Mèo Vạc tập trung phát triển các mô hình kinh tế thí điểm
Trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã và đang tập trung phát triển các mô hình kinh tế thí điểm trên địa bàn, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Với mục tiêu tận dụng triệt để khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai, lao động của địa phương trong sản xuất nông nghiệp; tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng hàng hóa; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, gắn với xây dựng Nông thôn mới; phát triển thêm nghề mới phù hợp với địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào phát triển KT- XH của huyện… Qua khảo sát về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng khu vực trên địa bàn, đầu năm 2019, UBND huyện Mèo Vạc đã thực hiện 3 mô hình kinh tế thí điểm: Trồng 2 ha cây Đương quy tại thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà; trồng 2 ha cây Xọm đen tại thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ và trồng 3 ha cây Dâu nuôi tằm tại 2 xã Nậm Ban, Tả Lủng.
Để các mô hình thực hiện thành công, đem lại thu nhập cho người dân, huyện Mèo Vạc đã tổ chức cho các ngành chuyên môn tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại nhiều địa phương. Chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về ý nghĩa kinh tế có tính chất đột phá cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao thực hiện thành công các mô hình; thực hiện tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách, hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Đồng thời, các hộ khi tham gia được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, bao tiêu sản phẩm, kinh phí chuyển đổi diện tích cây trồng. Ngoài ra, các hộ được lựa chọn thực hiện phải đảm bảo đủ lao động, có khả năng tiếp nhận nhanh quy trình kỹ thuật mới, tình nguyện tham gia và cam kết thực hiện theo đúng kỹ thuật được chuyển giao, có trách nhiệm đóng góp đất đai, công cụ sản xuất; sử dụng vật tư được hỗ trợ đúng mục đích... Nếu các hộ không thực hiện đúng cam kết thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí, giống, vật tư được hỗ trợ.
Đến thăm mô hình trồng cây Đương quy tại thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà, đồng chí Nguyễn Gia Vịnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua khảo sát thấy diện tích đất của gia đình anh Lầu Chứ Tủa tơi xốp, có tầng canh tác trên 30 cm, cao ráo, tưới tiêu thuận lợi, thoát nước tốt phù hợp với điều kiện trồng cây Đương quy. Mô hình được thực hiện với tổng kinh phí gần 28 triệu đồng. Để cây phát triển tốt, xã thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, như: Đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, làm đất nhỏ và xốp, lên luống cao 30 cm, mặt luống rộng 1,2 m, rãnh 40 cm; chọn cây có 4 – 5 lá, không sâu bệnh để trồng; sau khi trồng thực hiện các biện pháp chăm sóc khoa học, phòng, chống sâu bệnh hại… Do áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, nên hiện nay cây phát triển tốt, ước tính đến tháng 12.2019 sẽ cho thu hoạch.
Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nhận định: Các mô hình kinh tế thí điểm thành công sẽ phát huy lợi thế về đất đai, tạo việc làm ổn định, giúp nông dân giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; tạo niềm tin, động lực to lớn khích lệ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện và người dân hiểu thêm kỹ thuật sản xuất phục vụ cho việc mở rộng diện tích các năm tiếp theo; các mô hình chủ yếu dùng phân hữu cơ nên góp phần đảm bảo môi trường sinh thái bền vững… Từ đó, sẽ hình thành các tổ hợp tác theo mô hình gắn kết với doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ trong và ngoài nước; xây dựng mối quan hệ sản xuất mới, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến