhưng diện tích canh tác hạn chế do 75% quỹ đất tự nhiên là núi đá. Bên cạnh đó, thường xuyên xảy ra thiên tai, thiếu nước sinh hoạt, một bộ phận người dân còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là những rào cản lớn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện.

Người dân xã Tả Lủng chăn nuôi theo hướng gia trại để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Tả Lủng chăn nuôi theo hướng gia trại để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Từ thực tế trên huyện Mèo Vạc đẩy mạnh các chương trình, dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế để giúp người dân nâng cao thu nhập. Điển hình có thể nhắc đến là Chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Thực hiện Chương trình này, tính đến nay, toàn huyện đã triển khai được hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp. Qua theo dõi, giá trị thu nhập của các hộ thực hiện Chương trình đã tăng từ 1 – 1,5 lần so với trước đây. Đáng mừng hơn là đã có gần 100 hộ thoát nghèo từ chương trình này.

Ông Lò Mí Chung, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc chia sẻ: “Thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp, với số vốn được vay, gia đình tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi thêm 4 con lợn sinh sản và 80 con ngan thương phẩm. Cùng với đó, tôi chuyển toàn bộ diện tích vườn sang trồng rau chuyên canh theo hướng sản xuất rau an toàn. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình đã được cải thiện đáng kể. Năm qua, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đi lao động tại các công ty trong và ngoài nước cũng là giải pháp quan trọng được huyện Mèo Vạc tích cực thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Đây được xem là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh lực lượng trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện dồi dào, trong khi lại thiếu đất canh tác, sản xuất. Năm 2024, toàn huyện giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, trong đó có 3.000 người đi lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Các lao động đi làm việc tại các công ty cơ bản có việc làm ổn định với mức thu nhập khá cao, bình quân từ 6 -12 triệu đồng/người/tháng; đặc biệt, có lao động làm tại các công ty của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam có mức lương từ 16 - 25 triệu đồng/tháng.

Song song với đó, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Mèo Vạc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo của huyện Mèo Vạc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm; riêng năm 2024, con số này đạt 6,59%.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202502/meo-vac-kien-tri-thuc-hien-muc-tieu-giam-ngheo-7440a94/