Miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định hiện hành
Theo Bộ Tài chính, quy định về căn cứ tính thuế, miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành là phù hợp chủ trương của Đảng về khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, góp phần điều tiết hợp lý đối với các trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Cử tri Hải Dương kiến nghị xem xét không tính hạn mức diện tích tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các đối tượng được miễn, giảm.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) hiện hành thì đối tượng chịu thuế bao gồm: đất ở (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị); đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Thuế suất thuế SDĐPNN đối với đất ở là 0,03% đối với phần diện tích trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức, 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức; đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng thuế suất là 0,03%. Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật thuế SDĐPNN và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định các trường hợp miễn và giảm 50% số thuế phải nộp, trong đó có đất trong hạn mức của hộ nghèo, đất trong hạn mức tại địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Quy định về căn cứ tính thuế, miễn giảm thuế hiện hành là phù hợp chủ trương, quan điểm của Đảng về khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với pháp luật về đất đai, góp phần điều tiết hợp lý đối với các trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế SDĐPNN và thuế SDĐNN.
Trong đó có đánh giá cụ thể về chính sách thuế SDĐPNN hiện hành và đề xuất định hướng hoàn thiện chính sách này trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030./.