Miên man chiều cuối năm
Tháng Chạp, mưa bụi và chút nắng phớt vàng cũng chỉ đủ làm long lanh những hạt mưa sương vương vít vào cỏ cây hoa lá. Tháng Chạp đánh thức những miền ký ức, khi những khúc xuân ca xưa cũ mà ta với người mê đắm từ cái thời xa lắc xa lơ âm vang đầu làng cuối phố “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi nơi. Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối. Nắng xuân đem vui với đời…” (Đón xuân - Phạm Đình Chương). Bài hát quen thuộc mà tiết tấu, giai điệu đã in trong ký ức mọi người, ẩn chìm chờ đến mùa xuân là phục sinh, là tràn trề những cung bậc dấu yêu, gợi nhớ mênh mang về những chuyện cũ, chuyện mới, trong khoảng thời gian ta gọi cuối năm, người bảo đầu năm, mà không ai tranh luận sao nó lại vậy! Cũng vui, chuyện phiếm, tháng Chạp bao giờ cũng chồng gần khít lên cái tháng 1 dương lịch, chút rắc rối dễ chịu, âm dương giao hòa là vậy, mà lòng người cứ hối hả, cuống cuồng lên với tết. Chắc người còn mãi cái cảm giác lâng lâng khó tả, rạo rực và nuối tiếc, thực tại và phiêu bồng trong những ngày chuẩn bị “co cẳng đạp thằng Bần, giơ tay bồng ông Phúc”. Còn ta đa đoan nửa ngời phía trước, nửa vời vợi ngoái sau, chia xa tháng mười hai lưu luyến, yêu cái tháng Giêng rực nở hồng hào.
Đang miên man nghĩ chuyện cuối năm, thầm thì với khóm vạn thọ tự mình trồng nay đơm hoa khoe sắc, có tiếng hát từ đâu reo vui, trong trẻo quá, tưởng chỉ dành cho riêng mình ta “Xuân cho màu xanh lá, con tim bình yên quá. Phương xa người về quê đón tết, ngân vang ngàn câu chúc, cho gia đình sung túc, hân hoan chào mùa xuân mới sang…” (Như hoa mùa Xuân - Châu Đăng Khoa). Ta bỗng nhớ, hơn nửa đời người phiêu bạt, từ lúc học gần đến lúc học xa, rồi gắn với nghiệp dĩ rong ruổi đó đây, ta vẫn canh cánh bên lòng những chuyến về quê ăn tết. Ta nhớ chuyện mình, không, chuyện của mọi người và ta hòa lẫn vào nhau. Ở đó, có chuyện những cô cậu học xa, những ngày học cuối năm lửng lửng lơ lơ. Trường cũng hiểu, hồn bọn này giờ ở phía trời quê, đến giảng đường là râm ran chuyện tết Nam, tết Bắc, chuyện bánh mứt cốm rim. Mùi tết tràn vào trường vào lớp. Nhớ cái ký túc xá, chưa bao giờ nó gọn gàng như lúc này, đồ đạc dọn dẹp sạch sẽ, ba lô, túi xách căng đầy, chờ trường “xổ kẻng” là các nàng, các chàng bay như én liệng mùa xuân, ù té chạy ra bến xe, hối hả đến ga tàu, đua với thời gian, mà trong túi xách không quên chút quà tết mang về nhà, khi lọ hoa, lúc hộp bánh, gói trà và chút quà cho mẹ… bằng số tiền tích cóp dạy thêm, chạy bàn cho quán… Rồi ta nhớ, vì cuộc mưu sinh nhiều người xa quê, bươn chải dặm dài, những ngày cận tết sao nôn nao đến lạ! Có đêm làm xong công việc ta vươn vai bất giác nhìn trời, trăng hạ tuần tháng Chạp buồn hiu hắt như trách mắng ai, đến giờ này mà còn ham công tiếc việc không về quê sửa soạn lại ngôi nhà thêm chút khang trang mới mẻ, chăm lại luống hoa, rồi hăm ba đưa ông Táo về trời, hăm lăm tảo mộ người thân đã khuất, rồi bài trí bàn thờ gia tiên ấm cúng trong 3 ngày tết... Phải về cho kịp, hương vị tết đâu đây réo gọi, đã làm ta bồi hồi, dâng trào nỗi nhớ, nhớ mái ấm gia đình, nhớ không gian tết thiêng liêng, sum vầy. Ta tin người cũng cùng chung suy nghĩ. Nghĩ lại, mình thương lắm những chuyến xe cuối năm chật ních người, lại thêm lỉnh kỉnh quà kiểng, chiếc xe chồm lên với những hồi còi giục giã giành đường vô tình đã làm phấn khích người về quê ăn tết, tưởng mình như những chiến binh chiến thắng trở về, có người cao hứng nghêu ngao “Hoa lá nở thắm đẹp môi hồng, xuân đến rồi đây, nào ai biết không…”, lời ca lâng lâng tắm tưới tâm hồn ai chờ đón xuân mơ, rồi thiếp đi.
Nhớ cái chiều sẩm ba mươi tết, có người khách lỡ làng, ngồi chờ chuyến xe cuối năm trên bến vắng, phố đã lên đèn, thời khắc của năm cũ dần trôi. Khách đưa mắt nhìn những người bạn đồng hành muộn màng, giỏ quà tết nghiêng ngả tay ôm, lệch xệch túi xách, đi mà như chạy, cuống quýt đến bến cho kịp chuyến xe cuối năm với bao hy vọng, lan tỏa những sẻ chia. Kể cũng hay, cái cảm giác chờ lên chuyến xe cuối cùng của năm cũ băng qua đêm giao thừa đi vào năm mới, rồi sáng mùng một tết xông đất nhà mình, không phải ai cũng có được, thiêng liêng lắm, khó tả bằng lời. Tự nhiên mình thích được như vậy, thích mãi được trở về cái nơi chứa chan, đong đầy kỷ niệm, đó là nhà mình, để hít lấy hít để mùi tết quê hương, ở đó có chút khói bếp la đà, có chút nồng nàn mùi cỏ cây hoa lá vấn vương, có mái tóc cha bạc màu sương gió, có đôi mắt mẹ thâm quầng ủ chín lo toan, để có những mùa xuân đầy đặn sum vầy.
Ta nhớ những chuyến xe cuối năm là nhớ những kỷ niệm đẹp, là bài ca không quên thắp nắng mùa xuân, ở đó có bàn tay nắm lấy bàn tay, ai cũng được đón đợi, đùm bọc, nâng bước, đoàn tụ, niềm vui tiếp nối niềm vui. Và ta đã hiểu vì sao có những cuộc đại di dân về quê ăn tết của nhiều dân tộc ở châu Á trong những ngày cuối năm là vậy.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252147/mien-man-chieu-cuoi-nam.html