Miền Bắc hứng chịu đợt mưa lớn đỉnh điểm
Từ hôm nay đến chiều 12/9, đồng bằng Bắc Bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa từ 80-170mm, có nơi trên 370mm.
Dự báo thời tiết khoảng thời gian từ chiều tối 10/9 đến chiều 11/9, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm, riêng Lào Cai, Yên Bái từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Đêm 11/9, vùng núi và trung du Bắc Bộ giảm mưa với lượng phổ biến còn 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa là trọng tâm của đợt mưa lớn lần này. Từ chiều tối 10/9 đến chiều 11/9, khu vực này mưa phổ biến từ 50-120mm, cục bộ trên 250mm. Từ đêm 11/9 đến chiều 12/9, phổ biến 30-70mm, có nơi trên 120mm.
Ngày và đêm 11/9, Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Chiều và đêm nay, khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Từ đêm nay đến chiều mai (12/9), khu vực này tiếp tục mưa to từ 30-70mm, có nơi trên 120mm.
Tại các tỉnh miền Bắc, do mưa lớn kết hợp với lũ trên các dòng sông đang dâng rất cao, nhiều sông trên báo động 3 nên tình hình ngập úng vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 6h tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố gồm Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bãi, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Các địa phương có cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1, riêng Yên Bái ở cấp 2.
Trung tâm khẳng định lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Trưa 11/9, thông tin về tình hình mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tới tại các tịnh miền Bắc, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn (Tổng cục khí tượng thủy văn) dự báo đến đêm 11/9, lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình... có thể đạt đỉnh và sau đó biến đổi chậm.
Những ngày tiếp theo nước lũ tại các sông Hồng, sông Thái Bình sẽ giảm dần.
Tại Hà Nội, các quận Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên... đã xảy ra ngập úng ở khu vực ven đê, khả năng trong 6 giờ tới mực nước sông Hồng tiếp tục tăng nên nguy cơ ngập úng vẫn còn hiện hữu.
Các vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra tình trạng ngập úng.
Theo dự báo trong 6 giờ tới, mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt mức 11,3m dưới báo động 3 khoảng 20cm, sau đó có thể chững lại.
"Hiện tại, nước lũ giảm phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa cũng như các diễn biến về việc xả lũ của các hồ trữ nước", ông Vũ Đức Long nói và nhận định tại huyện Chương Mỹ thời gian tới xảy ra ngập úng kéo dài do lượng nước ở các sông chính ở mức cao, khó thoát.
Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do mực nước ở các sông nhỏ tiếp tục tăng lên. Ông Long đánh giá, trong lịch sử chưa bao giờ tại tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa lũ như những ngày qua.
Đối với tỉnh Bắc Giang, hầu hết các xã vùng ven sông Cầu và sông Thương xảy ra hiện tượng ngập úng. Mực nước tại sông Thương và sông Cầu tiếp tục tăng những giờ tới. Diễn biến lũ tại Bắc Giang có nhiều đặc điểm giống lịch sử năm 2008 và năm 1986.