Miễn thuế đất nông nghiệp: Hụt thu ngân sách nhưng cần thực hiện
Việc miễn thuế nông nghiệp cũng tác động phần nào cho hụt thu ngân sách, mỗi năm hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng. Nhưng đây cũng là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất.
Nông nghiệp đối diện với nhiều thách thức
Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước chịu những tác động xấu của nhiều loại hình thiên tai như mưa bão, lũ lụt, sạt lở, nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa đá, dông lốc. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra với mật độ và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại về tính mạng con người, của cải vật chất và đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trong năm 2023, ở nước ta, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng; cũng là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ; động đất xả ra tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển…Thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Tình hình hạn hán xảy ra một số tỉnh thành trong những tháng vừa qua làm cho một số diện tích lúa, cây ngắn ngày đã bị mất trắng; cây dài ngày sinh trưởng và phát triển kém, ảnh hưởng tới năng suất của vụ sau và phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi.
Thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, lũ lụt, ngập úng vào mùa mưa cùng những diễn biến thất thường khác của thời tiết, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi, mà còn làm phát sinh nhiều loại sâu, dịch bệnh khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, bất lợi và tác động không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn.
Để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương áp dụng những giải pháp phát triển sản xuất theo hướng chủ động, như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu mùa vụ; tổ chức sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết để phòng tránh thiên tai, tăng hiệu quả sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng vùng, thích ứng khô hạn.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh khuyến khích, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, phát triển kinh tế vườn đồi, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động, rủi ro do thiên tai gây ra.
Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp
Theo Bộ Tài chính, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta (chiếm khoảng 5,5%), trong đó có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Tài chính đánh giá.
Do đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Bộ kiến nghị 2 phương án: Phương án thứ nhất, kéo dài việc miễn thuế từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030; và phương án thứ hai từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2035.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ nhất. Bởi theo lý giải, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau.
Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể.
Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn.
Trước những diễn biến đa chiều của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, hướng tới triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2026- 2030 là cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống.
Bộ Tài chính đánh giá với giải pháp miễn thuế đến hết 2035, dù mang nhiều tác động tích cực nhưng, thời hạn miễn thuế 10 năm là khoảng thời gian tương đối dài trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn sau năm 2030 chưa được định hướng cụ thể.
“Để đảm bảo mục tiêu phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tình hình kinh tế xã hội thực tiễn, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo giải pháp 1 (thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là 5 năm, đến hết 2023)”, tờ trình nêu rõ.
Hay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6560/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (Dự thảo).
Theo VCCI, chính sách này đã được thực hiện liên tục trong hơn hai thập kỷ qua và mang lại nhiều tác động tích cực cho sản xuất nông nghiệp cũng như công cuộc chống đói nghèo của Việt Nam. Nếu bây giờ khởi động lại việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cho các thủ tục xác định số tiền thuế cũng như công tác thu nộp, trong khi số tiền thuế thu được chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, góp ý về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, VCCI cho biết, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về thời gian miễn thuế là 5 năm và 10 năm. Về vấn đề này, VCCI đề nghị lựa chọn phương án miễn thuế 10 năm nhằm bảo đảm sự ổn định chính sách.
Miễn thuế đất nông nghiệp là điều cần thiết
Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực. Trong bối cảnh hạn hán, xâm ngập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường gây bất lợi cho nông dân, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của cả nước).
Thực tế hiện nay, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân lại khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, cho nên đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, còn góp phần hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân, giảm áp lực lao động đi làm việc tại các địa phương khác. Tác động tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tích tụ ruộng đất.
Tuy nhiên, việc giảm thuế nông nghiệp cũng tác động phần nào cho hụt thu ngân sách, mỗi năm hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng. Nhưng đây cũng là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho thấy, việc miễn thuế đã đạt hiệu quả trong từng giai đoạn. Nếu như giai đoạn đầu (giai đoạn 2001-2010) thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ 1 con số đã tăng lên 2 con số. Cụ thể, năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD; năm 2005, đã tăng lên 8,5 tỷ USD, gấp 2,1 lần năm 2001; năm 2007 đạt 10,9 tỷ USD và đến năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001).
Giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN và tiến tới miễn thuế SDĐNN (2011-2018), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, đưa Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD, đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 40,5 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 2001).
Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong các năm 2019, 2020 vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD. Giai đoạn giai đoạn kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN theo Nghị quyết số 107/2020/QH14 (2021-2023) đã nâng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 48,70 tỷ USD (năm 2021) lên 53,22 tỷ USD (năm 2022, 2023).