Miền Nam trong cấu trúc chiến lược quốc gia

Miền Nam là vùng đất bi hùng thời chiến tranh, năng động của đổi mới và khát vọng kiến tạo tương lai

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025), nhìn lại vai trò và vị thế của miền Nam không chỉ là sự tri ân lịch sử, mà còn là cơ hội để định vị chiến lược phát triển đất nước trong thời đại mới, nơi các nguồn lực tự nhiên, xã hội, văn hóa và công nghệ cần được tái cấu trúc và liên kết chặt chẽ.

Từ tâm điểm của những năm tháng chiến tranh, miền Nam đã vươn mình trở thành một trong những động lực lớn nhất của hòa bình và phát triển. Không chỉ chuyển mình về kinh tế - xã hội mà còn khẳng định vị thế nổi bật trong tư duy phát triển quốc gia: một vùng đất tiên phong đổi mới, đồng thời gìn giữ những giá trị nhân văn, cởi mở và sáng tạo.

Trong bài viết này, "miền Nam" được hiểu là khu vực trải dài từ Nam Trung Bộ đến Mũi Cà Mau, bao gồm Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một phần Nam Trung Bộ - những vùng đất có sự khác biệt về địa lý và kinh tế nhưng gắn kết chặt chẽ trong vai trò chiến lược quốc gia. Đây vừa là cửa ngõ ra thế giới qua các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải vừa là vùng tiếp giáp biên giới Tây Nam - nơi đan xen yếu tố dân tộc, tôn giáo và địa lý tự nhiên.

Ở cấp độ chiến lược, miền Nam là vùng "mở" trong hội nhập quốc tế, đồng thời là "vùng lõi" trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và ngoại giao nhân dân. Đông Nam Bộ - với các trung tâm kinh tế như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - là đầu tàu công nghiệp và dịch vụ. ĐBSCL được mệnh danh là "vựa lúa" với hơn 50% sản lượng lúa gạo, 70% sản lượng thủy sản và 60% sản lượng trái cây của cả nước; những đồng lúa bát ngát, những vườn cây trái sum sê, những dòng sông chở nặng phù sa đã trở thành biểu tượng cho sự trù phú và sức sống mãnh liệt của vùng đất này.

Các tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ, kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp công nghệ cao với sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ, tạo nên những gam màu tươi mới cho bức tranh kinh tế miền Nam.

Cầu Mỹ Thuận và Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cùng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên caoẢnh: CA LINH

Cầu Mỹ Thuận và Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cùng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên caoẢnh: CA LINH

Tiềm lực phát triển đa ngành

Miền Nam sở hữu quỹ tài nguyên phong phú nhất Việt Nam: đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái sông nước, biển đảo, rừng ngập mặn và tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu khí tập trung ở thềm lục địa phía Nam, đóng góp khoảng 15% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, tài nguyên quý giá nhất là con người và xã hội: Miền Nam là nơi hội tụ hơn 40 dân tộc, vùng miền và văn hóa khác nhau, tạo nên không gian cởi mở, hài hòa, dễ thích nghi với thay đổi. Tinh thần "miệt vườn" nghĩa tình, kết hợp với năng lực học hỏi và dấn thân, đã tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Các mô hình kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL như nuôi tôm kết hợp trồng lúa, hay các start-up công nghệ ở TP HCM đều phản ánh sự năng động này.

TP HCM và các tỉnh công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp gần 30% GDP quốc gia và hơn 45% GDP vùng. Đây là nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trung tâm logistics và cảng biển lớn nhất cả nước.

Miền Nam đang phát triển theo mô hình "đa trung tâm": TP HCM là trung tâm tài chính, công nghệ và giáo dục; Bình Dương dẫn đầu về công nghiệp và sản xuất thông minh; Cần Thơ là thủ phủ nông nghiệp xanh và logistics của ĐBSCL. Tiềm năng chuyển đổi từ "sản xuất gia công" sang "sáng tạo - dẫn dắt" được thể hiện qua các dự án như Khu Công nghệ cao TP HCM hay các trung tâm khởi nghiệp ở Đông Nam Bộ, thu hút hơn 40% vốn FDI cả nước.

Giá trị bản sắc - nhân văn

Miền Nam không chỉ là không gian kinh tế mà còn là cái nôi của những giá trị văn hóa, xã hội và nhân văn đặc sắc. Tinh thần đoàn kết cộng đồng, khai mở và lòng trắc ẩn được thể hiện qua các phong trào thiện nguyện, giáo dục và y tế cộng đồng. Âm nhạc dân ca Nam Bộ, ẩm thực miền Tây hay các lễ hội như Tết Đoan ngọ, Ok Om Bok không chỉ bảo tồn bản sắc mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong những thời kỳ khó khăn, miền Nam luôn tiên phong với các sáng kiến vì con người: "ATM gạo" hỗ trợ hàng ngàn người trong đại dịch COVID-19, "Bếp ăn 0 đồng" ở TP HCM, "Hội quán nông dân" ở ĐBSCL, hay "Chợ nhân đạo" ở các tỉnh miền Tây. Những mô hình này không chỉ phản ánh tính thích ứng mà còn cho thấy chiều sâu nhân bản của văn hóa miền Nam.

Những vấn đề đặt ra: Hướng đến phát triển bền vững

Mặc dù có nhiều tiềm năng, miền Nam cũng đối mặt các thách thức lớn:

Áp lực hạ tầng: Giao thông, đô thị, cảng biển và logistics chưa đồng bộ. Ví dụ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, trong khi các tuyến đường liên vùng ở ĐBSCL thường xuyên ùn tắc, làm tăng chi phí vận chuyển.

Biến đổi khí hậu: Ở ĐBSCL xâm nhập mặn và sụt lún ảnh hưởng đến 1,5 - 2 triệu ha đất nông nghiệp, đe dọa sinh kế của hàng triệu người. Nước biển dâng cũng làm mất dần đất canh tác, đòi hỏi giải pháp quản trị tài nguyên nước và tái thiết hệ sinh thái.

Bản sắc và đô thị hóa: Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Đông Nam Bộ có nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa, như các khu chợ nổi ở ĐBSCL hay kiến trúc Nam Bộ truyền thống.

Giáo dục và nhân lực: Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Tỉ lệ thất nghiệp ở một số tỉnh Đông Nam Bộ vẫn cao do thiếu kỹ năng chuyên sâu.

Một chiến lược phát triển miền Nam bền vững cần đặt trong tổng thể quốc gia, tập trung vào liên kết vùng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Cụ thể:

TP HCM và Đông Nam Bộ: Trở thành trung tâm tài chính, công nghệ và giáo dục quốc tế, với các dự án như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia hoặc Thành phố thông minh Thủ Đức.

ĐBSCL: Phát triển thành thủ phủ nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và nuôi trồng thủy sản, đồng thời tiên phong trong các mô hình chống biến đổi khí hậu như đê điều thông minh và nông nghiệp tuần hoàn.

Nam Trung Bộ: Đẩy mạnh du lịch bền vững và năng lượng tái tạo, với các dự án điện gió ngoài khơi và khu du lịch sinh thái.

Để đạt được những mục tiêu này, cần:

Đầu tư hạ tầng liên vùng: Hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2030, nâng cấp các cảng biển và sân bay quốc tế như Long Thành.

Tăng cường liên kết đào tạo: Xây dựng các chương trình hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và chính quyền để đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Bảo vệ bản sắc: Quy hoạch đô thị cần kết hợp bảo tồn văn hóa, như giữ gìn chợ nổi Cái Răng hay làng nghề truyền thống.

Viết đến đây, bên tai tôi như còn văng vẳng tiếng nói trầm ấm, chậm rãi mà đầy quyết đoán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân trong một buổi gặp gỡ vào tháng 4-2008. Khi ấy, ông bảo tôi cùng thu xếp để sang Hà Lan tham quan và khảo sát các hệ thống công trình phòng chống thiên tai và phát triển nông nghiệp của họ.

Ông không giấu sự trăn trở về tương lai của ĐBSCL - vùng đất ông đau đáu suốt đời và nhấn mạnh rằng: "Muốn đầu tư vào thủy lợi hiện đại, muốn nông nghiệp miền Nam thích ứng được với biến đổi khí hậu thì phải học cho ra bài học của người ta, không chỉ về vốn và công nghệ mà còn phải hiểu cả về văn hóa, xã hội, con người và thể chế". Ông trăn trở về người nông dân thời nào cũng khổ, cần quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cả trong nước và xuất khẩu…

Ông nói điều đó không phải như một chỉ thị, mà như lời tâm huyết gửi gắm đến thế hệ sau - những người tiếp nối giấc mơ xây dựng một miền Nam phát triển hài hòa, bền vững và bình đẳng trong tổng thể cả nước. Giọng ông lúc ấy hơi chùng xuống nhưng ánh mắt vẫn sáng rực một niềm tin...

Thay cho lời kết

Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

"Miền Nam đi trước, về sau

Bước đường cách mạng dài lâu đã từng

Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng

Gió càng lay càng dựng thành đồng

Trăm sông về một biển Đông

Nước non rồi sẽ về chung một nhà".

Những vần thơ ấy không chỉ là cảm hứng của một thời, mà còn khắc họa bản lĩnh và phẩm chất của miền Nam - vùng đất của dấn thân và gắn bó, của kiên cường và nhân ái. Từ chiến tranh đến hòa bình, từ mất mát đến kỳ tích, miền Nam đã khẳng định mình là điểm tựa đầy năng lượng trong hành trình dựng xây đất nước.

Miền Nam không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho một Việt Nam thống nhất, thịnh vượng và bền vững. Để tiếp tục tỏa sáng, miền Nam cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng bảo vệ bản sắc, đổi mới sáng tạo và hướng tới tương lai xanh.

TS Tô Văn Trường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-nam-trong-cau-truc-chien-luoc-quoc-gia-19625042820375918.htm