Miền Trung: Ứng phó mưa lũ, sạt lở

Sau các đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, trên sông Mã (Thanh Hóa) và sông Lam (Nghệ An) xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, nhất là khi mưa lũ đang diễn ra. Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, mưa lũ đang khiến nhiều địa phương ngập nặng.

Nơm nớp lo sạt lở

Ghi nhận tại đê sông Lam đoạn qua xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An), tình trạng sạt lở kéo dài hàng km, đất nứt toác, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào đất canh tác của người dân, tiến gần chân cầu Yên Xuân mới và áp sát chân đê. Tại xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên), sông Lam cũng đang “liếm” nhiều diện tích đất, áp sát gần vào đê Tả Lam. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Long Xá, cho biết, sau đợt mưa lũ mấy ngày qua, tình trạng sạt lở sông Lam ngày càng nghiêm trọng.

Tại xóm 1, xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn), sạt lở bờ sông Lam cũng đang đe dọa trực tiếp đến an toàn của 10 hộ dân và nhiều diện tích đất đai, hoa màu. Ông Đặng Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn, cho biết, ngày 3 và 4-10, mưa lũ khiến nước sông Lam dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu khoảng 12m.

Trước tình hình này, huyện Anh Sơn và xã Lạng Sơn đã phải huy động máy móc tiến hành san gạt đất, hạ thấp điểm sạt lở, xử lý các vết nứt. Tuy nhiên, ngày 7 và 8 lại tiếp tục có mưa lớn khiến sạt lở lan rộng, lấn sâu. “Trước mắt, xã đang tiến hành dùng cọc tre để đóng xuống giữ đất, về lâu dài kiến nghị huyện làm báo cáo lên tỉnh để có phương án xử lý”, ông Thiện nói.

Trong khi đó, tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) người dân cũng đang “ăn không ngon ngủ không yên” vì sạt lở trên sông Mã. Do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, kết hợp việc thủy điện Trung Sơn xả lũ đã gây ra sạt lở mái bờ tả sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Hòa với chiều dài hơn 500m. Sạt lở ăn vào bờ từ 30-50m, vị trí mép sạt lở cách chân đê khoảng 100m, nhiều điểm gần khu dân cư phía ngoài đê.

Trước tình hình đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, huyện Vĩnh Lộc đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xin hỗ trợ 28,5 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp.

Di dời khẩn cấp dân vùng ngập lụt

Ngày 11-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lớn ở vùng đồng bằng, ven biển gây ngập lụt cục bộ từ 0,2-1,2m tại một số tuyến đường nội đô TP Huế và nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ thuộc các huyện thị vùng ven. Tại các vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền và Phong Điền, người dân phải dùng thuyền nhỏ đi lại trên đường ngập nước.

Rạng sáng 11-10, lực lượng chức năng phường Hương Văn, thị xã Hương Trà tiến hành di dời khẩn cấp 6 người dân vùng thấp trũng đến nơi trú ẩn an toàn. Một số tuyến đường ngập sâu nên UBND phường Hương Văn thông báo cho Trường Mầm non Hương Văn, Trường Tiểu học số 1 Hương Văn, Trường THCS Hồ Văn Tứ nghỉ học.

Chiều 11-10, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Trí Đồng cho biết, trước dự báo khu vực tỉnh Hà Tĩnh có ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã tiến hành chủ động xả tràn, hạ mực nước thượng lưu, tăng dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Việc xả tràn được nhà máy thông báo cập nhật thường xuyên cho chính quyền địa phương và ngành chức năng. Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết để có sự điều chỉnh lưu lượng xả qua tràn phù hợp.

Trong ngày 11-10, tại một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng tiếp tục tiến hành xả tràn để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ sắp tới, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Thời tiết trở xấu, nhiều vùng có mưa to

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, trong ngày 11-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to.

Dự báo, từ nay đến ngày 13-10, vùng mưa dông tập trung ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi sẽ có mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến ở Nghệ An khoảng 70-150mm, có nơi trên 250mm; Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 200-400mm, có nơi trên 500mm; Đà Nẵng và Quảng Nam 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Từ chiều 12 đến 13-10, vùng mưa ở Bắc Trung bộ lan sang đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa (có nơi mưa trên 120mm).

Trong các ngày 12 và 13-10, khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa dông về chiều và tối, cục bộ có mưa to.

Từ ngày 15 đến 18-10, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, đợt mưa này có nguy cơ cao gây lũ lụt, ngập úng ở khu vực Bắc Trung bộ.

Do đó, người dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… cần chủ động di chuyển đồ đạc, phương tiện lên cao; triển khai phương án bảo vệ lúa, hoa màu, thủy sản, gia súc… để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

Chiều 11-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng dự báo, sắp tới, lượng mưa ở Bắc Trung bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm tới 10%-30%; ở Tây Nguyên và Nam bộ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5%-15%. Không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường độ và tần suất xuất hiện ở phía Bắc nước ta. Trên Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

PHÚC VĂN

DUY CƯỜNG - VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-ung-pho-mua-lu-sat-lo-post709413.html