Mía trổ cờ, người dân Phụng Hiệp đứng trước cảnh trắng tay
Khi mía trổ cờ năng suất chất lượng sẽ sụt giảm đáng kể nhưng không tiêu thụ được và người trồng mía Phụng Hiệp nhìn cây mía trắng cờ mà đắng đót khi nghĩ đến vụ mía cứ ngỡ có thu nhập cao nhưng cuối cùng lại trắng tay.
Ngay sau khi Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) thông báo tạm dừng sản xuất tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024, người dân trồng mía ở Hậu Giang gặp cảnh điêu đứng vì không chỉ giá mía giảm mạnh mà còn gặp khó khăn trong tiêu thụ do thương lái ít thu mua. Hiện nông dân ở địa phương này còn hàng trăm ha mía đã quá thời gian thu hoạch nhiều tháng và đang bắt đầu trổ cờ.
Khác với không khí thu hoạch mía phấn khởi, nhộn nhịp ở đầu vụ, những ngày này xuôi về huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang dễ dàng bắt gặp nét buồn lo phảng phất trên gương mặt những người trồng mía nơi đây kể từ khi được thông tin Nhà máy đường Phụng Hiệp dừng sản xuất trong vụ ép 2023-2024. Ông Phạm Phi Hùng ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng buồn rầu cho biết, ông trồng được 5 công mía, trước đó ông bán mía chục cho thương lái với giá 2.500 đồng/kg nhưng chưa bán được bao nhiêu mía thì có thông tin nhà máy đường Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất. Kể từ đó cho đến nay, giá mía bị thương lái sụt xuống hơn phân nửa.
“Nhà máy đường đóng cửa nông dân không biết tiêu thụ mía về đâu. Trong khi thương lái thu mua chỉ với 1.300 đồng/kg nếu nhà vườn tự đốn, còn để thương lái đốn giá giảm còn 1.000 đồng/kg. Với mức giá này người trồng mía không đủ trang trải vốn giống, công chăm sóc”, ông Hùng cho biết.
Cách nhà ông Phạm Phi Hùng không xa, ông Cao Văn Chín cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Chín cho biết, ông trồng hơn 1ha mía, hồi đầu vụ cũng bán mía chục được 2.500 đồng/kg. Từ khi Nhà máy đường Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất, với diện tích mía trên ruộng ước còn khoảng hơn 40 tấn, ông kêu thương lái bán xô với giá 55 triệu đồng, tức chưa đến 1.300 đồng/kg, tuy nhiên thương lái vào chỉ đốn được hơn 100 bó mía rồi bỏ tới giờ.
“Thương lái biết nhà máy đường không chạy nên mới ép giá người dân, thậm thương lái mua cả ruộng và đặt cọc từ 5-10 triệu đồng, sau đó kêu người dân hạ giá, nếu không hạ giá là không mua, không đốn và bỏ tiền cọc luôn. Cả ấp hiện còn khoảng 500-600 tấn mía quá vụ thu hoạch đang trổ cờ”, ông Chín kể.
Mía rớt giá, ít thương lái thu mua là tình trạng chung mà người trồng mía ở huyện Phụng Hiệp hiện nay đang gặp phải. Theo lãnh đạo địa phương này, bên cạnh nhà máy đường Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất, ở nhiều địa phương khác nông dân trồng mía cũng bắt đầu bước vào thu hoạch mía, nên việc tiêu thụ mía chục của nông dân trong huyện cũng không còn nhiều như trước. Hiện địa phương cũng đang gặp khó trong việc xử lý đầu ra cho hơn 700ha mía còn lại trên đồng.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, trước thực trạng này, định hướng trong thời gian tới của huyện chỉ ổn định khoảng 2.000ha để bà con trồng mía bán mía chục. Còn lại hơn 1.000ha sẽ chuyển sang trồng cây khác. “Huyện sẽ chuyển sang cây trồng khác như cây khóm MD2 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại huyện đã làm việc với công ty Westfood ở Cần Thơ, DN đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm khoảng 2.000 khóm MD2 để làm nguyên liệu cho nhà máy. Với tinh thần này, huyện cũng chỉ đạo cho các ngành, đặc biệt là bộ phận khuyến nông đề nghị bà con không tiếp tục mở rộng diện tích mía để đảm bảo cho việc tiêu thụ trong thời gian sắp tới”, ông Lê đưa ra hướng giải quyết.
Đó là định hướng cho thời gian tới, còn hiện tại người trồng mía đang lao đao khi giá mía thấp, rất khó bán, nếu bán được cũng không có lời. Những ngày này gió chướng đã về, cây mía trên đồng gặp ngọn gió này bắt đầu trổ cờ. Khi mía trổ cờ năng suất, chất lượng sẽ sụt giảm đáng kể. Người trồng mía Phụng Hiệp nhìn cây mía trắng cờ mà đắng đót khi nghĩ đến vụ mía cứ ngỡ có thu nhập cao nhưng cuối cùng lại trắng tay.