MICE EXPO 2025: 'Di sản và Công nghệ trong kỷ nguyên mới'
Với chủ đề 'Di sản và Công nghệ trong kỷ nguyên mới', MICE EXPO 2025 dự kiến tổ chức ngày 26/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) là sự khẳng định bước đi mới của Việt Nam trên bản đồ MICE châu Á.
Ngày 15/7 tại Hà Nội, Chi hội Du lịch MICE Việt Nam (VMA) chính thức công bố tổ chức MICE EXPO 2025, với kỳ vọng quy tụ hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng 1.500 đại biểu và buyer quốc tế. Đây được xem là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong ngành MICE tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu biến Việt Nam trở thành điểm đến hội họp, khen thưởng, hội nghị, triển lãm (MICE) mang bản sắc riêng biệt, hiện đại và hội nhập sâu rộng.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Tầm nhìn kép: Bản sắc văn hóa và công nghệ số
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Chi hội Du lịch MICE Việt Nam, chủ đề “Di sản và Công nghệ” không chỉ là thông điệp quảng bá mà là chiến lược hành động cụ thể cho ngành MICE Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
“Chúng tôi xác định tầm nhìn kép: khai thác giá trị di sản văn hóa như một nền tảng bản sắc, đồng thời ứng dụng công nghệ để đột phá về chất lượng sản phẩm, cách tổ chức và trải nghiệm người dùng,” ông Đức Anh nhấn mạnh.
MICE EXPO 2025 không dừng lại ở khuôn khổ một hội chợ giao thương, mà là một sự kiện tổng hòa ba trụ cột chiến lược: định vị bản sắc MICE Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức sự kiện và mở rộng mạng lưới kết nối quốc tế.
Trụ cột thứ nhất, định vị bản sắc Việt Nam bằng cách “chưng cất” những tinh hoa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tạo ra các sản phẩm MICE độc đáo. Việt Nam có lợi thế so sánh về hệ sinh thái di sản phong phú: từ các di sản thế giới như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Huế, Hội An đến các giá trị phi vật thể như Nhã nhạc, Ca trù, Múa rối nước. Đây là chất liệu quý để thiết kế các chương trình hội họp, gala dinner, incentive tour mang đậm dấu ấn văn hóa.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Chi hội Du lịch MICE Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Thứ hai là công nghệ. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một khu Tech Zone chuyên biệt sẽ được thiết lập trong khuôn khổ sự kiện, nơi các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tổ chức sự kiện tiên tiến như: hội nghị thực tế ảo, AI lên kế hoạch và cá nhân hóa trải nghiệm, hệ thống quản lý chuỗi MICE thông minh, chatbot hướng dẫn sự kiện, nền tảng hybrid event...
“MICE Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ. Đây là xu thế toàn cầu, là điều kiện để nâng cao trải nghiệm và hiệu quả tổ chức”, ông Lưu An Hòa, Tổng Thư ký VMA chia sẻ.
Trụ cột thứ ba là kết nối toàn cầu. MICE EXPO 2025 dự kiến tiếp đón hơn 1.500 buyers quốc tế, 150 sellers trong nước, 50 đối tác và văn phòng du lịch quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Với phiên B2B chuyên sâu, sự kiện mở ra cơ hội xúc tiến giao thương lớn cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, tổ chức sự kiện, vận chuyển và điểm đến.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo chuyên đề “Di sản và Công nghệ – Động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới” sẽ là diễn đàn thực chất, nơi các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả, đại diện các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở đào tạo cùng thảo luận về con đường phát triển MICE Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động giao thương, MICE EXPO 2025 cũng tổ chức Giải Pickleball Cup lần thứ nhất và giải chạy trực tuyến “Một vòng Việt Nam” nhằm kỷ niệm 65 năm ngành Du lịch Việt Nam. Các hoạt động bên lề không chỉ tăng cường gắn kết mà còn khẳng định vai trò của MICE như một ngành “công nghiệp hạnh phúc”, nơi hội tụ giữa công việc và trải nghiệm.

Ban tổ chức cho biết, sự kiện dự kiến quy tụ hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng 1.500 đại biểu và buyer (người mua) quốc tế.
Số hóa không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn
Khi các trung tâm MICE hàng đầu khu vực như Singapore, Bangkok, Seoul phát triển mạnh về hạ tầng hiện đại, Việt Nam có thể đi theo hướng khác biệt, đó là kết hợp giá trị bản sắc với công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Anh cho rằng, không gian tổ chức MICE Việt Nam không nên bị giới hạn trong phòng họp hay trung tâm hội nghị. Thay vào đó, cần tạo ra hành trình gắn kết văn hóa – nơi khách MICE có thể thưởng thức âm nhạc truyền thống, tham quan làng nghề, tham dự lễ hội dân gian hay tổ chức gala dinner trong không gian đền đài, di sản.
“Khách MICE cần trải nghiệm sống động, cảm xúc, không phải chỉ là hội họp thuần túy”, ông nói.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, điều đặc biệt nhất ở MICE EXPO 2025 là tư duy hành động: lấy di sản và công nghệ làm đòn bẩy tăng trưởng, định hướng chiến lược lâu dài cho ngành MICE.
“Đây không chỉ là kim chỉ nam cho sự kiện mà còn là định hướng phát triển cho du lịch MICE Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt là khi chúng ta đang gắn ngành này với công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số toàn diện”, bà Cao Ngọc Lan nhấn mạnh.
Bà cũng chỉ ra 5 nhóm giải pháp căn cơ để MICE Việt Nam vươn lên: xây dựng chiến lược quốc gia riêng cho MICE; phát triển sản phẩm mang bản sắc; chuyển đổi số đồng bộ; cải tiến chính sách visa cho khách MICE; và đẩy mạnh truyền thông hình ảnh điểm đến.
“Muốn phát triển MICE phải đầu tư vào hạ tầng hội nghị, khách sạn, giao thông. Ngoài các thành phố lớn, cần khai thác thêm các vùng di sản như Ninh Bình, Huế, Quảng Ninh, Tuyên Quang… để phân bổ sản phẩm và tăng tính hấp dẫn”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Trong kỷ nguyên số, công nghệ đang thay đổi cách tổ chức sự kiện. Từ hội nghị thực tế ảo, AI hỗ trợ lịch trình, nền tảng hybrid cho đến hệ sinh thái quản lý sự kiện thông minh, tất cả đã trở thành tiêu chuẩn mới.

Các đại biểu dự Lễ công bố thông tin MICE EXPO 2025.
Tại Tech Zone của MICE EXPO 2025, các doanh nghiệp sẽ lần đầu tiên được tiếp cận bộ giải pháp toàn diện: từ thiết kế chương trình, phân tích hành vi khách, cá nhân hóa dịch vụ cho tới hậu cần vận hành, truyền thông. Đây là cơ hội để các đơn vị du lịch Việt Nam chuyển mình số hóa, bắt kịp xu thế toàn cầu.
Điều đáng chú ý, theo Ban tổ chức, MICE EXPO 2025 không kết thúc trong một ngày. Một mạng lưới có tên MICE Vietnam Hub sẽ được xây dựng sau sự kiện, nhằm duy trì sự kết nối giữa các doanh nghiệp MICE trên toàn quốc, cập nhật công nghệ mới và mở rộng hợp tác quốc tế.
“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để lan tỏa những câu chuyện thành công, mô hình hiệu quả, qua đó giúp doanh nghiệp và các địa phương nhận thức rõ hơn về tiềm năng và giá trị thực sự của MICE”, ông Lưu An Hòa khẳng định.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi cách tổ chức sự kiện, khách MICE cần nhiều hơn là một hội trường chuẩn mực, họ cần những trải nghiệm gắn với văn hóa, thiên nhiên, công nghệ và cảm xúc.
Việt Nam đang sở hữu đầy đủ lợi thế: di sản sống động, con người thân thiện, cảnh quan độc đáo, chi phí cạnh tranh và nền tảng công nghệ đang được đầu tư mạnh. Nếu biết tận dụng, MICE Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một “điểm đến khác biệt” trong khu vực.
MICE EXPO 2025 vì vậy không chỉ là một hội chợ. Đó là bước đi chiến lược khẳng định vị thế Việt Nam trong ngành công nghiệp không khói nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ này.