Miền Trung, Tây Nguyên ứng phó sạt lở mùa mưa bão - Bài 1: Nơm nớp sông cuốn, núi đè

Sống, sản xuất, canh tác bên các sông suối, hồ đập, núi cao, người dân nơm nớp lo sợ sông cuốn, núi đè. Đặc biệt, sạt lở đã càn quét qua nhiều khu vực, gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, nhà cửa, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

LTS: Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có địa hình đồi núi dốc; nhiều sông suối, hồ chứa, đường đèo có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Thực tế là những năm qua, mưa bão đã khiến nhiều núi đồi, sông suối, khu dân cư sạt lở. Và hiện mới bước vào mùa mưa bão, nhưng nhiều ngọn núi, dòng sông đang chực chờ “nuốt” làng, lấp đường...

Sống, sản xuất, canh tác bên các sông suối, hồ đập, núi cao, người dân nơm nớp lo sợ sông cuốn, núi đè. Đặc biệt, sạt lở đã càn quét qua nhiều khu vực, gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, nhà cửa, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Vừa ở vừa lo

Mùa mưa năm 2023, Đắk Nông là tỉnh liên tục xảy ra sự cố sụt lún, sạt lở đất. Tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 4 điểm sạt lở để ứng phó, trong đó có hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long). Công trình này xuất hiện nhiều điểm nứt sau các trận mưa vào tháng 8-2023, nguy cơ 1,2 triệu m3 nước đổ ập xuống vùng hạ du, chực chờ san phẳng nhà cửa, hoa màu. Những ngày này, quay trở lại công trình này, phóng viên chứng kiến các điểm nứt gãy xung quanh hồ chứa nước Đắk N’Ting vẫn chưa được khắc phục, khiến người dân nơm nớp lo sợ.

Anh Vi Văn Toán (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) cho biết, gia đình có hơn 1ha đất sản xuất nằm gần hồ Đắk N’Ting nên rất lo hồ sụt lún. “Cứ mỗi lần trời mưa, gia đình đi quanh vườn kiểm tra xem các điểm sạt lở có lún sâu đến đất nhà không để có phương án di dời”, anh Vi Văn Toán lo lắng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, đối với điểm sạt lở tại hồ chứa nước Đắk N’Ting, UBND tỉnh đã thành lập tổ điều tra, hiện sở đã mời các đơn vị tư vấn kiểm định phục vụ giám định nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục.

Ngược về đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp điểm sạt lở tại đoạn qua tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) với chiều dài hàng chục mét. Vị trí này đã được quây bằng tôn để hạn chế phương tiện giao thông qua lại. Theo người dân, vị trí sạt lở trên xuất hiện từ tháng 8-2023, khi mưa bão đổ bộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới rào chắn tạm bợ, chưa xử lý triệt để. Tại hiện trường, có hàng chục hộ dân sinh sống bên dưới taluy, hiểm họa treo lơ lửng trên đầu. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Văn phòng UBND TP Gia Nghĩa, cho biết, thành phố đã đề nghị UBND tỉnh bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở nói trên, nhưng hiện vẫn chưa thể di dời.

Tại tỉnh Kon Tum, các huyện thường xảy ra sạt lở là Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông. Ghi nhận ở huyện Tu Mơ Rông, có 131 công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; khoảng 20 điểm khu dân cư có nguy cơ sạt lở, tốc mái, lũ quét…

Còn tại huyện Kon Rẫy, nguy cơ sạt lở đất xảy ra ở dọc các sông Đăk Nghé đoạn qua làng Kon Skôi (xã Đắk Ruồng) và các điểm dân cư sinh sống dọc sông Đăk A Côi (xã Đăk Côi), đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết, các điểm dân cư dọc sông trên nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ. Huyện đã lên phương án sẵn sàng di dời nếu xảy ra lũ quét.

Không chỉ ở Tây Nguyên, người dân nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung cũng nơm nớp lo sạt lở núi, sông suối, nhất là vào mùa mưa bão, lũ lụt. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh... nhiều năm qua luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, trong đó có tình trạng sạt lở sông, núi.

Tại Bình Định, đi dọc đôi bờ sông Hà Thanh (đoạn qua các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), chúng tôi ghi nhận hàng loạt điểm bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Nhiều vị trí ngoạm sâu vào ruộng đồng, khu dân cư. Ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) cho biết, hiện có 8/9 thôn của xã đều ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở ven sông Hà Thanh. Mức độ sạt lở vượt tầm can thiệp của xã nên địa phương lực bất tòng tâm!

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương thống kê có gần 1.850 hộ dân (gần 7.400 nhân khẩu) đang sinh sống trong vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét… Thậm chí, sạt lở đã cướp đi sinh mạng của một số người dân vô tội.

Đầu tháng 5 vừa qua, do trời mưa lớn nên núi Hoành Sơn (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sạt lở đất đá khiến nhiều công nhân thi công móng cột số 28 (thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3) thương vong (3 người chết, 4 người bị thương).

Ông Trần Phố Huế, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh), cho biết, trên địa bàn phường có 3 móng cột số 28, 29, 30 thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3. Các vị trí móng cột này đều thi công trên địa hình rừng núi cao, dốc, chơi vơi nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

 Nhiều móng cột đường dây 500kV mạch 3 (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thi công trên khu vực núi dốc cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Nhiều móng cột đường dây 500kV mạch 3 (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thi công trên khu vực núi dốc cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Hiểm họa “bom nước”

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, trong số 307 công trình thủy lợi trên địa bàn, hiện có 82 công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, có 25 công trình cần ưu tiên nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn, tổng kinh phí khoảng 162 tỷ đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cho biết, trên địa bàn hiện còn 8 hồ chứa bị xuống cấp nặng, rất cần đầu tư, sửa chữa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Lở đèo, sạt đường

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có 3 con đèo lớn, giữ vai trò kết nối lưu thông giữa các địa phương trong tỉnh nói riêng và giữa Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, TPHCM nói chung là đèo Bảo Lộc, đèo Prenn và đèo Sacom. Những năm trước, đèo liên tục sạt lở và nay mới đầu mùa mưa đã tiếp tục lở! Cụ thể, tại đèo Bảo Lộc, có ít nhất 12 điểm sạt lở cần sớm xử lý để đảm bảo an toàn.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện đơn vị đã đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) xem xét và sớm cho phép đầu tư đối với công trình xử lý các điểm sạt lở trên đèo. Còn đèo Prenn, dù mới hoàn thành nâng cấp, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024, nhưng cũng đã xảy ra sạt lở; 15 cây thông ba lá mọc trên vách đèo đã bị “khai tử” để loại bỏ khả năng ngã đổ xuống đường. Nguy cơ sạt lở vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới. Còn tại đèo Sacom, chính quyền địa phương đang cảnh báo nguy cơ sạt lở tại Km2 +720 (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).

 Bảng cảnh báo nguy cơ sạt lở trên đèo Sacom (đường dẫn vào khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng), vị trí từng nhiều lần xảy ra sạt lở. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Bảng cảnh báo nguy cơ sạt lở trên đèo Sacom (đường dẫn vào khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng), vị trí từng nhiều lần xảy ra sạt lở. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trong khi đó, quốc lộ 40B giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Nơi đây có tuyến đèo Măng Rơi (đoạn qua huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) với địa hình ngoằn ngoèo. Để giảm tải giao thông qua đèo, địa phương đã xây dựng tuyến đường tránh đèo Măng Rơi. Tuy nhiên, hiện đường tránh bị sạt lở nặng nề, đất đá tràn xuống đường. Phía taluy dương, những khối đất đá to đang chờ sạt trượt, đe dọa đè người đi đường. Nhiều tài xế không dám đi đường tránh vì sợ sạt lở, chấp nhận đi đường đèo quanh co.

Ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, cho biết, ngoài tuyến đường tránh đèo Măng Rơi, nhiều tuyến đường quan trọng, huyết mạch khác cũng dễ bị sạt trượt do mưa lớn, như đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk Glei; quốc lộ 24 qua huyện Kon Plông; Tỉnh lộ 673 qua huyện Đăk Glei; Tỉnh lộ 676 qua huyện Kon Plông; đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Ngọc Linh - Tu Mơ Rông nhánh 1 và nhánh 2. Nguyên nhân là do địa hình tỉnh Kon Tum có đồi núi cách trở, gặp mưa lớn kéo dài dễ gây nên sạt trượt.

Xuôi xuống Nam Trung bộ, chỉ sau cơn mưa đầu mùa cuối tháng 5 vừa qua, tuyến đường trọng điểm đi vào Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở do lũ cát đỏ từ đồi cao và các công trình xây dựng bất động sản trôi xuống, chôn vùi nhiều tài sản của người dân. Không chỉ đường bộ, đường sông, mà hầm đường sắt cũng bị sạt lở. Đó là hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và hầm đường sắt Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) lần lượt xảy ra sạt lở vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, khiến giao thông bị gián đoạn. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh và hầm Bãi Gió do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân địa chất 2 khu vực hầm này phức tạp, đất bở rời, cộng với mưa nhiều ngày dẫn đến dễ sạt lở khi có tác động thi công, gia cố hầm.

Công trình bị sạt lở nhiều năm vẫn chưa khắc phục

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết, trên địa bàn, một số công trình bị sạt lở từ năm 2018 nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để như Tỉnh lộ 678, đường 672, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút, ảnh hưởng đến việc đi lại, phát triển kinh tế địa phương. Theo Sở GTVT tỉnh Kon Tum, sở này cần khoảng 80 tỷ đồng để khắc phục triệt để các hư hỏng trên các tuyến đường đã bị sạt lở từ những năm trước.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-tay-nguyen-ung-pho-sat-lo-mua-mua-bao-bai-1-nom-nop-song-cuon-nui-de-post743885.html