Mercedes: 'Xe tự lái Cấp độ 4 'có thể làm được' trong thập kỷ này'
Mercedes-Benz đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên ở Mỹ cho biết họ có kế hoạch bán một hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến cho phép người lái xe có thể lái xe mà không cần dùng tay trong một số điều kiện giao thông nhất định. Nhưng chưa dừng ở đó, nhà sản xuất xe hơi này còn đang hướng tới một công nghệ được gọi là Cấp độ 4 thậm chí còn phức tạp hơn, cho phép phương tiện tự lái mà không cần sự tham gia của con người trong hầu hết các điều kiện thực tế.
Khác biệt với các đối thủ
Cấp độ 3 trên thang đo SAE International yêu cầu con người điều khiển phương tiện khi hệ thống lái xe tự động yêu cầu.
Mercedes đã giành được sự chấp thuận theo quy định vào cuối năm 2021 để triển khai hệ thống lái xe rảnh tay ở Đức. Năm ngoái, Mercedes cũng đã bắt đầu cung cấp hệ thống Drive Pilot dưới dạng tùy chọn có giá 5.000 euro trên S-Class.
Drive Pilot được phép sử dụng trên khoảng 13.000 km đường cao tốc của Đức với tốc độ 60 km/h hoặc thấp hơn, nghĩa là mục đích sử dụng chính của nó sẽ là khi giao thông tắc nghẽn hoặc kẹt xe.
Đáng chú ý là Giám đốc Công nghệ của Mercedes Markus Schäfer cho biết việc đạt được trình độ lái xe Cấp độ 4 tiên tiến hơn là "có thể thực hiện được" vào cuối thập kỷ này.
Schäfer nhìn thấy thị trường dành cho lái xe rảnh tay, rảnh mắt ở các thành phố tắc nghẽn, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi tình trạng tắc đường kéo dài vài giờ là phổ biến.
"Chỉ cần tưởng tượng bạn đang ở một thành phố lớn, bạn đi làm về và bạn ngồi trong hai giờ kẹt xe, rồi bạn nhấn nút và đi ngủ thực sự rất đáng quan tâm”, Giám đốc Công nghệ của Mercedes Markus Schäfer nói.
Waymo của Alphabet và General Motors Cruise vận hành các dịch vụ rô-bốt không người lái ở những khu vực cụ thể, nhưng với những phương tiện có giá quá cao đối với hành khách thường xuyên sở hữu.
BMW, giống như Volvo, cũng đang lên kế hoạch cài đặt phần cứng mà họ tin rằng sẽ cần thiết cho việc lái xe tự động và sau đó cập nhật phần mềm khi khả năng và quy định cho phép.
Nhưng trong khi các nhà sản xuất khác đang loay hoay thì Mercedes đã làm việc để đưa công nghệ Cấp độ 4 ra thị trường. Đức đã thông qua luật vào năm 2021 cho phép lái xe tự động Cấp độ 4 ở những không gian công cộng cụ thể.
Năm ngoái, Mercedes và nhà cung cấp lớn Robert Bosch đã nhận được sự chấp thuận ở Đức cho một hệ thống đỗ xe có người phục vụ hoàn toàn tự động để sử dụng trong nhà để xe của sân bay Stuttgart, cho phép ô tô lái vào một điểm đỗ dành riêng. Phần mềm dựa vào giao tiếp với các cảm biến ở vị trí đỗ xe để phát hiện chướng ngại vật.
"Chúng tôi muốn tạo ra một gói công nghệ chứa mọi thứ mà một chiếc ô tô cần để trở thành phương tiện tự lái: cảm biến, xử lý dữ liệu dựa trên đám mây và các thành phần khác", Michael Hafner, giám đốc điều hành bộ phận Phần mềm và Lái xe tự động tại nhà sản xuất ô tô của Mercedes, người trước đây là người đứng đầu Drive Technologies cho biết. "Chúng tôi cũng sẽ cung cấp gói này cho các OEM khác”.
Cơ hội doanh thu lớn
Ngành công nghiệp ô tô, được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp công nghệ như Nvidia, hướng đến một thế giới lái xe thoải mái, không cần quan sát.
Dòng 7 Series hàng đầu của BMW sẽ có hệ thống tự lái Cấp độ 3 trong năm nay nhưng ban đầu công nghệ này sẽ không được cung cấp ở Mỹ.
"Đó là Cấp độ 3 thực sự”, Giám đốc Công nghệ BMW Frank Weber nói với báo giới hồi tháng 1 tại CES ở Las Vegas. "Phương tiện sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn chứ không phải người điều khiển”.
Tập đoàn ô tô Hyundai vào cuối năm ngoái cho biết họ sẽ tung ra công nghệ tự lái Cấp độ 3 trong một phiên bản mới của hệ thống Lái xe trên Đường cao tốc cho Genesis G90.
Stellantis cũng thông tin họ có kế hoạch cung cấp khả năng lái xe tự động Cấp độ 3 rảnh tay trên ô tô của mình bắt đầu từ năm 2024.
Còn Tesla đang ráo riết theo đuổi việc lái xe tự động, cung cấp cho người tiêu dùng phiên bản beta của hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến mà hãng gọi là Full Self-Driving gây quá nhiều tranh cãi.
Trong khi đó, tại Mercedes, bắt đầu với nền tảng xe Mercedes Modular Architecture mới vào giữa thập kỷ này, tất cả các mẫu xe sẽ sẵn sàng về phần cứng để kích hoạt các chức năng hỗ trợ lái xe hoặc nâng cao.
Đặc biệt, công nghệ lái xe tự động mang đến cho các nhà sản xuất ô tô tiềm năng về nguồn doanh thu đáng kể và định kỳ.
Giám đốc bán hàng của Mercedes-Benz, Britta Seeger, hy vọng các hệ thống lái tự động sẽ trở thành “mỏ vàng” vào năm 2030 của thương hiệu sang trọng này.
Guidehouse Insights dự đoán doanh số bán hàng toàn cầu của gần 14 triệu xe có hệ thống lái tự động Cấp độ 4 hàng năm vào năm 2030, với 12% thị phần.
Sam Abuelsamid, nhà phân tích chính của Guidehouse nói rằng các nhà sản xuất ô tô coi công nghệ này là "thứ mà người tiêu dùng sẽ thấy giá trị và sẵn sàng trả thêm tiền".
Các nhà sản xuất ô tô đã đưa vào phương tiện của họ những con chip tiên tiến, lidar, radar và các phần cứng khác cần thiết cho Cấp độ 3 có khả năng xử lý việc lái xe tự động hơn trong tương lai.
Abuelsamid cho rằng mức tăng hóa đơn vật liệu để hỗ trợ các hệ thống Cấp độ 4 so với các hệ thống Cấp 3 là khoảng 20 đến 25%. Trong khi đó, ông cho biết các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ tính phí cao hơn từ 50 đến 100% cho việc lái xe trên đường cao tốc hoàn toàn tự động so với các hệ thống hỗ trợ lái xe hiện nay.
Vấn đề an toàn của xe tự lái
Quyền tự chủ lái xe Cấp độ 3 đòi hỏi sự chú ý của người lái xe, gây ra nhiều lo ngại về trách nhiệm giải trình và bảo hiểm. Các chuyên gia cho biết việc cho phép người lái xe chơi game khi đang di chuyển trên đường cao tốc nhưng yêu cầu họ phải kiểm soát phương tiện ngay lập tức là một yêu cầu cao. Nghiên cứu của Tổ chức An toàn Giao thông của AAA cho thấy có thể mất tới 25 giây để tương tác lại với hành động lái xe.
Đó là lý do tại sao một số chuyên gia trong ngành đã thúc giục các nhà sản xuất ô tô vượt qua Cấp độ 3 và tập trung vào công nghệ Cấp độ 4 tự động hơn.
Greg Brannon, giám đốc bộ phận kỹ thuật ô tô và quan hệ công nghiệp tại AAA, cho biết tại một hội nghị công nghiệp năm ngoái: “Trả lại quyền kiểm soát cho người lái xe là một thách thức rất lớn”.
Nhưng việc phát triển các phương tiện suy nghĩ và lái xe như con người vẫn là một thách thức kỹ thuật đáng kể.
Điều khiển giao thông phức tạp trong thành phố, bao gồm xe cộ, người đi bộ và người đi xe đạp, yêu cầu công nghệ cảm biến tiên tiến và dự phòng hệ thống.
"Chứng minh độ an toàn và độ tin cậy của hệ thống tự động là phần khó", nhà phân tích Abuelsamid nói.
Một điểm khác biệt chính giữa Cấp độ 3 và Cấp độ 4 là người lái xe không cần phải để mắt đến đường trong hầu hết các điều kiện. Cấp 4 phù hợp lý tưởng cho giao thông đông đúc trong thành phố, nhưng những thứ như thời tiết khắc nghiệt lại là một vấn đề khác.
Cấp độ 5, hoàn toàn không cần sự tham gia của con người, vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể trở thành hiện thực. Các công ty như Waymo và Cruise hiện đang thử nghiệm taxi không người lái với công nghệ đó, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo và vẫn còn đắt đỏ.
Về vấn đề an toàn, Mercedes sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác và an toàn của Drive Pilot bằng cách chịu trách nhiệm pháp lý nếu chiếc xe là nguyên nhân gây ra vụ va chạm trên đường cao tốc.
Các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là các thương hiệu hạng sang, biết rằng người tiêu dùng sẽ sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho công nghệ này vì nó mang lại rất nhiều tiện ích bổ sung. Nhưng nhiệm vụ khó khăn nhất mà họ sẽ phải đối mặt và Mercedes cũng không ngoại lệ, đó là chứng minh cho công chúng thấy rằng Cấp độ 4 là an toàn.