Messi: Bây giờ hoặc không bao giờ!
Với việc Bồ Đào Nha bị Morocco loại ở tứ kết, còn Ronaldo lên ghế dự bị ở 2 trận sau cùng trên đất Qatar, trong khi Messi lần thứ 2 đưa Argentina vào chung kết, người ta cho rằng cuộc tranh cãi giữa CR7 và El Pulga ai xuất sắc nhất kéo dài suốt 15 năm qua đã kết thúc.
Thực ra, đó là màn đấu khẩu thừa thãi bởi giữa 2 tài năng 8X này không có mẫu số chung để so sánh ngoài những danh hiệu. Ronaldo là ý chí phấn đấu, rèn luyện cật lực, còn Messi đơn giản là tài năng thiên phú, mà cả một thế hệ thế giới bóng đá mới sản sinh duy nhất.
Sau “vua” Pele tròn 2 thập kỷ, Maradona mới cất tiếng khóc chào đời. Khi “cậu bé vàng” một mình đưa Argentina lên đỉnh Mexico 1986 thì “người ngoài hành tinh” Ronaldo mới 10 tuổi và Messi thì kém “Ro béo” 1 con giáp.
Dù ai đó nói rằng Messi không cần thêm một chức vô địch để chứng minh sự vĩ đại, nhưng điều duy nhất khiến anh vẫn chưa được “phong Thánh”, ngồi trong ngôi đền huyền thoại như 4 bậc tiền bối Nam Mỹ đó là chiếc Cúp vàng thế giới cùng đội tuyển Argentina. Hơn ai hết, El Pulga sẵn sàng đánh đổi tất cả danh hiệu lớn nhỏ cùng Barcelona, PSG và vô số kỷ lục cá nhân cho trận cuối cùng của kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp này.
* Một Messi rất khác
4 kỳ World Cup tham dự trước đây là một Messi mệt mỏi, bị vắt kiệt sức sau mùa giải trong màu áo Barca. Chỉ đến Qatar 2022 này, người ta mới thấy một Messi hoàn toàn khỏe mạnh, tươi tắn (có lẽ do mùa giải ở châu Âu cũng như Ligue 1 vẫn chưa qua nửa chặng đường).
Tuy nhiên, gây ngạc nhiên tất cả là một Messi rất khác. Lâu nay toàn thế giới đều biết đến Messi là một cầu thủ fair-play, hòa nhã, thậm chí yếu đuối. Bị đá xấu, anh chỉ đứng lên và… mỉm cười; không bao giờ gây tổn thương đối thủ, càng không là người khiêu khích. Nhưng ở World Cup này, từ một ngôi sao luôn trầm tĩnh, cư xử mẫu mực, Messi bỗng “đổi màu”. Anh nóng nảy, ma mãnh, sẵn sàng dùng tiểu xảo, gây hấn (cả với HLV đối phương), tranh cãi với trọng tài, thậm chí... chửi thề. Những gì sau trận tứ kết với Hà Lan là điển hình.
Có thể sự khát khao, những cảm xúc mãnh liệt dồn nén trong kỳ World Cup cuối cùng dẫn đến sự thay đổi ấy (và tốt hay xấu sẽ tùy thuộc vào kết quả sau cùng). Tuy nhiên, “vô độc bất trượng phu”, một ngôi sao lớn cần một cá tính mạnh. Tuyển Argentina không cần một thủ lĩnh “thánh thiện”, mà xù xì, gai góc, cháy hết mình, dám dìm đối thủ dưới chân để đưa đồng đội tiến lên.
* Và một Tango cũng khác
Không chỉ thay đổi về phong cách của người đội trưởng mà sau hơn 1 thập kỷ với 6 triều đại, đến HLV trẻ nhất Scaloni (44 tuổi, chỉ hơn Messi 9 tuổi, từng là đồng đội ở World Cup 2006), Argentina - Messi mới tìm được công thức dung hòa, bổ sung cho nhau một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Đó là một Tango không còn phụ thuộc tất cả, trút mọi gánh nặng, đưa mọi đường bóng đến chân số 10; và ngược lại, El Pulga không còn phải một mình gánh team, điều phối lối chơi và xuất hiện ở mọi điểm nóng để trở thành cái đích duy nhất đối phương chỉ cần tập trung vô hiệu hóa, triệt hạ.
Người ta nói đến một “Messi đi bộ” bởi giờ đã có các đồng đội, những “cận vệ” như De Paul, chạy thay. Anh có thời gian và không gian tách ra khỏi trận đấu quan sát, tìm kẽ hở của đối phương và dành năng lượng cho những khoảnh khắc bùng nổ như pha solo loại bỏ trung vệ Gvardiol của Croatia, trẻ hơn đến 15 tuổi.
Trước trận chung kết đêm chủ nhật, lý trí mách bảo ĐKVĐ Les Bleus nhưng con tim lại gọi tên Albiceleste. Bởi, với Messi bây giờ hoặc sẽ không bao giờ, còn Mbappe ở tuổi 23 vẫn còn có thể dự 3 kỳ World Cup nữa. Đó sẽ là cái kết có hậu cho câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” ở xứ Ả-rập.