Methadone - Liều thuốc giúp nhiều người nghiện thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy

Việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại bằng thuốc điều trị thay thế methadone tại Đồng Tháp đã và đang giúp người nghiện ma túy từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình.

Một bệnh nhân uống thuốc methadone tại Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Một bệnh nhân uống thuốc methadone tại Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 người nghiện các chất gây nghiện quản lý được, chủ yếu là loại ma túy tổng hợp, số sử dụng heroin rất thấp. Một số bệnh nhân sử dụng đồng thời 2 loại ma túy là heroin và ma túy đá, xu hướng này đang tăng nhanh.

Những năm qua, việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại bằng thuốc điều trị thay thế methadone tại Đồng Tháp đã và đang giúp người nghiện ma túy từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình, làm người hướng thiện, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm.

Đầu giờ sáng, tại Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), có rất nhiều nam bệnh nhân dừng xe máy, chạy vào đưa quyển sổ cho nhân viên y tế rồi nhận thuốc uống. Những thủ tục đó, chỉ kéo dài trong tầm 5 phút.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Minh, Trưởng Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết hiện Khoa duy trì điều trị cho 84 bệnh nhân cai nghiện các chất dạng ma túy. Bệnh nhân ở các địa bàn gồm các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Sa Đéc…

Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị methadone tại đây duy trì khá ổn định. Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất (thành phố Sa Đéc) có 7 nhân sự, thực hiện công việc xác định tình trạng nghiện, điều trị methadone, các nhân viên y tế còn thêm nhiệm vụ điều trị dự phòng Prep.

 Bác sĩ Nguyễn Tấn Minh tư vấn cho một trường hợp cai nghiện các chất dạng thuốc phiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sĩ Nguyễn Tấn Minh tư vấn cho một trường hợp cai nghiện các chất dạng thuốc phiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sĩ Minh cho hay bệnh nhân điều trị tại đây được các bác sĩ khám xét định kỳ, khai thác các thông tin về khả năng thích ứng với liều thuốc điều trị, có bị hội chứng cai hay không để quyết định duy trì liều hay tăng, giảm cho người bệnh. Trong thời gian điều trị, cũng có trường hợp bệnh nhân tái nghiện lại, nhưng sau khi được điều trị methadone, bệnh nhân có tái hút chích không còn cảm giác hưng phấn như xưa.

Chia sẻ về kết quả điều trị, bác sĩ Minh cho biết cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy bằng phương pháp mới là điều trị methadone mang lại kết quả tốt.

Bác sĩ Võ Công Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho hay Đồng Tháp hiện có 3 cơ sở điều trị methadone gồm: Thành phố Sa Đéc, Thành phố Cao Lãnh và huyện Thanh Bình với tổng số 149 người điều trị. Trong đó, Sa Đéc là địa bàn có nhiều bệnh nhân điều trị methadone nhất với 84 trường hợp. So với chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao cho tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là 100 bệnh nhân nhưng hiện tại đã điều trị cho 149 bệnh nhân đạt tỷ lệ 149%. Tỷ lệ đáp ứng điều trị là 100% trên tổng số bệnh nhân hiện tham gia điều trị.

 Nhân viên Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) pha thuốc methadone cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Nhân viên Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) pha thuốc methadone cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong công tác điều trị, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đề xuất chính quyền đại phương nên quan tâm đề xuất thêm các hỗ trợ cho bệnh nhân nghiện, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xã hội trong đó tập trung vào đào tạo nghề và tạo việc làm, truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, Sở Y tế xem xét, giải quyết về các chế độ chính sách cho viên chức và người lao làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh, cụ thể là chế độ phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ làm việc các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và lễ tết theo hướng thống nhất chung, giống nhau; các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị về Trung ương ban hành bổ sung các chế độ chính sách cho nhân viên làm việc tại các cơ điều trị Methadone.

Tính đến 31/3/2024, toàn quốc có 48.847 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại 343 cơ sở điều trị và 302 cơ sở cấp phát thuốc tại 63 tỉnh/thành phố.

Thạc sĩ Đỗ Hữu Thủy - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã đem lại hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân điều trị bằng thuốc methadone đã ổn định cuộc sống, thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy để phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong những người tham gia điều trị methadone./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/methadone-lieu-thuoc-giup-nhieu-nguoi-nghien-thoat-khoi-su-cam-do-cua-ma-tuy-post957203.vnp