Miền Bắc Syria: Nơi ẩn náu biến thành chiến địa
Khi những quả bom đầu tiên rơi xuống Ras al-Ain, cư dân của ngôi làng người Kurd Syria vội vã thu dọn những tài sản quý giá và rời khỏi nhà. Chẳng mấy chốc, con đường từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ xuôi về Nam đã kẹt cứng các phương tiện, kéo dài suốt 10km. Hơn 160.000 người đã rời khỏi ngôi làng bị tàn phá, chỉ còn một số người già yếu ở lại, một số vì không thể rời khỏi nhà, một số khác cho rằng chết ở đâu thì cũng vậy.
Đạn lửa nơi ẩn náu
Trong nhiều năm, miền Bắc Syria là nơi ẩn náu cho những người chạy trốn khỏi những vùng bị chiến tranh của đất nước. Trước khi hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu, khu vực này là nhà của khoảng 650.000 người di tản từ nơi khác đến. Lần này, họ lại phải tiếp tục di chuyển khi khu vực này trở thành chiến địa mới nhất trong cuộc chiến kéo dài tám năm của đất nước này.
Trong nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi những làn đạn pháo từ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các cuộc không kích và cuộc tấn công mặt đất giữa các bên quân đội Syria và quân phiến loạn Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, những người di tản đã trốn đến một số điểm cực Nam của khu vực do người Kurd kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đánh đuổi các chiến binh người Kurd khỏi biên giới của nước này với Syria và nhiều người trong số họ phải di dời đến từ các ngôi làng gần biên giới.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hoạt động trong khu vực được lãnh đạo bởi Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố liên kết với đảng Công nhân Kurdistan ly khai (PKK). Tuy nhiên, SDF cũng là đồng minh của Mỹ và là một lực lượng tham gia cuộc chiến chống IS.
“Ngày càng có nhiều người di cư đến với chúng tôi” - Qadriya Mohammed, người đứng đầu các hoạt động cứu trợ tại GAV4R cho biết - “Chúng tôi đang cố gắng mở thêm trung tâm tiếp nhận mới”.
Khu vực do người Kurd kiểm soát, được biết đến với tên chính thức là Cơ quan tự trị Bắc và Đông Syria (NES), được bao quanh bởi biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cũng như lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát. Khi các cửa khẩu biên giới hầu hết đóng cửa đối với người tị nạn và nhiều người lại không muốn vào các khu vực quản chế, người di tản có ít lựa chọn an toàn.
Tại các thị trấn lớn hơn, sự kiểm soát của người Kurd vẫn khá chặt chẽ. Ở ngoại ô, lực lượng chính phủ Syria đã được triển khai theo yêu cầu của chính quyền người Kurd, với hy vọng rằng, sự hiện diện của quân đội sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng đã phái cảnh sát quân sự đến khu vực.
Gián đoạn nguồn viện trợ
Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế như Bác sĩ không biên giới (MSF), Mercy Corps và Save the Children cũng đã sơ tán các nhân viên nước ngoài khỏi khu vực này. Các quan chức người Kurd cho biết, sự ra đi của nhân viên cứu trợ và nhân viên phi chính phủ đã dẫn đến gián đoạn hoàn toàn các nguồn viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các nhóm quốc tế nói rằng, họ không dừng tất cả các hoạt động, mà chỉ giảm thiểu đáng kể để hạn chế rủi ro.
Cho đến tuần trước, PEL Civil Waves không phải là một tổ chức viện trợ mà chỉ một nhóm xã hội dân sự ở phía Đông Bắc Syria tổ chức các diễn đàn thanh niên và các chương trình xây dựng hòa bình. Nhưng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công vào khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria vào tuần trước, nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức này đã đi đầu trong các phản ứng khẩn cấp.
Đối với một số nhà hoạt động người Kurd, việc nhiều tổ chức nhân đạo rút nhân viên khỏi khu vực, cùng với những đợt rút quân của quân đội Mỹ trước đó, tương đương với việc họ bị bỏ rơi hai lần. Nhưng đối với các tổ chức quốc tế, thực tế thay đổi nhanh chóng trong khu vực đã khiến họ khó mà có thể tiếp tục công việc của mình.