Miễn dịch lai - Yếu tố hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến thể Omicron
Những nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng lây nhiễm biến thể Delta chống đỡ tốt hơn với làn sóng lây nhiễm Omicron.
Khi biến thể có khả năng lây lan cao Omicron tiến vào châu Á vài tháng trước đây, Ấn Độ và Indonesia có lỗ hổng lớn trong các lớp phòng trước dịch bệnh: Khoảng 2/3 dân số ở hai nước này chưa tiêm đủ liều vaccine.
Nhưng Ấn Độ và Indonesia cũng là hai quốc gia đang thoát khỏi đại dịch COVID-19 do Omicron gây ra, với tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với làn sóng lây nhiễm Delta trước đó. Tỉ lệ tử vong trên dân số ở Ấn Độ và Indonesia thấp hơn so với các nước, vùng lãnh thổ có độ bao phủ vaccine cao hơn, hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong.
Theo giới chuyên gia dịch tễ học, một nguyên nhân chủ yếu chính là việc sóng Delta tấn công mạnh hồi năm ngoái đã giúp Ấn Độ và Indonesia có miễn dịch cao thông qua lây nhiễm. Và lớp bảo vệ này dường như bền chắc hơn. Nhiều công trình nghiên cứu ở Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi cho thấy những người đã nhiễm COVID-19 duy trì được lượng kháng thể chống COVID-19 dồi dào, vượt trội so với kháng thể từ tiêm vaccine.
Đây được coi là bước đột phá cho các nước đang phát triển. Tiến độ tiêm chủng chậm chạp làm dấy lên lo ngại “cơn sóng thần” COVID-19 sẽ làm quá tải hệ thống bệnh viện, số ca tử vong tăng vọt dù Omicron được cho là có độc lực yếu hơn các chủng khác. Những đợt lây nhiễm trước đây đã giúp các nước đang phát triển có được lớp miễn dịch rộng rãi, khả năng bảo vệ tốt. Miễn dịch này suy yếu theo thời gian, nhưng nó cũng tạo điều kiện để chính phủ các nước có thêm thời gian để đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, tiêm mũi tăng cường.
Miễn dịch tự nhiên, khái niệm dùng để chỉ kháng thể có được sau khi mắc bệnh, rất phổ biến tại Indonesia khi nước này đối diện với Omicron. Một nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn từ tháng 10-12/2021 cho thấy 74% người chưa tiêm chủng vaccine tại Indonesia đã có kháng thể bảo vệ.
Nghiên cứu do Pandu Riono, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Indonesia, cùng một nhóm các nhà khoa học khác thực hiện. Ông Riono và các cộng sự ước tính có khoảng 70% người Indonesia đã bị nhiễm COVID-19 ở thời điểm tháng 12/2021, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 34% tại Mỹ cùng thời điểm theo khảo sát dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành.
Tại Ấn Độ, một nghiên cứu cấp chính phủ hồi năm ngoái cũng cho thấy kết quả tương tự. Theo đó, khoảng 97% dân số tại vùng thủ đô New Delhi và 87% cư dân ở Mumbai đã có kháng thể trước COVID-19 sau đợt lây nhiễm khủng khiếp từ làn sóng Delta.
Theo ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách về bệnh tật ở New Delhi cho biết miễn dịch lai đặc biệt cao ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á - nhưng nơi từng trả qua sóng Delta tồi tệ nhất. Miễn dịch lai hình thành ở người mắc COVID-19 và tiêm vaccine một thời gian sau đó.
Tình hình cũng tương tự như ở Nam Phi, nơi lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm Omicron trên thế giới. Nam Phi sau đó đối diện với lây nhiễm bùng phát bởi biến thể mới, nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn so với cá sóng lây nhiêm trước.
Trong một nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ Tạp chí y học New Eangland danh tiếng nhất thế giới, các nhà nghiên cứu Nam Phi cho biết lượng kháng thể trong cộng đồng ở tỉnh Gauteng – tâm dịch sóng lây nhiễm Omicron, là rất lớn, dù ở thời điểm đó mới chỉ có 36% dân số từ 12 tuổi trở lên tiêm ít nhất một mũi vaccine. Với người chưa tiêm, 68% đã có sẵn kháng thể, còn tỉ lệ với người tiêm vaccine là 93%.
Indonesia cũng là điểm nóng về COVID-19 thời sóng Delta. Trong sóng Omicron lần này, Indonesia từng ghi nhận số ca nhiễm cao kỉ lục, hơn cả thời đỉnh dịch Delta. Nhưng số ca tử vong chỉ còn khoảng 270 ca/ngày, so với mức 1.800 ca/ngày hồi tháng 8/2021. Tại Ấn Độ, số ca tử vong do COVID-19 ở đỉnh dịch Omicron là 1.100 ca/ngày, giảm nhiều so với mức đỉnh 4.200 ca/ngày trong làn sóng Delta hồi tháng 5/2021.
Theo CDC, những người tiêm đủ liều vaccine và người từng bị nhiễm COVID-19 trước đó ít có nguy cơ mắc bệnh trong vòng ít nhất sáu tháng. Mức độ bền vững của miễn dịch tự nhiên cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine chủ động đã phát huy hiệu quả chống dịch tại những nước thuộc thế giới đang phát triển như Ấn Độ hay Indonesia. “Chúng ta biết rằng miễn dịch mạnh nhất là miễn dịch lai. Lây nhiễm trước đây cộng kết hợp với tiêm chủng sẽ tạo ra lớp bảo vệ lớn”, ông Dorry Segev, Giáo sư tại Đại học Y khoa Langone thuộc Đại học New York, nhận định.