Microsoft cán mốc giá trị 3 nghìn tỉ USD nhờ AI như thế nào?

Gã khổng lồ phần mềm đã trở thành công ty thứ hai cán mốc giá trị 3 nghìn tỉ USD, một phần nhờ khoản đặt cược vào OpenAI.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1, Microsoft đã trở thành công ty thứ hai đạt giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD, cột mốc phản ánh sự lạc quan của giới đầu tư về một trong những công ty công nghệ lâu đời nhất đang dẫn đầu cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong thập kỷ qua, sự thành công của Microsoft đến từ những vụ đặt cược thông minh của CEO Satya Nadella. Một trong những canh bạc lớn nhất của ông trong những năm gần đây là hợp tác với một công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận non trẻ – OpenAI, nhà tiên phong về AI tạo sinh – và nhanh chóng đưa công nghệ của công ty này vào các sản phẩm bán chạy nhất của Microsoft. Động thái đó đã đưa Microsoft trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực AI đang phát triển như vũ bão.

Nhờ vào mối quan hệ với OpenAI “Microsoft đã đi trước Alphabet và Meta và có cơ hội lớn để trở thành công ty tiên phong về phần mềm trong lĩnh vực AI”, Daniel Morgan, Giám đốc danh mục đầu tư của Synovus Trust, người sở hữu cổ phiếu Microsoft, cho biết.

Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft lần đầu tiên tăng lên khoảng 3 nghìn tỉ USD trong phiên giao dịch giữa ngày 24/1 nhưng đóng cửa dưới mức đó. Đến ngày 25/1, cổ phiếu của Microsoft đã tăng 0,6% lên 404,87 USD.

Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft cán mốc 3 nghìn tỉ USD (Ảnh: WSJ)

Apple đã trở thành công ty đầu tiên vượt mốc 3 nghìn tỉ USD vào tháng 6 năm ngoái, phản ánh tác động lâu dài và khả năng phục hồi của mặt hàng chủ lực iPhone của họ. Đầu tháng này, Microsoft đã nhanh chóng soán ngôi Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị cao nhất trên thế giới.

Apple sau đó giành lại vị trí dẫn đầu nhưng lại bị Microsoft vượt mặt vào cuối ngày 26/1. Microsoft hiện được định giá ở mức 3,009 nghìn tỉ USD, so với 3,002 nghìn tỉ USD của Apple. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Apple đã hoạt động kém hơn các “gã khổng lồ” công nghệ khác, trong bối cảnh lo ngại về doanh thu của công ty và vị thế của nó trong cuộc đua AI.

CEO Microsoft Satya Nadella (phải) với CEO OpenAI Sam Altman vào tháng 11/2023 (Ảnh: Getty)

Dẫn đầu làn sóng AI

Đợt bùng nổ AI bắt đầu một cách không chính thức vào tháng 11/2022 với việc phát hành ChatGPT, một chatbot được xây dựng bởi công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận OpenAI ở Thung lũng Silicon, sử dụng cái gọi là “mô hình ngôn ngữ lớn” (LLM) để sáng tác thơ, soạn email và tạo mã máy tính.

Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI. Trong nhiều vòng gọi vốn trong 5 năm qua, họ đã đồng ý đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI để đổi lấy 49% cổ phần của nhánh hoạt động vì lợi nhuận của OpenAI. Mối quan hệ này cũng mang lại cho Microsoft quyền truy cập sớm vào các mô hình mới nhất của OpenAI, được đào tạo và lưu trữ trên dịch vụ điện toán đám mây Azure của công ty.

Việc tích cực áp dụng và mở rộng công nghệ của Microsoft đã giúp công ty vượt qua các đối thủ khác trong tâm trí các nhà đầu tư. Kể từ sau khoản đầu tư hàng tỉ USD của Microsoft vào OpenAI trong tháng 1/2023, cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 70%, tăng thêm hơn 1,2 nghìn tỉ USD vào giá trị thị trường của Microsoft.

Ông Nadella đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với CEO của OpenAI, Sam Altman và kết hợp công nghệ của OpenAI vào các sản phẩm hàng đầu của Microsoft. Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về tiềm năng của các công cụ AI này – bao gồm trợ lý Copilot tích hợp vào các phần mềm quan trọng của Microsoft như Word, Outlook và Teams – và tin rằng chúng sẽ trở thành nguồn doanh thu mới quan trọng của công ty.

“Họ có một khởi đầu thuận lợi nhờ OpenAI và đổi mới nhanh chóng cũng như phát triển nhanh hơn so với các công ty phần mềm khác”, Rishi Jaluria, nhà phân tích tại RBC Capital, nhận định.

Trong khi sự phấn khích về AI đã thúc đẩy giá cổ phiếu trên toàn ngành công nghệ, thì Microsoft đã dẫn dắt làn sóng này tốt hơn phần còn lại. Trong năm 2023, cổ phiếu của Microsoft đã tăng hơn 55%, vượt xa chỉ số Nasdaq Composite Index, vốn tăng dưới 45%.

Một số nhà đầu tư lo ngại rằng bong bóng có thể hình thành xung quanh mức giá tăng vọt của các cổ phiếu do AI thúc đẩy. Vẫn chưa rõ sự bùng nổ AI sẽ mang lại bao nhiêu doanh thu mới cho các công ty công nghệ. Ngay cả đối với một số bên hưởng lợi lớn nhất, có thể phải mất nhiều năm các doanh nghiệp và cá nhân mới nắm bắt được các công cụ AI ở quy mô mà những người ủng hộ công nghệ lớn nhất mong đợi.

Nỗ lực ban đầu của Microsoft nhằm tích hợp AI vào các sản phẩm của mình đã thất bại. Chức năng trò chuyện với AI được thêm vào công cụ tìm kiếm Bing của họ không có nhiều tác dụng trong việc giành thị phần với Google. Sản phẩm GitHub Copilot của họ, sử dụng AI để tăng tốc độ mã hóa, đã trở nên phổ biến.

Do quy mô khổng lồ của Microsoft và các công ty cùng ngành như Apple, cổ phiếu công nghệ đóng một vai trò to lớn trong diễn biến của thị trường chứng khoán nói chung. Khi năm mới bắt đầu, hai công ty công nghệ này chiếm 14% giá trị thị trường của S&P 500, theo S&P Dow Jones Indices.

Theo Dow Jones Market Data, cả Microsoft và Apple hiện đều vượt qua giá trị của 5 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, bất động sản, vật liệu và tiện ích.

Cửa hàng Microsoft tại Oxford Circus, London (Ảnh: Bloomberg)

Cú lội ngược dòng ngoạn mục

Thành công gần đây của Microsoft là tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với các khách hàng doanh nghiệp để phát triển vượt qua nhiều làn sóng thay đổi công nghệ.

Bắt đầu vào năm 1975, Microsoft đã điều hướng quá trình phát triển từ máy tính cá nhân đến Internet rồi đến thiết bị di động. Trải qua nhiều biến động, hệ điều hành của Microsoft vẫn có mặt trong hầu hết các máy tính trên thế giới, trong khi các sản phẩm văn phòng của họ vẫn là một phần không thể thiếu trong các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, khi một số công ty công nghệ phải vật lộn với tình trạng suy thoái, Microsoft đã tìm ra cách để tăng doanh thu. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đã tạo ra đủ lượng tiền mặt để giúp họ trở thành một trong những công ty có khả năng mua lại cao nhất trong giới công nghệ.

Cách đây không lâu, Microsoft vẫn bị coi là một công ty lạc hậu, không sánh kịp với những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Bất chấp quy mô khổng lồ, nó đã bị loại khỏi từ viết tắt FAANG mà một số nhà đầu tư từng sử dụng để mô tả những cái tên được coi là năng động nhất trong lĩnh vực công nghệ: Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google.

“Đã có lúc Microsoft không phải là một phần của FAANG và bây giờ Microsoft hoàn toàn nằm trong nhóm “Magnificient 7””, Soma Somasegar, một nhà đầu tư mạo hiểm của Madrona Ventures và cựu giám đốc điều hành của Microsoft, cho biết.

Nhóm “Magnificient 7” đề cập đến những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ ngày nay: Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon.com, Apple, Meta Platforms, Nvidia, Tesla và Microsoft.

Nadella, người đã đảm nhiệm vị trí CEO gần một thập kỷ, đã nhanh chóng dẫn dắt Microsoft vượt qua các mốc định giá nghìn tỉ USD. Nó đã vượt mốc vốn hóa thị trường 1 nghìn tỉ USD vào năm 2019 và 2 nghìn tỉ USD chỉ 2 năm sau đó.

Dưới thời Nadella, dịch vụ đám mây Azure của Microsoft đã trở thành động lực tăng trưởng chính của công ty và cổ phiếu của công ty tăng giảm tùy theo mức độ hoạt động của bộ phận này. Ngày nay, nó là công ty lớn thứ 2 trong lĩnh vực này sau Web Services của Amazon.

Sự bùng nổ AI được dự báo sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của Azure. Quý trước, chi tiêu của khách hàng cho các dịch vụ AI của Microsoft đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng doanh thu của Azure.

Theo Wall Street Journal

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/microsoft-can-moc-gia-tri-3-nghin-ti-usd-nho-ai-nhu-the-nao-post173008.html