Mèo Vạc vươn mình vượt khó
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Mèo Vạc (15.12.1962 - 15.12.2022)
BHG - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1962 - 2022), với sự lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết phù hợp với thực tiễn; ban hành các nghị quyết chuyên đề; chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, phương án, kế hoạch... đã giúp miền đá Mèo Vạc vươn mình, xây dựng cuộc sống ấm no.
Mèo Vạc là huyện duy nhất của tỉnh tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện có 18 xã, thị trấn với 199 thôn bản, tổ dân phố. Huyện có 17 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78% dân số toàn huyện, đời sống các dân tộc còn nhiều khó khăn.
Xác định mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, Mèo Vạc đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa. Tính riêng giai đoạn 2017 – 2021, giá trị sản xuất của huyện đạt trên 755 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm đạt 46,17 triệu đồng; giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 302 tỷ đồng, chiếm 39,96% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; bình quân lương thực đầu người đạt 429 kg. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng được quan tâm; trồng mới 366 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 35,3%. Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”, huyện cụ thể hóa bằng 4 nghị quyết và 27 kế hoạch. Đến nay, cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát triển các cây, con hàng hóa thế mạnh; nổi bật là phát triển đàn bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, sản phẩm mật ong Bạc hà, gạo chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030; đến nay, huyện có 6 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
Nhận thức rõ Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, Mèo Vạc ban hành nghị quyết; huy động nguồn lực và triển khai thực hiện bằng những nội dung, cách làm cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2016-2020 trên 109 tỷ đồng; hoàn thành đưa vào sử dụng 56 tuyến đường giao thông và 2 công trình nhà lớp học. Thi công được 64 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài gần 125 km. Toàn huyện đạt được 195 tiêu chí; trong đó, có 1 thôn đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,56 triệu đồng. Đồng thời, lãnh đạo triển khai hiệu quả Đề án quy tụ dân cư gắn với xây dựng NTM; Đề án cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện...
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Để tạo đà thúc đẩy KT – XH, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có tiềm năng như thủy điện và thủ công nghiệp. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp thực tiễn phát triển KT – XH của địa phương. Kết cấu hạ tầng tiếp tục quan tâm đầu tư, giai đoạn 2017 – 2021 nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây mới 126 đầu điểm công trình với tổng vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 1.627 tỷ đồng; hạ tầng giao thông được duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt từ huyện đến xã, thôn; chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới các công trình trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu.
Đặc biệt, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; huyện ban hành nghị quyết và chương trình trọng tâm về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo; hoàn thành xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi; triển khai xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai; hoàn thành xây dựng tuyến đường du lịch đi bộ qua vách đá thần Mã Pì Lèng; trạm đón khách gắn với nhà trưng bày hiện vật “Con đường Hạnh Phúc”. Các điểm thăm quan, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí phát triển mạnh; khai thác tốt tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá và văn hóa truyền thống dân tộc; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, mở rộng liên kết trong đầu tư, phát triển du lịch được đẩy mạnh...
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Mèo Vạc đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao chất lượng thi hành công vụ. Huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều đổi mới; công tác giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều cách làm hay. Giai đoạn 2017 – 2021, có trên 22,3 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Vương Ngọc Hà, chia sẻ: Những kết quả đạt được có sự đóng góp của từng tập thể, cá nhân trên các mặt đời sống xã hội; nhất là truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết được nhân dân các dân tộc giữ gìn và phát huy. Những người nông dân đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giúp người khác cùng vươn lên làm giàu; đội ngũ công nhân và người lao động tích cực hăng say trong sản xuất, kinh doanh. Cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Những thầy, cô giáo yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu; thầy thuốc tận tâm với nghề nghiệp; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang không ngừng nâng cao kỷ luật, sức chiến đấu, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Đặc biệt, sự phối hợp tích cực của Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, quyết tâm khắc phục khó khăn tạo thế và lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH, củng cố QP – AN, xây dựng quê hương Mèo Vạc phát triển bền vững.