Metro số 1 sắp đi vào vận hành, người dân TP.HCM hào hứng

Từ 13/12 đến 21/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành thử đợt cuối trước khi chính thức hoạt động, dự kiến vào ngày 22/12. Đợt chạy thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân, khi hàng nghìn hành khách từ mọi quận, huyện đến trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.

Kỳ vọng của người dân

Sau nhiều năm chờ đợi, người dân TP.HCM cuối cùng cũng được trải nghiệm tuyến metro số 1. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho việc khai thác thương mại, đưa đón hành khách đang được triển khai nhanh chóng.

Người dân trải nghiệm metro

Người dân trải nghiệm metro

Trong đợt cuối vận hành thử, rất đông hành khách tập trung trước nhà ga Bến Thành (Quận 1). Đây là 1 trong 3 nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1, cùng với ga Ba Son và ga Nhà hát Thành phố. Đa số đều háo hức khi trải nghiệm loại hình giao thông mới này.

Hiện đại, tiện lợi, nhanh chóng… là những cụm từ phổ biến khi nhận xét về tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP, sắp đi vào vận hành chính thức vào ngày 22/12 tới.

"Cảm nhận của tôi lần đầu tiên đi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên rất vui và hạnh phúc. Trong một ngày cuối năm, dù cho bận rộn nhưng cũng có một buổi trải nghiệm rất thú vị. Nếu mọi người có nhu cầu về di chuyển từ Sài Gòn - Suối Tiên thì đây là một hành trình mang lại hiệu quả thời gian và có thể một phần nào đó về kinh tế của mỗi người; mở ra một hướng mới cho sự phát triển của TP.HCM", ông Nguyễn Mạnh Trung, 53 tuổi, trải nghiệm cùng đoàn Nhà xuất bản Tổng hợp cho biết.

Tranh thủ chụp ảnh trên metro

Tranh thủ chụp ảnh trên metro

Ngồi trên tàu và cảm nhận được sự tiện nghi, hiện đại của tuyến metro, nhiều hành khách đánh giá, sự có mặt của tuyến metro số 1 sẽ giúp tình hình giao thông tại TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

"Khi xây dựng tuyến metro này, đầu tiên sẽ giải quyết được vấn đề về giao thông, kẹt xe ở TP.HCM. Tiếp theo là giảm tải được thời gian di chuyển của người dân từ quận này sang quận khác. Mình ngồi từ Bến Thành tới Thủ Đức thì tầm 10 phút. Mình thấy nó rất hiệu quả cho vận tải Việt Nam. Mình dự định sẽ dùng metro di chuyển thay vì xe máy", Bảo Nam, sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa cho biết.

Ngoài ra, người dân cũng kỳ vọng về việc mở rộng kết nối các tuyến xe buýt, bãi gửi xe máy để việc di chuyển bằng metro thuận tiện hơn. Đồng thời, hành khách mong muốn TP xây dựng nhiều hơn các tuyến metro với nhiều trạm dừng để phương tiện giao thông hiện đại này được đến gần hơn với thói quen đi lại của người dân.

"Tôi kỳ vọng rằng sau chuyến này, thành phố sẽ có nhiều tuyến metro kết nối để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Đó là xu hướng của các nước phát triển trên thế giới vì metro là một phương tiện công cộng phục vụ rất tốt cho người dân. Thấy rất là hiện đại. Nó ngang bằng với lại các tuyến metro mà tôi đã từng đi ở các nước. Tôi hy vọng sẽ có nhiều tuyến metro để việc đi làm ở trung tâm thuận lợi hơn", chị Hiền, ngụ Quận 12 chia sẻ.

Kết nối đa dạng các loại hình vận tải

Nhằm đảm bảo tuyến metro số 1 hoạt động hiệu quả, ngành giao thông đã triển khai phương án tích hợp các phương tiện giao thông khác như xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh và buýt sông.

Cụ thể, về mạng lưới xe buýt, theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, dự kiến hai tuyến buýt 52 và 60-4 sẽ ngừng hoạt động, 14 tuyến được điều chỉnh lộ trình và mở thêm 17 tuyến để kết nối trực tiếp với metro.

Theo đó, 17 tuyến buýt gom cho metro sử dụng xe điện sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 12/2024, kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại và trường đại học.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Dự án tăng cường khả năng tiếp cận đã hoàn thành lắp đặt 162 trụ dừng, 61 nhà chờ và các bãi giữ xe 2 bánh cho khách đi tàu tại các ga như Văn Thánh, Thảo Điền, Bình Thái, Rạch Chiếc, Phước Long với sức chứa hơn 4000 chiếc.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tái bố trí 45 trạm xe đạp công cộng tại Quận 1 quanh các ga ngầm của metro và trang bị trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện nhằm tăng tiện ích cho hành khách.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang có kế hoạch xây dựng phương án kết nối tuyến buýt đường sông vào khu vực nhà ga Ba Son và Tân Cảng. Hệ thống giao thông công cộng của TP gồm metro số 1, xe buýt, buýt sông và xe 2 tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tuyến metro số 1 sẽ mang lại những thay đổi tích cực và sâu rộng cho giao thông TP, giảm tải lưu lượng giao thông với tuyến đường chính như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng... Ngoài ra, việc đưa vào vận hành tuyến metro được kỳ vọng sẽ giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Người dân TPHCM hào hứng trải nghiệm metro

"Trong cuộc họp HĐND TP vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông đã báo cáo đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM với mục tiêu tham vọng trong 10 năm tới sẽ phát triển 355km đường sắt. Với mục tiêu như vậy, nếu chúng ta hoàn thành, hệ thống giao thông đô thị sẽ có nhiều khởi sắc, giảm ùn tắc giao thông cũng như cải thiện môi trường", ông Ngô Hải Đường cho biết.

Với sự chuẩn bị chu đáo, tuyến metro số 1 hứa hẹn đáp ứng kỳ vọng của người dân; đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đô thị; thúc đẩy mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Hà Khánh-CTV Song Anh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/metro-so-1-sap-di-vao-van-hanh-nguoi-dan-tphcm-hao-hung-post1142231.vov