Miền Bắc bước vào những ngày mưa phùn, trời nồm ẩm, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

HHT - Ngày 3/2, miền Bắc bước sang ngày thứ hai của đợt nồm ẩm, mưa phùn. Tình trạng sương mù xuất hiện vào sáng sớm tiếp diễn, thời tiết lặng gió và có mưa, chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm nghiêm trọng.

Theo số liệu quan trắc của Pam Air, lúc 6h sáng 3/2, chỉ số AQI ở các điểm tại Hà Nội dao động chủ yếu 150-200 đơn vị - ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Riêng một số điểm có AQI tăng cao trên 200 đơn vị.

Nơi có chất lượng không khí kém nhất Hà Nội là khu vực Cầu Giấy với chỉ số AQI 256 đơn vị - mức rất có hại cho sức khỏe. Tình trạng này được dự báo kéo dài trong những giờ tới và AQI sẽ giảm vào khung giờ 13h-15h, khi thời tiết ấm lên.

Trang IQAir dự báo ô nhiễm không khí khả năng kéo dài và nghiêm trọng hơn ở Hà Nội trong các ngày 4 - 6/2. Lúc này, chỉ số ô nhiễm trung bình lên đến 180 đơn vị, mức có hại. Đáng lưu ý, một số tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang duy trì chất lượng không khí ở mức nguy hại khi AQI trên 300 đơn vị.

Trong khi đó, chỉ số này được cải thiện hơn ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Một số nơi như Lào Cai, Bắc Kạn, Phú Thọ có không khí ở mức tốt với AQI dưới 50 đơn vị.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong thời điểm này là không khí lạnh suy yếu khiến các chất bụi bẩn không được khuếch tán mà tích tụ lại từ hoạt động giao thông, xây dựng. Ngoài ra, tình trạng sương mù, độ ẩm tăng cao và thời tiết ấm lên cũng là điều kiện khiến chất lượng không khí suy giảm.

Thời tiết đang trong những ngày trời nồm ẩm, độ ẩm trong không khí cao và những cơn mừa phùn dai dẳng không chỉ khiến gây khó chịu mà nguy hiểm hơn khi các bệnh về đường hô hấp và da như thủy đậu cũng theo đó mà phát triển.

Thời tiết trong mùa nồm ẩm thường không cố định, sáng sớm thường hay có mưa phùn, đến buổi trưa sẽ dừng mưa nhưng chiều tối lại có thể chuyển lạnh, như vậy rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là trẻ em và người già.

Những người có cơ địa dị ứng với dạng thời tiết này cũng rất dễ ốm. Những bệnh như sổ mũi, đau họng, đau mỏi các cơ. Nếu không phát hiện để điều trị sớm sẽ dẫn đến bệnh dai dẳng, nặng hơn gây suy hô hấp khi virus ngấm vào phổi. Với nền nhiệt độ ẩm thấp, các loại virus gây bệnh đường hô hấp, thủy đậu, sởi, sốt phát ban, rubella phát triển nhanh hơn có thể gây bệnh cho cả người lớn và trẻ em.

Các loại nấm mốc, vi nấm được dịp sinh sôi và bám vào quần áo, sách vở, chăn màn cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, lên cơn hen suyễn.

Mỗi người cần đảm bảo tăng cường đề kháng từ thực đơn trong các bữa ăn hàng ngày thật khoa học, bổ sung đủ nước mỗi ngày, với trẻ em cần giữ ấm bụng để hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, cần vệ sinh thân thể và giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 2-6/2, miền Bắc bước vào giai đoạn nồm ẩm khi độ ẩm tăng cao trên 85% kèm mưa phùn. Thời tiết cũng ấm lên rõ rệt khi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm được rút ngắn, dao động 18-22 độ C.

Tình trạng ô nhiễm khả năng kéo dài ở Hà Nội đến giữa tháng 2 do thời tiết chủ đạo những ngày tới là mưa phùn, nồm ẩm. Nửa cuối tháng 2, khu vực mới có thể đón thêm các đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại. Lúc này, chất lượng không khí mới được cải thiện rõ rệt.

Linh Lê (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mien-bac-buoc-vao-nhung-ngay-mua-phun-troi-nom-am-can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-post1507149.tpo