Miên man Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa

Cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40km về phía Đông Nam, xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) biệt lập với đất liền bởi biển cả và sông Trường Giang. Bốn phía nơi này là nước, một mặt giáp biển và ba mặt còn lại giáp sông. Nơi đây còn giữ nét hoang sơ của thiên nhiên, khung cảnh hữu tình. Du khách đến đây không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh biển, bãi cát trắng, rừng dừa xanh ngắt, mà còn được ngắm những bãi đá trầm tích có tuổi đời hàng trăm triệu năm xếp tầng tầng lớp lớp, tạo nên những hình thù kỳ bí, lạ mắt của cụm thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa...

Bàn Than - mũi An Hòa (nhìn từ Hòn Dứa). Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Bàn Than - mũi An Hòa (nhìn từ Hòn Dứa). Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Xe cập bến phà Tam Quang, chúng tôi lên ca nô nhằm hướng Bàn Than - mũi An Hòa thẳng tiến. Lênh đênh trên sóng nước, hướng tầm mắt về đất liền, chúng tôi bắt gặp màu xanh dịu mát của xã đảo Tam Hải với những hàng dừa xanh ngút ngàn nghiêng mình trong gió. Thoáng chốc, thuyền đã đi đến cửa biển. Không gian bao la hiện ra và trước mặt chúng tôi là Bàn Than - mũi An Hòa. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là Hòn Mang, Hòn Dứa nằm án ngữ lối vào vũng An Hòa, sừng sững như hai bức bình phong che chắn cho xã đảo. Thật may, hôm ấy tiết trời dịu nhẹ, nắng ấm, trời biển trong xanh, vì vậy, Hòn Mang, Hòn Dứa rực lên một màu đen tuyền của đá, màu vàng của bãi cát dài thoai thoải và màu xanh của cỏ cây nổi bật giữa trời xanh, mây trắng, biển trong, lại được điểm xuyến với những bọt nước trắng xóa như hoa biển của những con sóng bạc đầu nhấp nhô xô bờ đá.

Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa là những địa điểm trong cụm thắng cảnh đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Danh thắng cấp tỉnh vào tháng 9-2017 và hiện nay đang được khảo sát, lập hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia. Danh thắng này được tạo nên bởi những ghềnh đá đen trải dài lấp lánh. Trải qua bao biến thiên của thời gian và sự xâm thực của sóng biển, những ghềnh nơi đây đã tạo thành những hang hốc kỳ lạ tựa muôn vàn tác phẩm điêu khắc đá giữa đất trời.

Theo nhận định của các nhà địa chất, đá ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm. Đá ở đây được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Các lớp đá này uốn nếp với hình thù nhiều tư thế: nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, quan sát được trên nhiều vết lộ di sản địa chất độc đáo, tuyệt đẹp...

Chiếc ca nô giảm tốc, lướt êm chạy quanh mũi An Hòa đưa chúng tôi khám phá, chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc của tạo hóa. Bao quanh mũi An Hòa là một dải đá đen tuyền lấp lánh như than trải dài trên bờ cát trắng, đây chính là Bàn Than. Từng lớp đá phiến thạch có nguồn gốc từ trầm tích biển xếp chồng lên nhau như thể có bàn tay sắp đặt nào đó của con người. Trải qua hàng nghìn năm, dưới tác động của thiên nhiên và sự xâm thực của nước biển, những tảng đá ở đây được tạo thành những hình thù lạ mắt và độc đáo, kết hợp với những vân đá huyền hoặc của đá đã hình thành nên những tác phẩm điêu khắc độc đáo mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho nơi này.

Bên cạnh màu đen tuyền đặc trưng, đá ở Bàn Than còn sở hữu nhiều màu sắc khác nhau: nâu, vàng, đỏ... Người dân nơi đây dựa vào truyền thuyết, dựa vào hình thù của từng tảng đá để đặt tên cho chúng như: mỏm ông Đụn, mỏm Bà Che, giếng Tiên, cột Thuyền... Bàn Than được mệnh danh là bức tranh thiên tạo, trên nền xanh của nước biển nổi lên những vách đá sắc đen như than với những vân, đường nét kỳ lạ, bãi đá chông chênh phía dưới bọc lớp rêu thẫm màu. Bên cạnh đó còn có những hồ nước biển tự nhiên trong veo len lỏi giữa các khe đá làm cho khung cảnh thêm phần thơ mộng.

Từ Bàn Than, có thể nhìn thấy rất rõ Hòn Mang, Hòn Dứa như hai hòn non bộ khổng lồ nổi lên giữa biển trời. Người lái ca nô khéo léo theo luồng nước tránh những bãi đá ngầm đưa chúng tôi tiếp cận Hòn Mang, Hòn Dứa. Anh Nguyễn Thanh Dương, cán bộ văn hóa xã Tam Hải cho biết: “Hòn Mang, Hòn Dứa không có người sinh sống và từ xa xưa, người dân địa phương dựa vào những loại cây đặc trưng mọc nhiều trên hai hòn đảo nhỏ này để đặt tên. Theo đó, đảo mọc nhiều cây dứa gai, người ta gọi là Hòn Dứa và đảo có nhiều cỏ mang nên gọi là Hòn Mang”. Hòn Mang rộng hơn Hòn Dứa và cách nhau không xa, đứng ở đảo này có thể nhìn rõ đảo kia và ngược lại.

Khung cảnh ở Hòn Dứa hoang sơ, tĩnh mịch do ít thuyền bè lui tới và thỉnh thoảng mới có thuyền đưa khách đến tham quan, khám phá. Hòn Dứa có một bãi cát dài vàng mịn rất lý tưởng để ca nô, thuyền bè cập bờ và nơi đây cũng thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi, tắm biển, lều trại qua đêm ngắm hoàng hôn, bình minh trên biển... Điều dễ nhận ra nhất ở đảo nhỏ này là những bụi cây dứa gai mọc khắp mọi nơi, xen lẫn với đó là cây thông (dương liễu) do người dân trồng để chống xói lở, xâm thực cùng với nhiều loại cây, cỏ thích nghi với khí hậu và thổ những nơi đây.

Do đảo Hòn Dứa không quá rộng nên mất chừng 20 phút, chúng tôi đã quay về điểm xuất phát ban đầu. Điều thú vị nhất là khi leo đến điểm cao nhất của Hòn Dứa có thể tận hưởng một cảm giác thư thái, dễ chịu đến lạ thường. Chúng tôi đứng trên ghềnh đá cao giữa đất trời, biển cả bao la, cảm nhận những làn gió tứ bề mát lạnh. Từ đây chỉ cần phóng tầm mắt, nhìn bao quát biển trời mênh mông sẽ thấy Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Đá Chìm cùng những rặng đá chìm, đá nổi nhấp nhô sóng nước, xa xa là bóng dáng ẩn hiện của Cù Lao Chàm, thấp thoáng là hình dáng của Hòn Ông, Hòn Châm ngoài đại dương...

Rời Hòn Dứa, chúng tôi theo ca-nô khám phá những rạn san hô phong , đa dạng về chủng loại nằm ẩn mình dưới làn nước trong xanh. Những loại san hô này có nhiều màu sắc khác nhau và là nơi trú ngụ của rất nhiều loại hải sản quý và có giá trị cao như: tôm hùm, ốc hương, tôm sú, cá mực... Đặc biệt, nơi đây là nơi sinh sản và phát triển của các loại ấu trùng tôm hùm. Chỉ cần một chiếc kính lặn và chiếc áo phao là có thể thỏa thích ngắm thế giới đại dương sinh động, lung linh sắc màu...

Lâm Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mien-man-ban-than-hon-mang-hon-dua-post431539.html