Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao có kịp về đích năm 2022?
Việc đưa đoạn trên cao dự án metro Nhổn - ga Hà Nội cán đích năm 2022 gặp không ít khó khăn.
Bổ sung hơn 21 triệu Euro đưa đoạn trên cao về đích năm 2022
Sáng nay (7/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp kiểm tra thực địa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình triển khai dự án, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau khoảng 11 năm triển khai, tính đến nay, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính với tổng sản lượng thi công dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 75%.
Trong đó, sản lượng thi công đoạn trên cao (8,5 km) đạt 96%, đoạn ngầm (4 km) đạt 33%.
“
Tính đến hết tháng 7/2022, giá trị giải ngân tại dự án đạt hơn 568 tỷ đồng, đạt 17,22% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn ODA cấp phát là hơn 142 tỷ đồng, vốn ODA vay lại là hơn 333 tỷ đồng và vốn trong nước là gần 93 tỷ đồng.
”
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào tháng 12/2022, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết từ tháng 10/2021.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội bày tỏ sự quan ngại trước sự chậm trễ trong việc thực hiện gói thầu CP05 của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án đoạn trên cao.
Theo ông Tuấn, hợp đồng xây dựng gói thầu này được ký ngày 24/10/2012 với giá trị hợp đồng hơn 799,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022.
Đây là gói thầu quan trọng liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì đường sắt đô thị, gồm các hạng mục chính: xây dựng tòa nhà trung tâm điều hành vận tải, các tòa nhà chứa tàu, bảo dưỡng, kỹ thuật điện và các công trình phụ trợ.
Mặc dù UBND thành phố, chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Xây dựng thúc tiến độ, song, các mốc tiến độ đề ra trong quá trình triển khai gói thầu không được nhà thầu đảm bảo. Đến nay, có hạng mục đã chậm 6 tháng so với kế hoạch. Điển hình như: mốc số 4 về đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện (ngày 15/11/2021); Mốc bàn giao cho các gói thầu cơ điện (ngày 1/6/2022); Đóng điện hạ thế depot (ngày 30/6/2022).
“Sự chậm trễ của gói thầu CP05 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao của dự án, kéo theo chậm trễ của các gói thầu thiết bị (CP06, 7, 8, 9) gây khiếu nại, thiệt hại cho dự án. Các nhà tài trợ của dự án cũng đã có ý kiến quan ngại của nhà thầu”, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định, đồng thời, cho biết, để giảm tối đa sự lệ thuộc vào tiến độ gói thầu CP05, UBND TP Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư/tư vấn và các nhà thầu xây dựng chi tiết phương án khắc phục nhằm đảm bảo mốc hoàn thành đoạn trên cao.
Các yêu cầu được đưa ra là: Bố trí trung tâm điều hành tạm; Đúc rút kinh nghiệm từ tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đẩy nhanh công tác đào tạo, quy trình bàn giao nghiệm thu và các công tác kiêm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống.
Nhằm bảo đảm nguồn vốn phục vụ mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào cuối năm 2022, UBND Thành phố cũng đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính và thống nhất dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi kế hoạch tài trợ tại Thỏa ước vay CVN 1164 01G của AFD ký ngày 19/2/2016.
Trong đó, sử dụng 21,07 triệu Euro của khoản vay này để bổ sung cho các gói thầu CP06, CP09, Tư vấn thực hiện dự án đang được tài trợ từ nguồn vốn Chính phủ Pháp nhưng còn thiếu.
Thương thảo đưa nhà thầu trở lại thi công ga ngầm trong tháng 8/2022
Liên quan đến tiến độ thực hiện đoạn ngầm dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (4km tuyến hầm và 4 ga ngầm), theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, quá trình triển khai GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, quá trình thi công 4km ngầm đã có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng do có móng xung đột với ống hầm, cần phải phá dỡ 7 nhà và tạm cư 43 nhà. Trong khi đó, khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà này còn nhiều vướng mắc về thủ tục dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ 1 - 6 năm.
UBND Thành phố đang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại về GPMB trước ngày 30/9/2022.
Đề cập đến tiến trình làm việc với Liên danh nhà thầu Huyndai (Hàn Quốc) - Ghella (Italia) đảm nhận thi công gói thầu CP03 đoạn ga ngầm, ông Dương Đức Tuấn cho biết, việc thương thảo ký kết các phụ lục hợp đồng với nhà thầu cũng hết sức khó khăn.
Cụ thể, do phát sinh các khiếu nại, tranh chấp hết sức phức tạp do sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng quốc tế FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành, nhà thầu CP03 đã tạm dừng thi công từ tháng 8/2021, đưa các vấn đề tranh chấp và chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng ra Ban xử lý tranh chấp và yêu cầu gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/10/2026.
UBND Thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án và các Sở, ngành liên quan khẩn trương thương thảo với nhà thầu về phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian, bổ sung kinh phí để sớm quay lại thi công.
“Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND Thành phố và nhà thầu, UBND TP Hà Nội đã cam kết một số nội dung quan trọng như: hoàn thành công tác GPMB, bàn giao phần còn lại cho nhà thầu trước ngày 15/10/2022; Thanh toán tạm ứng cho nhà thầu khiếu nại số 1 về chậm trễ ngày khởi công trước ngày 28/8/2022; Tiếp tục thương thảo phụ lục hợp đồng các nội dung còn lại, tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và yêu cầu nhà thầu sớm quay trở lại thi công trong tháng 8/2022”, ông Tuấn thông tin.
Đề xuất chỉ định thầu tư vấn hỗ trợ vận hành
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, trước những khó khăn phát sinh, UBND Thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định hiện hành với mốc thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 2009 - 2022 thành 2009 - 2027. Trong đó, đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao trong năm 2022. Đồng thời, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không khỏi lo lắng khi hiện tại, các Sở, ngành mới đang hoàn chỉnh thủ tục thẩm định nội bộ, báo cáo Thành ủy, HĐND theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 3/2022. Do vậy, thời gian phê duyệt điều chỉnh chủ trương của Thủ tướng khó đảm bảo tước tháng 12/2022.
Căn cứ vào quy định tại Nghị định 29/2021 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng trường hợp thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không thể hoàn thành trong năm 2022, dự án vẫn được tiếp tục thi công, giải ngân và điều chỉnh các hợp đồng để quá trình triển khai dự án không bị gián đoạn.
Trên cơ sở tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp về áp dụng khuôn khổ hợp đồng FIDIC nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả dự án và quy định tại Nghị định 37/2015 của Chính phủ về hợp đồng xây dựng, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng FIDIC đã ký kết và việc tuân thủ hợp đồng sẽ được áp dụng trong trường hợp có khác biệt với quy định Việt Nam.
Nhằm đảm bảo tiến độ cấp bách lựa chọn tư vấn hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu trước ngày 15/10/2022, UBND TP Hà Nội đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong việc lựa chọn tư vấn.
Về phía các Bộ, ngành, bên cạnh kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp yêu cầu nhà thầu Hancorp nghiêm túc thực hiện cam kết, khắc phục chậm trễ, đảm bảo hoàn thành đoạn trên cao vào tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh kế hoạch tài trợ Thỏa ước tín dụng của AFD, đảm bảo giải ngân cho dự án trong tháng 8/2022.
“Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), Bộ GTVT, Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu Nhà nước, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cần tiếp tục ưu tiên, hướng dẫn phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố đẩy sớm công tác nghiệm thu, bàn giao, chứng nhận hệ thống an toàn cho dự án”, UBND TP Hà Nội đề nghị.