Miền đất của lim xanh

Tôi gọi cây lim xanh đứng bên rìa đường giữa hai huyện Như Xuân và Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa là 'mộc thương'. Là bởi cây lim được cho là đã 950 năm tuổi này có một số phận đặc biệt với những thương tổn sâu sắc, nhưng nó đã vượt qua và tồn tại với một sức sống mạnh mẽ để một ngày được vinh danh là Cây di sản. Nhưng quan trọng hơn là những hậu duệ của nó đang được gieo trồng, chăm sóc, quây quần trên vùng đất lim thuở xưa.

Cây lim xanh cổ thụ giờ đây được bảo vệ và tôn vinh, nằm bên đường liên huyện. Ảnh: Xuân Thủy.

Cây lim xanh cổ thụ giờ đây được bảo vệ và tôn vinh, nằm bên đường liên huyện. Ảnh: Xuân Thủy.

“Sứ giả” cuối cùng

Giáp ranh hai xã Tân Bình thuộc huyện Như Xuân và Xuân Khang thuộc huyện Như Thanh là một “cụ cây” mà cả vùng không ai không biết tiếng. Xưa kia đây vốn là rừng lim cổ thụ, nhưng trải qua thời gian, những cánh rừng lim chỉ còn lại duy nhất một cây. “Cụ Lim” xanh đứng bên bìa rừng, không quá đặc sắc về hình thể, tán cũng không quá rộng, nhưng lại như một biểu tượng về sức sống và truyền tải những thông điệp chung sống cùng thiên nhiên mạnh mẽ.

Xã Tân Bình vốn được tách ra từ xã Bình Lương trước đây. Thời điểm cây lim cuối cùng trở thành đối tượng tranh chấp là những năm 1988 - 1989. Anh Nguyễn Ngọc Lương nhớ lại, bố mẹ anh đều là công nhân lâm trường Như Xuân trước đây, ngày trước, rừng ở Tân Bình, Bình Lương, Xuân Khang là những cánh rừng lim cổ thụ. Những cánh rừng này trong những năm chiến tranh đã được nông trường Như Xuân khai thác phục vụ đất nước.

Gỗ lim rừng ngâm dầu làm đường ray tàu hỏa tuyến Bắc - Nam cứng đanh hơn bê tông dẻo. Cũng gỗ lim ấy đã làm cán lựu đạn chày phục vụ kháng chiến. Ngay gần Vườn quốc gia Bến En là cơ sở Lò cao kháng chiến Hải Vân, nơi có cơ sở luyện gang đầu tiên của Việt Nam đặt trong hang đá, công trình phụ trách bởi Giáo sư Trần Đại Nghĩa, có nhiệm vụ tinh luyện ra hàng ngàn tấn gang làm nguyên liệu sản xuất vũ khí, quân nhu quân dụng cho quân đội thuở ban đầu.

Theo năm tháng, cái gì dùng nhiều đều sẽ hết, Bến En chỉ còn lại những cánh rừng trống vắng xác xơ, sau khi ít nhiều phục hồi thì có quyết định rừng đặc dụng. Năm 1992, Vườn quốc gia Bến En được thành lập, cùng với lực lượng kiểm lâm hoạt động từ trước đó đã bảo tồn được một khu vực có loài lim xanh, tuy nhiên, khu vực này nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia, ở khu vực Xuân Bình - Điện Ngọc, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, ngay đường liên huyện trải nhựa lại sừng sững một “cụ Lim”, như một sự phân công về thành viên cuối cùng kể cho các hậu duệ xanh nghe câu chuyện về các “cụ Lim” thuở trước. Người ở xa đến không biết rằng, sự tồn tại của “cụ Lim” xanh ấy là cả một câu chuyện ly kỳ.

Vết thương dưới gốc cây được trám xi măng.

Vết thương dưới gốc cây được trám xi măng.

Giữa những lằn ranh sinh tử

Sở dĩ “cụ Lim” này còn đến ngày nay bắt nguồn từ sự mâu thuẫn quyền lợi giữa những nhóm lợi ích khác nhau. Cây không có “đăng ký hộ khẩu” như người, cứ vô tư mọc giữa nơi giáp ranh hai xã Xuân Khang và Bình Lương. Cái cây như miếng thịt thăn cuối cùng còn lại giữa những bạc nhạc, xương xẩu khi bữa tiệc phá rừng đã tàn. Thế nhưng cứ trai tráng Bình Lương vác cưa lên nhấm nhứ thì lập tức có người về báo ngay cho phía Xuân Khang, lập tức có lực lượng lên ngăn cản.

Ngược lại, bên Xuân Khang có động thái gì ắt hẳn không qua mắt được bên Bình Lương. Bên nào cũng cho rằng cây lim quý thuộc sở hữu của xã mình. Đã có lần cây bị chặt bởi bên này, cũng đã có lần lưỡi cưa đã ăn vào thịt cây cả hai chục phân bởi bên kia, nhưng đều bị ngăn cản phải dừng lại. Cứ bên này “tuyên án” thì bên kia lại “kháng cáo”.

Cũng là cái số của “cụ Lim”. Anh Lương kể lại câu chuyện và kết luận xanh rờn rằng lý do là vì ngày xưa chưa có… cưa máy. “Chứ như giờ có mà xoẹt xoẹt vài cái “cụ Lim” đã đổ kềnh”, nhân chứng của câu chuyện cảm thán.

Cũng may khi cưa máy ra đời thì cũng là lúc Trạm Kiểm lâm Xuân Lý thành lập. Đóng ngay gần “cụ Lim” như thể nhiệm vụ chính là trông nom cụ. Khi ấy người dân cũng đã ý thức được giá trị của cây gỗ quý và bảo tồn cây lim cuối cùng là việc nên làm. Vậy là người ta quay ra bảo vệ “cụ Lim” gần nghìn tuổi với thương tích đầy mình.

Anh Hoàng Minh Bắc, cán bộ Trạm Kiểm lâm Xuân Lý với những cây lim mới trồng. Ảnh: Xuân Thủy.

Anh Hoàng Minh Bắc, cán bộ Trạm Kiểm lâm Xuân Lý với những cây lim mới trồng. Ảnh: Xuân Thủy.

Hồi sinh kỳ diệu

Anh Hoàng Minh Bắc - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Xuân Lý, thuộc Vườn quốc gia Bến En dẫn tôi lên vị trí cây lim kề sát đường liên xã. Hiện nay cây đã được gắn biển “Cây di sản” và xây dựng rào chắn. Những vết thương trong những lần chết hụt của “cụ Lim” đã được các nhà lâm học cứu chữa. Cán bộ kiểm lâm ở đây đã mời các nhà khoa học tại Trường ĐH Lâm nghiệp về bơm thuốc kích thích vỏ lim mọc chờm rộng vào vết thương, những hố rỗng do phần cây bị cưa và cắt rìa cũng đã được đắp xi măng bù như một thứ… chân giả để cây có thể trụ vững. “Cụ Lim” già từ ngày bị đốn hụt không còn đơm hoa đậu nụ nữa, tuy vậy tán vẫn xanh tươi. Hiện cây cao tầm 50m với đường kính gốc xấp xỉ 2m với nhiều vè bạnh. “Cụ Lim” từ ngày được gắn biển “Cây di sản” như thể được công nhận thượng thọ, từ đó cũng nhận được những sự “tôn kính”.

Đại diện duy nhất, cuối cùng của rừng lim năm xưa bên hồ Sông Mực giờ đây như một chứng nhân gợi nhắc về một thuở rừng nơi đây xanh màu lim cổ thụ.

Anh Bắc cho biết, Vườn quốc gia Bến En được thành lập khi mà những khu rừng lim sau khai thác đã ít nhiều tái sinh và có quyết định rừng đặc dụng, sở dĩ Trạm Kiểm lâm Xuân Lý đặt tại đây, chỉ cách cây lim chừng 200m cũng một phần là để bảo vệ cây di sản quý giá này. Giờ đây sự tranh chấp không còn, cùng với sự hoàn thiện của luật pháp, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã nâng cao. “Cụ Lim” xanh ngấp nghé tuổi 1.000 đã không còn canh cánh nỗi lo một ngày “về với tiên tổ”.

Bây giờ ở Tân Bình đã có tổ cộng đồng bảo vệ rừng. 3 tổ với 21 người dân tham gia thực sự là những cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm. Ông Lê Quang Toán - cán bộ địa chính, nông lâm nghiệp của xã Tân Bình cho biết, dưới sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, hàng năm xã xây dựng chương trình kế hoạch trồng và bảo vệ rừng, chống cháy rừng, đặc biệt là vào mùa khô hanh. Vì thế những năm gần đây ở Tân Bình nói riêng và khu vực Vườn quốc gia Bến En nói chung không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng khai thác rừng trái phép. Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch xã Tân Bình thì nhấn mạnh việc lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân, nhất là các hộ dân sống trong vùng đệm của Vườn quốc gia về các hành vi xâm lấn, ảnh hưởng đến rừng, các quy định về bảo vệ rừng đặc dụng.

Anh Hoàng Minh Bắc cho biết, hiện Vườn quốc gia đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đề án đưa trâu bò ra khỏi khu vực Vườn quốc gia, vận động nhân dân làm chuồng trại để trâu bò không phá diện tích rừng mới trồng, việc này đang được bắt đầu tại xã Bình Lương.

Huyền thoại hồ Sông Mực

Theo kết quả nghiên cứu năm 1997 - 2000 và nghiên cứu, điều tra bổ sung năm 2013 đã thống kê được ở Vườn quốc gia Bến En có 1.417 loài thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, đặc biệt lưu ý là có 4 loài thực vật mới của Việt Nam được phát hiện ở Bến En là: Xâm cánh Bến En, Đậu khấu Bến En, Găng Bến En và một loài Gừng mới.

Bên cạnh đó Vườn quốc gia Bến En còn có nhiều thực vật quý. Tại đây có 58 loài có trong danh lục đỏ, 46 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và 10 loài có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP như: Lim xanh, Lát hoa, Chò chỉ, Trai lý, Vù hương... Có được điều đó là do công tác bảo tồn đã được cán bộ, công nhân viên Vườn quốc gia Bến En làm rất tốt. Không những thế, Bến En hiện nay còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Một điều đáng mừng là hoạt động trồng lại rừng lim xanh đã có những cá nhân có ảnh hưởng lớn, là người của công chúng tham gia, góp phần tích cực trong việc truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê đã về Bến En để chung tay trồng rừng, việc làm của cô đã có sức lan tỏa lớn, đặc biệt đến các bạn trẻ.

Nhắc đến Khu du lịch Bến En không thể không nhắc đến hồ Sông Mực, vùng mặt nước bao quanh diện tích của Vườn quốc gia. Tại sao lại gọi là hồ Sông Mực? Tại sao đã hồ lại còn sông? Điều này có lý do lịch sử. Trước đây, dưới lòng hồ này có một con sông được tạo thành từ hai nhánh, một nhánh chính là sông Hận chảy từ mạn Điện Ngọc, xã Xuân Bình xuống, một nhánh là sông Yên, chảy từ thị trấn Yên Cát về. Hai nhánh hợp với nhau tạo thành sông Mực. Cũng bởi sự quần tụ đông đúc của vương quốc lim xanh nơi đây, lá lim rụng xuống đã khiến nước từ những con suối chảy ra sông có màu đen sánh, nên con sông chảy qua đã được gọi là sông Mực. Khi đập Bến Mẩy được đắp ngăn sông Mực để xây dựng hồ thủy lợi thì vùng hồ được tạo thành đó gọi là hồ Sông Mực.

Trong những năm chiến tranh, rừng lim tại Như Xuân, Như Thanh đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sau khi khai thác, rừng nơi đây chỉ còn những cây bụi lá thấp. Từ khi có Vườn quốc gia, bằng những giải pháp hợp lý, rừng đã dần xanh trở lại. Cái tên hồ Sông Mực như gợi nhớ về một con sông đã được cất giấu trong lòng hồ, gợi nhớ về những rừng lim huyền bí.

Lan tỏa sứ mệnh xanh

Ngoài thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Bến En còn giới thiệu vẻ đẹp của rừng, của thiên nhiên đến với du khách gần xa, lan tỏa các giá trị xanh, phát triển và bảo vệ rừng bền vững. Trung tâm Bảo tồn, phát triển sinh vật và dịch vụ môi trường rừng thuộc Vườn quốc gia Bến En được thành lập theo Quyết định số 814/QĐ-SNN&PTNT ngày 12/9/2014 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế hiện có để tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái hiệu quả; tổ chức phát triển sinh vật, nhất là nghiên cứu, dẫn giống tạo ra các loại cây, con có giá trị phục vụ cho hoạt động bảo tồn, phát triển nguồn gen bản địa, phát triển tài nguyên rừng...

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Trung tâm không ngừng phát triển, tạo ra các nguồn thu đáng kể để từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính cho đơn vị. Số lượng khách đến tham quan, nghiên cứu tại Bến En thời gian qua đã tăng gấp 3 lần (từ 6.000 lượt khách tăng lên 18.000 lượt khách/năm).

Trung tâm đã nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, dẫn giống, tạo giống, gây trồng, nhân nuôi 21 loài thực vật, động vật bản địa có giá trị kinh tế cao; xây dựng 17 mô hình phát triển kinh tế có tổng diện tích trên 35 ha với các loài: Lim xanh, Sao lá to, Đinh hương, Chò chỉ, Chè vằng, Giổi ăn hạt, Vù hương…

Một số mô hình của Trung tâm Bảo tồn, phát triển sinh vật và dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trung tâm đã thực hiện một số dự án như: Dự án Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) giai đoạn 2009 - 2010; Dự án bảo tồn phát triển cây Lim xanh thực hiện từ năm 2011 - 2013; Nghiệm thu đề tài Phục hồi rừng sau nương rẫy giai đoạn 1, đồng thời thực hiện chuyển giao các đề tài Bảo tồn nguồn gen một số loài cây quý hiếm, đề tài bảo tồn một số loài cây thuốc và bảo tồn một số loài linh trưởng để tiếp tục đề xuất tỉnh Thanh Hóa cho thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Song song với việc quản lý, bảo vệ rừng, gần đây Vườn quốc gia Bến En còn tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào trồng rừng, đặc biệt là tái sinh lại những rừng lim thuở xưa đã từng đi vào huyền thoại trên vùng đất này. Vườn quốc gia Bến En đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập bởi Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam để làm giàu thêm cho những cánh rừng nơi đây, góp phần bồi đắp và gìn giữ hệ sinh thái.

Các loài cây bản địa như Lim xanh, Giổi xanh đã được trồng, đến nay đã phát triển tốt cho một tương lai không những góp phần phủ xanh diện tích mà còn viết lại huyền thoại về những rừng lim cổ. Những cây lim xanh nghìn tuổi trong vùng lõi Vườn quốc gia đã được các cán bộ kiểm lâm lấy hạt để ươm cây con nhằm nhân lên giống lim vốn là cây trồng nổi tiếng thuở xưa trên vùng hồ Sông Mực.

Một điều đáng mừng là hoạt động trồng lại rừng lim xanh đã có những cá nhân có ảnh hưởng lớn, là người của công chúng tham gia, góp phần tích cực trong việc truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê đã về Bến En để chung tay trồng rừng, việc làm của cô đã có sức lan tỏa lớn, đặc biệt đến các bạn trẻ.

Bằng nhiều biện pháp khác nhau mà chủ yếu là xã hội hóa, đến nay Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En đã trồng mới được 130 ha rừng lim. Bảo tồn nguyên vẹn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có là nhiệm vụ sống còn của Vườn quốc gia Bến En, của mỗi cán bộ kiểm lâm, mỗi cán bộ công nhân viên nhằm bảo vệ toàn vẹn nguồn tài nguyên rừng trong phạm vi ranh giới được giao; bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, phát huy những giá trị khoa học của hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.

Với sự chung tay của cộng đồng, những rừng lim đang từng ngày xanh lại và đang hứa hẹn về một tương lai xanh bền vững. Những thế hệ cháu con của “cụ Lim” già mang trong mình những thương tổn đang vươn cành xòe tán như một sự chữa lành cho đất, cho rừng. Sự chung tay ấy đang viết nên những huyền thoại mới trên vùng hồ Sông Mực.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mien-dat-cua-lim-xanh-10287322.html