Mèo Vạc, Quản Bạ - nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc, Quản Bạ đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp công dân có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Đơn cử như vụ việc xảy ra vào ngày 6.3, tại Mốc 491, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ phát hiện 11 đối tượng có hộ khẩu tại xã Khâu Vai và Lũng Pù thực hiện hành vi vượt biên trái phép; ngày 3.4, Đồn Biên phòng Xín Cái phối hợp với Công an huyện Mèo Vạc tiến hành bắt giữ 7 đối tượng có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tự do, trong đó, có 6 đối tượng tại tỉnh Nghệ An và 1 đối tượng dẫn đường người địa phương; ngày 9.4, 6 công dân xã Niêm Tòng và Niêm Sơn có ý định vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng bơi qua sông Nho Quế vào đêm tối nên 1 người bị nước cuốn trôi…
Trước thực trạng trên, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chú trọng giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế tình trạng công dân vượt biên trái phép. UBND huyện Mèo Vạc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân thi đua thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU, ngày 6.10.2016 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động làm việc ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc tại Trung Quốc theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới”. Trong đó, huyện thực hiện tốt phương án thí điểm lựa chọn doanh nghiệp đưa lao động sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận. Sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện đã cung ứng hơn 800 lao động sang làm việc bên nước bạn với mức lương từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Nghĩa Thuận là một trong những xã biên giới của huyện Quản Bạ, có 5 thôn giáp biên, nhiều đường mòn và 5 lối mở chính. Do đó, việc quản lý, ngăn chặn người dân tự ý vượt biên còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có 35 lao động vượt biên trái phép từ đầu năm 2019. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như thủ tục pháp lý nên các lao động chưa được trao trả về nước. Đảng ủy, chính quyền xã đã tham mưu với cấp trên về các giải pháp, tăng cường quản lý các lao động vượt biên trái phép trên địa bàn. Đồng thời, lực lượng công an xã và dân quân cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không tự ý vượt biên, giải thích rõ cho người dân nắm được hạn chế, sự nguy hiểm của việc vượt biên trái phép để người dân hiểu. Ngoài ra, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, điển hình như nhân rộng diện tích cây Hồng không hạt lên 109 ha; tích cực vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động đi lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, đến nay toàn xã có 5 lao động nước ngoài; 167 lao động ngoài tỉnh,…
Đồng chí Nguyễn Đức Nghiệp, Phó Chủ tịch xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ), cho biết: Là xã biên giới nhiều đường mòn, lối mở sang Trung Quốc, địa hình phức tạp, còn nhiều khó khăn trong việc tuần tra, ngăn chặn các lao động có ý định vượt biên trái phép. Hiện, trên địa bàn xã còn 9 công dân lao động trái phép tại Trung Quốc, chính quyền địa phương đã làm việc và trong tháng tới sẽ đón nhận 5 công dân trở về.
Để đạt hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, thăm thân, huyện Quản Bạ đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, thông tin thị trường lao động tại xã, thôn… Lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; tích cực tuyên truyền, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để người dân có việc làm lúc nông nhàn, hạn chế tối đa lao động tự do vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc.
Trần Kế - Vương Mai