Miền Tây níu chân du khách

Ghé miền Tây công tác, cứ mỗi nơi đến tôi đều lưu lại 'dấu chân' bằng những bức ảnh về thiên nhiên, cảnh vật, con người ở đó, rồi đưa lên mạng xã hội để khoe với bạn. Ảnh không được chất lượng cho lắm, nhưng mặc định dưới mỗi bức ảnh luôn là những bình luận đầy cảm xúc và sự hào hứng. Đặc biệt, chỉ qua những bức ảnh và vài dòng trạng thái về miệt vườn trái cây Cồn Sơn hay chợ nổi Cái Răng tại thủ phủ vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có một sức hút kì lạ, khiến ai cũng muốn xếp lịch để đi.

 Thuyền buôn bán trái cây ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: L.H.T

Thuyền buôn bán trái cây ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: L.H.T

Hết vụ trái cây, miệt vườn vẫn kéo khách đến

“Chưa đi miệt vườn, coi như chưa đến miền Tây” - cô hướng dẫn viên Võ Lê Anh Thư (19 tuổi), trú tại TP. Cần Thơ, góp ý với đoàn khách đến từ miền Trung, khi mọi người đang tranh luận rằng “đã hết mùa trái cây thì đi miệt vườn làm gì”. Trước khi ghép chung vào tour du lịch này thì chúng tôi mỗi người một hướng, vì muốn “giá rẻ” nên mới gộp chung với nhau thành đoàn 20 người, thành ra mỗi người một ý.

Phần nhiều người nghĩ, cứ đi miệt vườn là phải có cây trái sum suê để thỏa thích thưởng thức no miệng và đã con mắt, nên mới lấn cấn đi hay không là vì vậy. Tranh luận một hồi, đoàn chọn địa điểm ghé thăm là Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) - một cồn đất bên sông Hậu có diện tích đất chưa đến 75 ha. Đường sá trên cồn này rất nhỏ, rộng chỉ khoảng 1 mét, nên người dân chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp. Dọc đường đi, những hàng cây xanh, cau cổ thụ, dừa tỏa bóng mát và bắt mắt. Thi thoảng, có một số hàng quán bày bán các loại sản vật trên cồn trồng được như bưởi, cam, chuối… rất chất lượng mà giá lại rẻ.

Ra đón khách du lịch ở tận bến tàu, rồi dẫn khách đi dọc con đường, giới thiệu về cảnh quan, điểm đến, các hướng dẫn viên cây nhà lá vườn ở Cồn Sơn không quên nhắc khách hạn chế dùng túi ni lông và xả rác thải bừa bãi. Chưa hết ngạc nhiên vì vẻ đẹp hoang sơ trên cồn, chúng tôi phải trố mắt khi ghé nhà vườn Song Khánh xem đàn cá tai tượng 30 năm tuổi chỉ trường chay là cơm trắng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (33 tuổi), trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, thốt lên “quá tuyệt vời” khi tận tay đút mấy muỗng cơm trắng cho cá. Cũng là “mắt chữ a, mồm chữ o” khi chị Nhung ngắm nhìn đàn “cá lóc bay” hàng nghìn con tung tăng trên mặt nước ở nhà vườn Tín Hòa. Ngoài những món lạ như trên, ở Cồn Sơn nhà nào cũng có vườn cây trái, khách chỉ cần ngỏ ý, chủ vườn sẽ sẵn sàng dẫn đi thưởng ngoạn, dù không có đủ loại cây trái vì hết mùa, nhưng ai cũng gật đầu thỏa mãn…

Bà Phan Kim Ngân (52 tuổi), trú tại Cồn Sơn - chủ nhiệm Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” cho hay, trước kia người dân ở đây sống bằng nghề nông, không mấy ai khá giả. Từ cuối năm 2017, nhìn thấy tiềm năng du lịch ở Cồn Sơn, nên câu lạc bộ trên được thành lập để hỗ trợ nhau làm du lịch. Câu lạc bộ này đưa ra quy chế hoạt động về cách tiếp du khách, cách tư vấn, giữ vệ sinh môi trường, hạn chế dùng túi ni lông, đặc biệt là mỗi hộ sẽ phát triển một sản phẩm du lịch theo hướng chuyên sâu… Đơn cử, hộ bác Bảy Bong làm nghề nuôi cá lồng trên sông thì sẽ phát triển thêm các loại cá lạ và chế biến chả cá, khô cá để du khách trải nghiệm; hộ bác Nguyễn Văn Hải thì có vườn cây rộng, sẽ đưa đón du khách đi tham quan miệt vườn; hộ bà Kim Ngân thì làm các loại bánh dân gian… Các hộ ở câu lạc bộ liên kết với nhau, tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo.

 Du khách đạp xe trên đường làng đi thăm miệt vườn. Ảnh: L.H.T

Du khách đạp xe trên đường làng đi thăm miệt vườn. Ảnh: L.H.T

Vào mùa này không phải mùa du lịch, nhưng theo bà Kim Ngân mỗi tháng các hộ ở câu lạc bộ đón khoảng 1.000 lượt khách, còn vào mùa hè, thì con số tăng lên gấp nhiều lần. Nhờ vậy, những hộ làm du lịch ở đây có thu nhập khá, như hộ bà Kim Ngân mỗi tháng thu nhập trung bình 60 triệu đồng, trừ đi chi phí lãi hơn 30 triệu đồng.

Trải nghiệm chợ nổi “đang chìm”

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi là một nét văn hóa đặc thù. Ngày trước, do cơ sở hạ tầng, đường sá chưa phát triển, nên người dân ở nơi này chủ yếu di chuyển, giao lưu buôn bán trên sông, rồi hình thành các chợ. Mỗi lần họp chợ, có hàng trăm thuyền, ghe chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Ngày nay, khi đường sá được đầu tư xây dựng, các chợ dời lên cạn, chợ nổi vì vậy “đã chìm” gần hết, hiện ở TP. Cần Thơ vẫn còn duy trì chợ nổi Cái Răng. Vì vậy, đoàn du khách nào khi đến miền Tây, sau miệt vườn đều có nhu cầu đi chợ nổi.

5 giờ 30 phút sáng, chiếc thuyền của công ty du lịch neo ở bến Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) rục rịch xuất bến, đưa đoàn chúng tôi đi chợ nổi Cái Răng. Cô hướng dẫn viên mang áo bà ba đi cùng thuyền hướng dẫn khách mặc áo phao, rồi thuyết trình về những điểm đặc biệt ở chợ nổi bằng chất giọng ngọt ngào của người miền Tây.

Mất 30 phút từ lúc thuyền nổ máy, di chuyển một đoạn sông và qua 3 chiếc cầu, thì bắt đầu xuất hiện những chiếc ghe của người dân tìm cách cặp mạn thuyền. Tấp được ghe chở đầy các loại trái cây, ông Đặng Văn Đẳng (50 tuổi), trú tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, chào hàng bằng cách mời khách du lịch dùng thử trái cây. “Ăn nếu thấy ngọt, thấy ngon thì mua, không thì cười cái chào mừng đến chợ nổi” - ông Đẳng cười nói. Trái cây ở ghe ông Đẳng bán khá rẻ, 7 kg xoài xanh có giá 100 nghìn đồng; 3 kg xoài Đài Loan (vỏ màu hồng) bán với giá 110 nghìn đồng; cam 25 nghìn đồng… Sau khi nếm thử gần như hết các loại trái cây, phần lớn du khách đều chọn mua mỗi người vài cân xoài Đài Loan về làm quà vì loại này nhìn bắt mắt, ăn cũng được mà giá vừa phải. Không chỉ có ghe bán trái cây, mà ngay trên sông còn có ghe bán nước giải khát các loại…

Thuyền di chuyển chậm, khi chúng tôi xong phần ăn sáng và mua sắm thì vừa đến trung tâm chợ nổi Cái Răng. Có khoảng 20 chiếc thuyền lớn thả neo, đầu mũi mỗi thuyền có 1 hoặc vài cây gỗ (cây bẹo), phía trên cây treo lủng lẳng củ sắn, hoặc bắp cải, hoặc dừa… Đến mới hay, té ra chợ nổi chỉ là dăm chục chiếc thuyền buôn bán trên sông không chèo kéo, không đặt nặng vấn đề buôn bán lời lãi; miệt vườn Cồn Sơn nơi chúng tôi ghé cũng chỉ có đặc sản cây nhà lá vườn không cộng rác với những nông dân làm du lịch biết liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm khác lạ. Không cần đầu tư nhiều bê tông cốt thép cho du lịch, người dân ở TP. Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung chỉ dựa vào điều kiện thiên nhiên ban tặng và thêm thắt vào đó tí chất xám, vậy mà đã khiến những ai đặt chân đến nơi này đều lưu luyến muốn trở lại lần nữa.

Cách làm du lịch của người Cần Thơ cho thấy một điều rằng, muốn phát triển du lịch bền vững thì liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đối với mỗi địa phương, trong đó có Quảng Trị. Trong liên kết, hợp tác, việc định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của từng vùng nhằm tạo sức hút đối với du khách khi đến mỗi địa phương là rất quan trọng. Ở Quảng Trị, chỉ tính riêng trên Quốc lộ 9 - cửa ngõ của tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây nối thông Việt Nam - Lào - Thái Lan đã có rất nhiều điểm thu hút được khách du lịch. Như ở huyện Hướng Hóa, có di tích lịch sử Sân bay Tà Cơn và Nhà tù Lao Bảo; có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng như các hệ thống hang động Brai, Tà Puồng và đỉnh Sa Mù quanh năm mây phủ với hệ động thực vật phong phú. Rời Hướng Hóa, trên đường về thành phố Đông Hà thì có dòng sông Đakrông trong xanh, bên kia là suối nước nóng Klu cùng những ngôi nhà sàn bản cổ. Còn xa hơn nữa, là bãi tắm Cửa Việt, Cửa Tùng được đầu tư cơ sở hạ tầng đi kèm hải sản chất lượng… Việc kết nối các địa điểm du lịch từ địa phương này với địa phương khác sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú về điểm đến, từ đó thu hút du khách đến, níu chân du khách đi, như cách làm du lịch của người miền Tây...

Lâm Hưng Thơ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145540