Meta đối mặt phiên tòa chống độc quyền tại Mỹ

Vụ kiện đối với Meta do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quyền lực của Mỹ, khởi xướng và có thể dẫn đến việc Meta bị buộc phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp.

Biểu tượng của Tập đoàn Meta. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng của Tập đoàn Meta. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn công nghệ Meta bắt đầu phiên tòa ngày 14/4, đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng từ Chính phủ Mỹ rằng công ty đã lạm dụng quyền lực thị trường để thâu tóm Instagram và WhatsApp trước khi các doanh nghiệp này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh.

Việc phiên tòa diễn ra tại một tòa án liên bang ở Washington được giới chuyên gia đánh giá là khác với kỳ vọng của Giám đốc điều hành (CEO) của Meta, Mark Zuckerberg, vốn cho rằng sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sẽ khiến chính phủ nới lỏng việc thực thi luật chống độc quyền đối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu (Big Tech).

Vụ kiện đối với Meta do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quyền lực của Mỹ, khởi xướng và có thể dẫn đến việc Meta bị buộc phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp, hai nền tảng đã phát triển thành những thế lực hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thế giới kể từ khi được Facebook (nay là Meta) mua lại.

Trọng tâm của vụ kiện là việc Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD trong năm 2012, khi đó là một ứng dụng chia sẻ ảnh nhỏ nhưng đầy hứa hẹn, hiện có hai tỷ người dùng hoạt động.

FTC cho hay thương vụ mua lại WhatsApp trị giá 19 tỷ USD của Meta vào năm 2014 cũng theo mô hình tương tự, với việc ông Zuckerberg lo ngại ứng dụng nhắn tin này có thể biến thành một mạng xã hội hoặc bị đối thủ cạnh tranh mua lại.

Phiên tòa sẽ do Thẩm phán James Boasberg điều hành và đưa ra phán quyết. Vụ kiện đối với Meta ban đầu được đệ trình vào tháng 12/2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, và hiện có những dự đoán khác nhau về khả năng việc liệu ông có yêu cầu FTC dừng vụ kiện này hay không.

Ông Zuckerberg, người giàu thứ ba thế giới, đã nhiều lần đến thăm Nhà Trắng trong nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ lựa chọn hòa giải thay vì theo đuổi vụ kiện.

Chủ tịch FTC Andrew Ferguson đã bác bỏ khả năng đó, nói với trang thông tin về lĩnh vực công nghệ The Verge: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu điều gì đó tương tự xảy ra”.

Vụ kiện Meta chỉ là một trong năm vụ kiện chống độc quyền lớn nhắm vào lĩnh vực công nghệ do Chính phủ Mỹ khởi xướng gần đây. Google đang đối mặt với hai vụ kiện và đã bị kết tội lạm dụng sự thống trị thị trường tìm kiếm vào tháng 8/2024, trong khi Apple và Amazon cũng đang vướng vào những vụ kiện tụng.

Trước đó, bà Joelle Pineau, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) của Meta, thông báo sẽ rời công ty vào ngày 30/5 tới. Thông tin này được bà đăng trên LinkedIn hôm 1/4.

Quyết định ra đi của bà Pineau diễn ra trong bối cảnh Meta đang đối mặt với nhiều thách thức.CEO Zuckerberg đã xác định AI là ưu tiên hàng đầu, rót hàng tỷ USD nhằm giành vị thế dẫn đầu trước các đối thủ như OpenAI và Google.

Ông Zuckerberg đặt mục tiêu phát triển một trợ lý AI có hơn 1 tỷ người dùng và hướng đến trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) – hệ thống có khả năng suy nghĩ và hành động tương tự con người.

Bà Pineau viết trên nền tảng LinkedIn rằng: “Khi thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, cuộc đua AI ngày càng gia tăng và Meta chuẩn bị bước sang một chương mới. Đây là thời điểm để tạo không gian cho những người khác tiếp tục công việc này. Tôi sẽ dõi theo từ xa, tin rằng Meta có đầy đủ điều kiện để xây dựng những hệ thống AI tốt nhất thế giới và đưa chúng vào cuộc sống của hàng tỷ người một cách có trách nhiệm”.

Bà Pineau là một trong những nhà nghiên cứu AI hàng đầu của Meta và lãnh đạo đơn vị nghiên cứu AI cơ bản FAIR từ năm 2023. Bà giám sát các nghiên cứu tiên tiến về khoa học máy tính, trong đó nhiều công trình đã được ứng dụng vào các sản phẩm cốt lõi của Meta.

Gia nhập Meta vào năm 2017, bà Pineau từng đứng đầu phòng nghiên cứu AI tại Montreal của công ty. Ngoài ra, bà còn là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học McGill, đồng thời đồng giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu về lập luận và học máy của trường.

Bà Pineau đã góp phần phát triển nhiều dự án quan trọng, bao gồm dòng mô hình AI mã nguồn mở Llama và phần mềm PyTorch dành cho các nhà phát triển AI.

Thông báo từ chức của bà Pineau được đưa ra chỉ vài tuần trước hội nghị AI LlamaCon của Meta, diễn ra vào ngày 29/4. Dự kiến, Meta sẽ công bố phiên bản mới nhất của mô hình Llama tại sự kiện này. Trước đó, Giám đốc sản phẩm của Meta, ông Chris Cox, tiết lộ rằng Llama 4 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các tác nhân AI – xu hướng mới nhất trong lĩnh vực AI tạo sinh. CNBC cũng đưa tin Meta dự kiến ra mắt một ứng dụng độc lập cho chatbot Meta AI.

Mặc dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng Meta trước đó đã công bố mức doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong năm 2024, đồng thời đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng AI trong năm 2025.

Công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp đã chứng kiến doanh thu ròng tăng vọt 59% lên 62,36 tỷ USD trong năm 2024 và lợi nhuận quý IV tăng 49% lên 20,84 tỷ USD.

Tổng doanh thu trong năm qua của Meta đạt 164,5 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2023, nhờ hiệu suất quảng cáo mạnh mẽ hơn khi giá quảng cáo tăng 10% và lượt hiển thị tăng 11% trên các nền tảng của công ty.

Lượng người dùng Meta tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt 3,35 tỷ người dùng hoạt động hằng ngày trên những nền tảng vào tháng 12/2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Meta có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong năm 2025 với tổng chi phí dự kiến 114-119 tỷ USD, trong đó chi phí vốn khoảng 60-65 tỷ USD, chủ yếu hỗ trợ các sáng kiến AI.

Việc công ty khởi nghiệp DeepSeek ra mắt một mô hình AI làm khuynh đảo thị trường và làng công nghệ thế giới càng tạo cú hích để Meta quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu và cải tiến vượt trội các mô hình AI Llama của riêng mình.

Minh Hằng (Theo CNBC, AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/meta-doi-mat-phien-toa-chong-doc-quyen-tai-my/370057.html