Microsoft vừa chi 70 tỷ USD để trở thành thế lực mới của ngành game
Với giá gần 70 tỷ USD, Activision Blizzard là thương vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử Microsoft, vượt qua thỏa thuận với LinkedIn cách đây 6 năm.
Ngày 18/1, Microsoft tuyên bố mua lại Activision Blizzard, chủ sở hữu các dòng game nổi tiếng như Call of Duty, World of Warcraft hay Diablo. Toàn bộ studio thuộc công ty như Beenox, Demonware, Digital Legends, Infinity Ward, King, Radical Entertainment, Raven Software... cũng sẽ về tay Microsoft.
Với giá 95 USD/cổ phiếu, tương đương 68,7 tỷ USD, đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Microsoft. Kỷ lục trước đây thuộc về thỏa thuận mua lại LinkedIn, diễn ra năm 2016 với giá 26 tỷ USD. Theo Engadget, đây cũng là một trong những thương vụ lớn nhất ngành game.
Sau khi mua lại Activision Blizzard, Microsoft sẽ sở hữu những dòng game đình đám như Warcraft, Diablo, Overwatch, Call of Duty hay StarCraft. Khi thỏa thuận hoàn tất, Microsoft sẽ trở thành hãng game lớn thứ 3 thế giới về doanh thu, sau Tencent và Sony.
Theo The Verge, thỏa thuận cũng giúp Microsoft sở hữu King, nhà phát triển game Candy Crush nổi tiếng trên di động. Điều này giúp hãng tiếp cận lượng game thủ di động ngày càng lớn, mở ra cơ hội mang các dòng game như Halo, Warcraft lên nhiều thiết bị hơn.
Đây cũng là một phần trong kế hoạch thúc đẩy dịch vụ Xbox Game Pass của Microsoft, hiện có hơn 25 triệu thuê bao đăng ký. Một số game của Activision Blizzard sẽ có mặt trên Xbox Game Pass khi thỏa thuận hoàn tất.
“Khi hoàn tất thỏa thuận, chúng tôi sẽ cung cấp nhiều game của Activision Blizzard nhất có thể trên Xbox Game Pass và PC Game Pass, kể cả những tựa game mới”, Phil Spencer, CEO Microsoft Gaming cho biết.
Theo Microsoft, thỏa thuận với Activision Blizzard dự kiến hoàn tất vào cuối năm tài chính 2023 (tháng 6/2023). Thời gian kéo dài do Activision Blizzard hoạt động tại nhiều thị trường, gây khó khăn về mặt pháp lý. Đến thời điểm đó, hãng game này vẫn hoạt động độc lập.
Trước khi bị Microsoft thâu tóm, Activision Blizzard trải qua loạt bê bối liên quan đến quấy rối tình dục. Tháng 7/2021, Sở Công bằng Việc làm và Nhà ở California (DFEH) đã kiện Activision Blizzard do dung túng văn hóa quấy rối tình dục. Kể từ đó, nhiều nhân viên công ty lên tiếng phản đối những hành vi sai trái.
Microsoft chưa cho biết sẽ giải quyết bê bối của Activision Blizzard như thế nào. Bất chấp lời kêu gọi từ chức, Bobby Kotick sẽ tiếp tục giữ ghế CEO hãng game này đến khi thỏa thuận hoàn tất. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Activision sẽ được báo cáo lên Spencer.
“Chúng tôi coi trọng văn hóa của từng studio, tin rằng thành công trong sáng tạo và tự chủ đi đôi với đối xử công bằng, tôn trọng người khác. Chúng tôi yêu cầu mọi đội ngũ, lãnh đạo cam kết điều này”, Spencer chia sẻ.
“Game là thể loại giải trí năng động và thú vị nhất hiện nay trên mọi nền tảng, sẽ đóng vai trò quan trọng khi phát triển metaverse”, Satya Nadella, CEO Microsoft chia sẻ.
Thỏa thuận với Activision Blizzard diễn ra gần một năm sau khi Microsoft thâu tóm hãng game Bethesda (ZeniMax Media) với giá 7,5 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Microsoft sở hữu 23 studio game bên thứ nhất. Tính cả Activision Blizzard, lượng studio mà Microsoft kiểm soát là 30.
Đối với các game thủ, câu hỏi đặt ra là bao nhiêu game của Activision Blizzard sẽ trở thành độc quyền trên Xbox và Windows. Đến nay, dòng game Call of Duty trên PlayStation vẫn mang về doanh thu lớn. Cũng chưa rõ Microsoft sẽ kiểm soát việc phát triển game của Activision Blizzard theo mức độ nào.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/microsoft-cong-bo-thuong-vu-lon-nhat-lich-su-post1290608.html