Miền Tây căng mình đối phó đại dịch COVID-19
Mấy ngày qua, một số tỉnh, thành ở miền Tây ghi nhận số ca F0 tăng cao. Hiện các địa phương kích hoạt các biện pháp để phòng, chống dịch; trong đó Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên chuyển từ vùng vàng lên vùng đỏ.
Bạc Liêu: Từ vùng vàng lên đỏ
Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký ban hành quyết định về công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ 12 giờ ngày 2/11.
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ áp dụng cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Đối với cấp huyện có 2 đơn vị là thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu ở cấp độ 4. Cấp độ 3 có 3 đơn vị, gồm: huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân. Cấp độ 2 gồm: huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình.
Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên ở miền Tây quyết định nâng cấp độ dịch từ 2 lên 4. Toàn tỉnh Bạc Liêu sẽ áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch là cấp độ 4.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, từ 6 giờ sáng 31/10 đến 6 giờ sáng 1/11, địa phương này ghi nhận thêm 382 ca F0; trong đó 102 trường hợp dưới 18 tuổi, 167 F0 ghi nhận trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tập trung 100% lực lượng để thực hiện nhiệm vụ được phân công; đồng thời phối hợp chặt chẽ, tuân thủ sự hướng dẫn của Tổ công tác đặc biệt do Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện.
Đã tiêm hơn 82 triệu liều vắc xin phòng COVID-19
Thống kê trên cổng thông tin tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thấy đến ngày 1/11 cả nước đã tiêm 82.051.163 mũi vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 79,1% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 33,7% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế cho biết, các địa phương khu vực phía Nam, đặc biệt tại các tỉnh thành phố khu vực miền Tây đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin trước diễn biến dịch phức tạp, số ca mắc gia tăng.
Hà Minh
An Giang: Cấp thiết tiêm vắc xin và thuốc điều trị
Tại An Giang, mấy ngày nay số lượng mắc COVID-19 tăng cao, điển hình ngày 31/10 phát hiện 215 ca, nâng tổng số mắc từ 15/4 đến nay là trên 11 nghìn trường hợp.
Ngày 1/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, nguyên nhân do lượng người về từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nhiều, với khoảng 70.000 người.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, giải pháp hiện nay là tuyên truyền người dân nhận thức 5K, khai báo y tế; đồng thời đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vắc xin để tiêm thần tốc cho người dân. Hiện tỷ lệ tiêm còn rất thấp, mũi 1 trên 80%, mũi 2 chưa được 20%. “Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là sớm phủ vắc xin cho người dân. Ngoài ra, vấn đề thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 để hạn chế chuyển nặng và tử vong là vô cùng cấp thiết”, ông Bình nói.
Sóc Trăng: Triển khai nhanh nhân lực để kiểm soát
Tại Sóc Trăng, trong vòng 2 tuần gần đây đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng tại các huyện Trần Đề, Kế Sách, Mỹ Xuyên, Long Phú, Mỹ Tú, thị xã Vĩnh Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đặc biệt, chùm ca bệnh tại thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) được đánh giá có diễn biến phức tạp, đến nay đã phát hiện trên 250 F0 tại 5 ấp trên địa bàn. Còn ở huyện Kế Sách, vừa qua xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là chùm ca bệnh tại chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhiều nơi trong cộng đồng, nhất là chùm ca bệnh trên địa bàn huyện Kế Sách. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành Y tế tỉnh cần chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhanh nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế để tiến hành test nhanh sàng lọc trong cộng đồng.
Tại Kiên Giang, trong 7 ngày (từ ngày 25/10 đến ngày 31/10) toàn tỉnh phát sinh 2.000 ca mắc COVID -19 mới. Địa bàn có ca mắc mới cao trong tuần qua là TP. Rạch Giá, TP Phú Quốc, huyện Hòn Đất, huyện Châu Thành và huyện Tân Hiệp. Hiện nay, Kiên Giang có hơn 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 79,63% và gần 369 nghìn người tiêm mũi 2, đạt 28,78%.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mien-tay-cang-minh-doi-pho-dai-dich-covid-19-post1389652.tpo