Microsoft khẳng định vị thế thủ lĩnh AI khi Elon Musk, Jensen Huang, Sam Altman xuất hiện ở Build 2025
Sam Altman, Elon Musk và Jensen Huang xuất hiện ở hội nghị Build 2025 phản ánh tầm ảnh hưởng của Microsoft với ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuần qua, Microsoft đã nỗ lực củng cố sức mạnh AI của mình khi công bố loạt sản phẩm mới và mối quan hệ hợp tác với OpenAI, Nvidia cùng xAI của Elon Musk, nhằm khẳng định vị thế hàng đầu trong cuộc đua kiếm lợi nhuận từ công nghệ tiên tiến này.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã tổ chức hội nghị thường niên Build tại thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ), nơi hãng giới thiệu hàng loạt cải tiến liên quan đến AI, gồm cả một tác tử AI lập trình mạnh mẽ hoạt động dựa trên các chỉ dẫn đơn giản và một công cụ giúp các doanh nghiệp xây dựng, quản lý nhiều trợ lý kỹ thuật số khác nhau.
Điểm nổi bật khác của hội nghị kéo dài ba ngày (19 - 22.5) là sự xuất hiện trực tuyến của các doanh nhân công nghệ nổi tiếng như Elon Musk (Giám đốc điều hành xAI, Tesla) và Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia), Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI).
Sự có mặt của họ tại Build 2025 cho thấy các hãng AI ngày càng gắn chặt lợi ích với Microsoft - công ty 50 năm tuổi từng thất bại trong thời kỳ bùng nổ thiết bị di động nhưng đang định vị lại mình trở thành trung tâm ngành AI dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Satya Nadella.
Những hãng này đều cần Microsoft để đưa mô hình AI riêng đến với khách hàng doanh nghiệp sử dụng hạ tầng điện toán đám mây Azure, công cụ lập trình và phần mềm năng suất của gã khổng lồ công nghệ này.
“Không phải chỉ là công cụ, tác tử AI hay hình thức cụ thể nào, chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng cùng nhau... Tôi nghĩ điều gì đó lớn lao sẽ xảy ra, khác biệt so với những đột phá công nghệ trước đó (internet, điện thoại di động - PV)”, Satya Nadella tuyên bố.

Elon Musk, Jensen Huang và Sam Altman xuất hiện trực tuyến ở Build 2025 phản ánh tầm ảnh hưởng của Microsoft với ngành AI - Ảnh: FT
Elon Musk cam kết với khách hàng của Microsoft rằng phản hồi từ họ sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của dòng mô hình Grok do xAI phát triển, sau khi ký thỏa thuận cung cấp chúng trên nền tảng Azure Foundry của Microsoft. “Hãy nói chúng tôi biết bạn cần gì. Chúng tôi sẽ làm điều đó xảy ra”, tỷ phú giàu nhất thế giới nói.
Điểm đáng chú ý là Elon Musk đang kiện Microsoft vì mối hợp tác trị giá hơn 13 tỉ USD giữa hãng này và OpenAI.
Jensen Huang nói với hơn 3.000 người tham dự Build 2025 rằng hai công ty đang “xây dựng siêu máy tính AI lớn nhất thế giới”, ám chỉ việc triển khai chip tiên tiến Nvidia trong các trung tâm dữ liệu của Microsoft.
Trong khi Sam Altman nói rằng tác tử AI viết mã Codex của OpenAI “tích hợp rất sâu” với công cụ lập trình do GitHub, công ty con của Microsoft, phát triển.
“Microsoft là thủ lĩnh AI (đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc chơi AI - PV). Họ là nền tảng hàng đầu, chất xúc tác và người điều phối giúp các mô hình AI vận hành hiệu quả. Nếu Microsoft thành công, các đối tác của họ sẽ được hưởng lợi”, Kash Rangan, chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs, nhận xét.
Satya Nadella nhận định ngành công nghệ đang giữa một “cuộc chuyển đổi nền tảng”. Theo ông, đó là sự thay đổi căn bản về công nghệ tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, giống cách internet từng làm thay đổi cách con người, doanh nghiệp sống và làm việc.
Giới đầu tư tin rằng Microsoft đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng sự chuyển dịch này. Giá cổ phiếu công ty đã tăng hơn 8% trong năm 2025 nhờ niềm tin của thị trường vào chiến lược AI.
Ngược lại, hầu hết cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn trong nhóm Magnificent Seven đều giảm tính từ đầu năm do tác động tiêu cực từ thuế quan của chính quyền Trump lên thị trường chứng khoán Mỹ.
Magnificent Seven là biệt danh được giới tài chính đặt cho 7 hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ, đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là chỉ số S&P 500 và Nasdaq những năm gần đây.
Tùy theo thời điểm, danh sách này có thể thay đổi một chút, nhưng thông thường Magnificent Seven gồm: Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Nvidia, Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook) và Tesla.
Vì sao gọi là Magnificent Seven?
Cụm từ này được lấy cảm hứng từ bộ phim cao bồi kinh điển The Magnificent Seven (1960), với hình ảnh 7 tay súng giỏi nhất hợp lực để giải cứu một ngôi làng.
Trong ngữ cảnh tài chính, nó mô tả 7 cổ phiếu công nghệ hùng mạnh nhất, dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chứng khoán nhờ vào vốn hóa khổng lồ và tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh hoặc có biến động (như chiến tranh thương mại, lãi suất tăng, hay khủng hoảng chuỗi cung ứng), nhóm này cũng có thể lao dốc mạnh do ảnh hưởng lan rộng từ tâm lý thị trường và mức định giá cao.
S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và Nasdaq. Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,...
Một số công ty nổi bật trong S&P 500 có thể kể đến Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta Platforms, Tesla.
Đi trước các đối thủ khi gia tăng đầu tư vào OpenAI
Microsoft đã đi trước các đối thủ sau khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT vào tháng 11.2022, bằng cách tăng khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) và tích hợp các mô hình AI của họ vào nhiều sản phẩm, gồm cả trợ lý Copilot.
Tuy nhiên, Microsoft cũng mở rộng để cung cấp nhiều dịch vụ khác cho khách hàng. Dù đã tích hợp Codex của OpenAI vào GitHub Copilot, Microsoft thông báo sẽ cung cấp thêm Claude Code của Anthropic trên cùng nền tảng.
Dòng mô hình AI Grok cũng sẽ được cung cấp cho khách hàng điện toán đám mây của Microsoft với điều kiện thương mại tương tự OpenAI, cũng như mô hình do các công ty khởi nghiệp châu Âu như Mistral và Black Forest Labs phát triển.
“Sự cởi mở và có lựa chọn là điều mà mọi nhà phát triển mong muốn. Chúng tôi sẽ mang lại điều đó”, theo Jay Parikh, cựu giám đốc kỹ thuật toàn cầu tại Facebook được Satya Nadella bổ nhiệm làm Phó chủ tịch điều hành phụ trách bộ phận CoreAI – Platform and Tools tại Microsoft vào tháng 1.2025.
Các công ty đám mây lớn như Amazon và Google cũng theo đuổi chiến lược tương tự: Cho phép chạy nhiều mô hình AI khác nhau trên nền tảng của mình.
Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng Microsoft đang nắm lợi thế cạnh tranh nhờ bộ công cụ AI toàn diện hơn dành cho khách hàng doanh nghiệp, từ lập trình, dữ liệu đến phần mềm năng suất.
“Nằm trong DNA của Microsoft”
Tiếp quản vai trò giám đốc điều hành vào năm 2014, Satya Nadella đã giúp Microsoft giảm phụ thuộc vào doanh thu từ phần mềm máy tính cá nhân và mở rộng mạnh mẽ mảng điện toán đám mây Azure. Hiện phần lớn doanh thu của công ty đến từ dịch vụ đám mây và doanh nghiệp, trong khi bộ sản phẩm AI được kỳ vọng mang về ít nhất 13 tỉ USD mỗi năm.
Dù cũng chịu trách nhiệm trong khoản đầu tư vào OpenAI, CEO Microsoft tách biệt chiến lược kinh doanh của hãng khỏi tầm nhìn AI tổng quát (AGI) đầy tham vọng của startup này. Thay vào đó, ông cho rằng các mô hình AI dẫn đầu rồi sẽ trở thành “hàng hóa phổ thông” và giá trị thực sự nằm ở khả năng bán các ứng dụng, trợ lý kỹ thuật số AI cho doanh nghiệp.
Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về định nghĩa AGI, nhưng nhìn chung, đây được xem là mô hình AI có khả năng suy luận giống hay vượt trội con người.

Satya Nadella trò chuyện trực tuyến với Elon Musk tại Build 2025 khi Microsoft thêm các mô hình của xAI vào Azure Foundry - Ảnh: Reuters
“Tôi không nghĩ chúng tôi đã hoàn toàn hình dung ra khoảnh khắc này hai năm trước (khi ChatGPT ra mắt)”, Don Johnson, cựu lãnh đạo mảng điện toán đám mây của Oracle và hiện là CEO hãng công cụ lập trình Docker, thổ lộ.
Theo Don Johnson, khi nhìn lại từ góc độ hiện tại, có vẻ AI sẽ là cuộc chơi xoay quanh nền tảng và việc trở thành nền tảng đã nằm trong DNA của Microsoft.
Tuy nhiên, gã khổng lồ phần mềm Mỹ vẫn đối mặt với rủi ro. OpenAI đã tung ra nền tảng cho nhà phát triển riêng và bán trực tiếp cho khách hàng doanh nghiệp, bỏ qua Microsoft.
Bà Sarah Friar, Giám đốc tài chính OpenAI, từng nói với các nhà đầu tư tiềm năng hồi tháng 3 rằng dự án trung tâm dữ liệu Stargate, có cả tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) tài trợ, giúp công ty bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ và tránh phụ thuộc vào đối tác.
Kash Rangan từ Goldman Sachs cho rằng tham vọng thương mại của OpenAI chưa dễ đạt được trong tương lai gần, còn Microsoft đang ở vị thế thuận lợi để thu lợi nhanh hơn.
“Khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI là rất nhỏ”, ông nhận định.
Theo Kash Rangan, Build 2025 cùng những thông báo, hợp tác trong ba ngày ở hội nghị này đã tạo ra một bước ngoặt lớn, đưa AI từ tiềm năng sang sang giai đoạn ứng dụng rộng rãi và phát triển ở quy mô lớn.