Mệt mỏi với những kỳ vọng của bố mẹ, nữ sinh từng có lúc nghĩ quẩn để không phải gồng mình theo đuổi thành tích

'Nhiều lúc em chỉ muốn chết đi, đơn giản để không phải gồng mình với những thành tích ấy, không phải nghe những lời mắng, lời nói vì không đạt được mục tiêu…em phải làm sao bây giờ anh chị, bố mẹ vẫn còn giận em lắm…phải làm sao để vừa lòng bố mẹ bây giờ!', lời cầu khẩn của nữ sinh sau khi biết tin mình trượt đại học.

Những ngày qua, các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh vui mừng khi biết tin mình đã đậu vào nguyện vọng mong muốn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thí sinh đã buồn bã, thậm chí là chán chường vì rớt nguyện vọng 1. Buồn hơn nữa là khi các bạn không những không nhận được lời động viên từ gia đình, bạn bè mà còn phải hứng chịu nhiều áp lực khi liên tục bị chê trách, bị so sánh với "con nhà người ta".

Đó cũng chính là câu chuyện của nữ sinh dưới đây! Cô bạn gặp phải áp lực thành tích từ phía gia đình đặt ra. Bởi lẽ, bố mẹ cô bạn luôn mong muốn cô bạn phải thật tài giỏi, đạt thật nhiều thành tích xuất sắc để đuổi kịp truyền thống hiếu học của gia đình.

Trong lần thi Đại học vừa rồi, cô nữ sinh đạt 26 điểm, một số điểm không phải là thấp nhưng vô tình lại trượt Đại học do không đủ điểm chuẩn. Cũng từ đây, nữ sinh liên tục nghe bố mẹ mắng chửi, chì chiết, so sánh với người này người kia.

Trước những áp lực ấy, nữ sinh tiêu cực đến mức từng nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân, không còn phải nghe lời mắng nhiếc từ chính bố mẹ của mình.

Đã có lúc nữ sinh nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân, không phải chịu áp lực từ gia đình. Ảnh minh họa

Đã có lúc nữ sinh nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân, không phải chịu áp lực từ gia đình. Ảnh minh họa

Nguyên văn bài chia sẻ của nữ sinh như sau:

"Em mệt lắm rồi…mệt với việc phải theo đuổi thành tích…

Từ nhỏ, em phải sống trong cái áp lực theo đuổi thành tích. Nhà em, họ hàng nhà em có truyền thống hiếu học, đời các cô các chú các bác, kể cả bố mẹ em, ai cũng là thạc sĩ hết, đến đời các anh chị họ, ai cũng thi đỗ đạt điểm cao, có người có giải thi tỉnh, thi Quốc gia, có người được học bổng đi du học ở nước ngoài, từ đại học cho tới thạc sĩ…còn chưa kể anh chị ấy có rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ khác… Nên từ nhỏ, lúc nào em cũng phải theo đuổi thành tích, những mục tiêu bố mẹ đề ra.

Em không phải là 1 đứa thông minh, nhanh nhẹn…cùng 1 bài học, các bạn khác có thể học 1 lần, còn em thì phải học tới 2 thậm chí 3 lần, đọc đi đọc lại mới hiểu được nên để theo đuổi những gì bố mẹ, họ hàng nhà em đề ra em phải chăm chỉ rất nhiều…

Đợt thi vừa rồi cũng thế, số điểm của em cũng gọi là khá, hơn 26 điểm, không phải là thấp, bố mẹ cũng rất muốn em học trường top, khoa thật tốt nên em có đăng ký 1 số nguyện vọng nhưng mà…khi biết điểm chuẩn thì em lại trượt toàn bộ các nguyện vọng em đã đăng ký…

Đạt 26 điểm nhưng nữ sinh vẫn trượt các nguyện vọng, điều này khiến cô nàng gặp áp lực rất lớn. Ảnh minh họa

Đạt 26 điểm nhưng nữ sinh vẫn trượt các nguyện vọng, điều này khiến cô nàng gặp áp lực rất lớn. Ảnh minh họa

Cảm xúc của em không phải là buồn, mà cảm xúc của em lúc đó là sợ…

Em sợ bố mẹ sẽ mắng, sẽ ghét em.

Em sợ họ hàng khi biết sẽ nói này nói kia, tạo áp lực cho bố mẹ.

Em sợ cả hàng xóm, khi lúc nào bố mẹ cũng nói là em giỏi, em chăm (em chưa bao giờ tự nhận là em giỏi)…

….

Để rồi giờ em trượt hết các nguyện vọng như bố mẹ đã đặt ra.

Em về nhà, thông báo cho bố mẹ số điểm, bố mẹ mắng em, bảo em không tập trung học, không tập trung làm bài nên mới vậy...bố mẹ không hiểu rằng em đã rất cố gắng, chăm chỉ mới đạt được điểm số ấy. Bố mẹ mắng em như vậy là bố mẹ không hiểu em đúng ko?

Em mệt lắm rồi…em phải làm sao khi bố mẹ nuôi em từng ấy năm ăn học mà không hiểu được cảm xúc của em, không hiểu được sự cố gắng của em là gì? Thành tích nó quan trọng đến vậy ư?

Nhiều lúc em chỉ muốn chết đi, đơn giản để không phải gồng mình với những thành tích ấy, không phải nghe những lời mắng, lời nói vì không đạt được mục tiêu…em phải làm sao bây giờ anh chị, bố mẹ vẫn còn giận em lắm…phải làm sao để vừa lòng bố mẹ bây giờ!".

Có lẽ câu chuyện trên cũng là câu chuyện chung của nhiều thí sinh khác nữa. Ảnh minh họa

Có lẽ câu chuyện trên cũng là câu chuyện chung của nhiều thí sinh khác nữa. Ảnh minh họa

Ngay sau khi câu chuyện của nữ sinh xuất hiện trên MXH ngay lập tức nhận được sự quan tâm của CĐM. Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với nữ sinh thì có rất nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra xoay quanh câu chuyện này.

Có người cho rằng, bố mẹ nữ sinh có phần quá đáng khi không thông cảm cho con cái mình, quá kỳ vọng vào con cái nên khi sự việc không như ý muốn thì bắt đầu gây áp lực cho con.

"Thực sự hiểu được cảm giác của bạn. Vì xung quanh họ hàng và bản thân mẹ tớ cũng học giỏi nên hồi còn đi học tớ áp lực vô cùng"

"Gửi em. Năm 2015 chị đã chết lần 1 khi trượt y đa khoa, năm 2016 chị chết lần 2 khi trượt y đa khoa, sau đó chị chọn học điều dưỡng, năm 2016 đến 2020 chị chết lần 3 lần 4 lần 5 lần 6 khi những cuộc gọi của gia đình chỉ để hỏi: "kỳ này có được học bổng không", ra trường, chị chết lần 7 khi đi học việc lần đầu mới biết hóa ra kiếm miếng cơm khó khăn đến thế. Và chị sẽ chết nhiều lần nữa. Trong chị chỉ là những tiêu cực đến mức thở thôi cũng thấy bản thân vô dụng. Nhưng em à, buồn 1 tí tẹo nữa thôi, sao em không nghĩ tới phải cố gắng hơn để học, để làm, để kiếm tiền rồi tạo cho 1 mình cuộc sống riêng như em mong muốn, khi đó em không còn phải chịu áp lực từ gia đình nữa"

"Xã hội còn quá nặng thành tích nên các em càng mệt mỏi nhiều, từ cấp cao đến cấp dưới đều yêu cầu thành tích, khi nào bệnh thành tích bị xóa bỏ thì học sinh mới bớt khổ, bớt áp lực. Đừng nghĩ quá nhiều về thành tích nữa, vì em khác, bố mẹ, nội ngoại em khác, không ai giống ai. Hãy khám phá thế mạnh của em, nó sẽ theo và giúp em suốt sau này chứ không phải là cái hư danh kia"

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bố mẹ nào cũng yêu thương con cái, có lẽ, nữ sinh không hiểu hết tâm tư của bố mẹ nên mới có những suy nghĩ tiêu cực như trên. Có lẽ, chỉ cần nữ sinh mở lòng hơn, sắp xếp một buổi nói chuyện thật nghiêm túc và rõ ràng với bố mẹ về những gì bản thân suy nghĩ, có lẽ, tình trạng nói trên sẽ được cải thiện.

"Em mới chỉ 18 tuổi, có áp lực duy nhất là học hành, mới vậy đã đổ lỗi tại bố mẹ, trong khi chưa bao giờ hiểu cho bố mẹ, cái áp lực cơm áo gạo tiền ốm đau bệnh tật...nó khác hoàn toàn. Vấn đề không phải thành tích quan trọng, bố mẹ muốn em có điểm cao, thi đỗ vào trường tốt là chỉ vì muốn em có được các lựa chọn tốt hơn, có cuộc sống tốt hơn. Bố mẹ em chỉ là chưa biết cách thể hiện thôi khiến con cái hiểu lầm, không hiểu được mong mỏi sâu xa của bố mẹ".

"Nghĩ nhiều làm gì, còn la mắng là còn quan tâm bạn. Coi như động lực để cố gắng đi, suy nghĩ theo chiều hướng tích cực lên".

"Thành tích cái này thì đúng là nó quan trọng chứ còn gì. Đại học là đang học cách kiếm tiền mà lại. Không tạo áp lực thì chúng ta khó mà chăm chỉ được. Nhả ra là chúng ta sẽ chơi nhiều hơn học ngay".

Sơn Ca

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/nu-sinh-tung-co-luc-nghi-quan-de-khong-phai-theo-duoi-thanh-tich-20201008141815048.html