Miễn học phí, hỗ trợ bữa trưa: phụ huynh vơi gánh nặng
Năm học 2025 – 2026 là một năm học đặc biệt với học sinh cả nước khi trẻ mầm non, học sinh phổ thông được miễn học phí. Với học sinh tiểu học tại Thủ đô, sự đặc biệt càng nhân lên khi từ năm học này, các em còn được TP hỗ trợ bữa ăn bán trú.
Thực thi nhiều chính sách nhân văn
Chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học tại các trường trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025 - 2026. Theo đó, đối tượng áp dụng là học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn TP, tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ bán trú tại cơ sở giáo dục. Mức hỗ trợ chia theo vùng, với bữa ăn chính, theo số ngày ăn thực tế, không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh tiểu học Hà Nội được hỗ trợ bữa ăn bán trú từ năm học 2025 - 2026.
Với học sinh tiểu học thuộc nhóm 1 có mức hỗ trợ 30.000 đồng/học sinh/ngày (học sinh tại 23 cơ sở giáo dục thuộc các xã miền núi và bãi giữa sông Hồng trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính). Với học sinh nhóm 2 - học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục còn lại, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày.
Nghị quyết cho hay, trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức Nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học (bảo đảm mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày).
Theo nội dung này, dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025 - 2026 trên địa bàn TP là hơn 3.000 tỷ đồng; số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh (gồm cả công lập và tư thục).
Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025 - 2026 được cho là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo của T.Ư và TP về phát triển toàn diện giáo dục, đặc biệt là chăm lo cho học sinh tiểu học - đối tượng học hai buổi/ngày, có nhu cầu cao về ăn bán trú.
Trước đó, cuối tháng 6/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trên cả nước. Cụ thể, đối tượng được miễn học phí là trẻ em mầm non (từ 3 tháng đến 6 tuổi); học sinh phổ thông (lớp 1 đến lớp 12); người học chương trình giáo dục phổ thông (bao gồm người học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và cấp THPT tại các cơ sở giáo dục thường xuyên) trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo tính toán của Chính phủ, cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh; ước tính tổng kinh phí để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước là 30.600 tỷ đồng.
Phụ huynh, học sinh phấn khởi đón chờ năm học mới
Với học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh khối tiểu học Hà Nội, thông tin miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa là một niềm vui lớn. Con đến trường vừa không phải lo học phí, lại vừa không phải đóng tiền ăn trưa, gánh nặng kinh tế trên vai phụ huynh được vơi đi rất nhiều.
Chia sẻ niềm phấn khởi này, chị Nguyễn Thị Hà, phường Chương Mỹ, Hà Nội rưng rưng: “Nhà tôi có 3 con đều học phổ thông; cháu lớn vừa trải qua kỳ thi lớp 10 căng thẳng, rất may cháu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào một trường công lập cách nhà vài cây số. Hai cháu nhỏ thì một cháu chuẩn bị vào lớp 5, một cháu sắp lên lớp 2. Vợ chồng tôi là lao động tự do nên mỗi dịp vào năm học mới đều rất lo lắng vì phải tính toán hợp lý mới đủ tiền đóng góp cho con. Từ năm học này, con được miễn học phí, được hỗ trợ bữa trưa, áp lực kinh tế lên chúng tôi được vơi đi rất nhiều”.

Chính sách miễn, hỗ trợ học phí mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, công bằng cho tất cả học sinh.
Tương tự, chị Vũ Thị Lan, phường Bồ Đề, Hà Nội cho hay, trước đây chị làm nhân viên bán bảo hiểm, sau đó nghỉ việc ở nhà bán hàng online nhưng nay không có việc làm và thu nhập. Chị Lan có 2 con học cấp tiểu học, mọi chi phí hiện trông vào đồng lương sửa chữa điện tử của chồng. Hay tin từ tháng 9/2025, học sinh tiểu học được hỗ trợ suất ăn bán trú, chị Lan mừng rơi nước mắt.
“Với gia đình tôi, một tháng có khoảng 2 – 3 triệu đóng học cho các con cũng là vấn đề rất khó khăn. Năm học tới, con đi học hầu như không phải đóng tiền ăn, tiền học, chúng tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều nên không biết nói gì ngoài lòng biết ơn Đảng, Nhà nước” - chị Lan nói.
Chia sẻ thực tế ở địa phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B (xã Mỹ Đức) Nguyễn Thị Như Hoa cho biết, năm học trước, ở trường có gần 700 học sinh của 5 khối lớp thì chỉ ngót 100 cháu đăng ký ăn bán trú tại trường. Số còn lại bố mẹ, ông bà trưa đón về ăn uống, ngủ nghỉ, chiều lại đưa đến lớp học.
Việc đưa trẻ về trưa, chiều lại đưa đến lớp rất vất vả cho cả người lớn và trẻ nhỏ, vì trẻ cũng không được nghỉ ngơi so với việc ăn uống tại trường. Các gia đình chia sẻ, rất muốn cho con, cháu ở lại trường ăn và nghỉ nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép nên đành ngày 4 lượt đưa đi, đón về.
“Từ năm nay, chính sách hỗ trợc bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học được áp dụng, chắc chắn, số lượng học sinh đăng ký ăn trưa và bán trú tại trường sẽ tăng. Đây là điều kiện thuận lợi không chỉ cho học sinh, phụ huynh mà còn cho nhà trường trong công tác tổ chức, chăm sóc, giáo dục học sinh nền nếp, quy củ hơn” - nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa bày tỏ.
Với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, công bằng cho tất cả học sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, việc miễn, hỗ trợ học phí cho toàn bộ trẻ em, học sinh; đặc biệt là chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học tại Hà Nội không chỉ là mang ý nghĩa nhân văn, mà còn thể hiện trách nhiệm chính trị, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo thể chất, tinh thần cho thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mien-hoc-phi-ho-tro-bua-trua-phu-huynh-voi-ganh-nang.765914.html