Miền xa không còn xa nữa
Ba bản Son - Bá - Mười (gọi chung là khu Cao Sơn) thuộc xã Lũng Cao (Bá Thước) đang viết nên câu chuyện 'chuyển mình' nhờ phát huy những giá trị vốn có để phát triển nông nghiệp sạch và du lịch cộng đồng.
![Cao Sơn với đồi núi, bản làng và những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_361_51449143/173a08ee3da0d4fe8db1.jpg)
Cao Sơn với đồi núi, bản làng và những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.
Khu Cao Sơn nằm trên các đỉnh núi Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có... chạy song song với dãy núi Pù Luông, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại. Do nằm ở độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển nên nơi này có một mùa đông lạnh thấu xương, nhiệt độ xuống dưới 10 độ. Thậm chí, có năm xuống dưới 0 độ, có tuyết, nhưng mùa xuân lại ấm áp, hoa đào bừng nở khắp đất trời. Sang hè tiết trời mát mẻ hiếm đâu có được, nhiệt độ chỉ khoảng 20 - 25 độ, ban ngày nắng nhiều, nhưng khi tắt nắng cái lạnh tỏa lan, sương giăng.
Khu Cao Sơn hiện có gần 200 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái. Đáng nói, đồng bào Thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị truyền thống từ trang phục đến điệu khặp Thái hay còn gọi hát tỏ tình quyến rũ. Nhiều văn bản chữ Thái cổ vẫn được người dân địa phương lưu giữ như một báu vật của bản. Trước đây, bà con coi thời tiết là trở ngại trong phát triển kinh tế, nhưng giờ đây kiểu thời tiết rất giống Sa Pa này cộng với những giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn của người Thái đang là “đặc sản” để thu hút khách du lịch tới nghỉ dưỡng và khám phá.
![Cao Sơn bình yên, người dân địa phương với nụ cười hồn hậu, mến khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_361_51449143/d0fbf52fc061293f7070.jpg)
Cao Sơn bình yên, người dân địa phương với nụ cười hồn hậu, mến khách.
Mặt khác, trước năm 2015 đường lên Cao Sơn dốc dựng đứng, nhiều cua tay áo. Cao Sơn ngày ấy đúng nghĩa như một ốc đảo trên cao bị cô lập với đặc sản “3 không”, không điện, không đường, không chợ, tỷ lệ đói nghèo lên đến 90%. Có lẽ vì thế mà từ thành phố lên điểm cao nhất của thôn Bá chỉ chừng 130km, nhưng cảm giác xa tít tắp.
Cuối năm 2016, tuyến đường vượt đỉnh Eo Mào đã được Nhà nước đầu tư hoàn thiện, mở ra cơ hội cho người dân Cao Sơn. Những ngôi nhà cũ kỹ, xập xệ nay đã có xe chở nguyên vật liệu lên để bà con dựng lại nhà, xây khu vệ sinh; các thương nhân dưới thị trấn và khắp nơi đã đưa xe tải lên tận nơi để thu mua nông sản. Các hộ dân từ chỗ chỉ biết nuôi, trồng để tự cung, tự cấp, giờ đã có sản phẩm bán lấy tiền mua xe máy và các nhu yếu phẩm. Tiềm năng đang được đánh thức, nhất là khi vùng đất này còn vẹn nguyên vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng, với những căn nhà sàn vách gỗ ẩn hiện trong sương sớm, những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng...
Đến năm 2021 điện lưới quốc gia được kéo về thôn Son, thôn Mười, và năm 2023 về thôn Bá, càng tạo cơ hội để người dân thay đổi cuộc sống.
Được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư homestay phục vụ khách du lịch trong nước lên nghỉ ngơi, lưu trú, ăn uống cũng như khám phá cảnh quan nơi đây. Cụ thể, bản Bá có homestay Cao Sơn - Làng Bá; bản Son có 5 homestays, nổi bật là Son - Bá - Mười Ecolodge thuộc Công ty CP Du lịch Son Bá Mười do anh Lê Thế Ngân làm chủ. Son - Bá - Mười Ecolodge có 12 phòng nghỉ khép kín, thường kín phòng vào ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
![Cây mướp đắng đã góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho bà con ở Cao Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_361_51449143/d916f8c2cd8c24d27d9d.jpg)
Cây mướp đắng đã góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho bà con ở Cao Sơn.
Cũng vì khí hậu lạnh mà các loại rau quả tại đây rất dễ trồng và ngon, đặc biệt phù hợp trồng các loại rau và cây dược liệu. Chủ tịch UBND xã Lũng Cao Lương Văn Thuân cho biết: Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.800ha, trong đó diện tích đất ở và sản xuất nông nghiệp hơn 1.000ha. Xã Lũng Cao có định hướng rõ ràng về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển trồng và liên kết tiêu thụ cây dược liệu như mướp đắng, tía tô, atiso, nhân sâm, hà thủ ô...
Với sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, dự án trồng mướp đắng để sản xuất dược liệu tại khu vực này đã góp phần tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho bà con nông dân địa phương. Chỉ tính riêng bản Son, tổng diện tích mướp đắng hiện được trồng khoảng hơn 2ha, với 30 hộ gia đình tham gia. Một năm 2 vụ, bà con có thể thu hoạch được khoảng 500kg hạt mướp đắng khô, giá bán khoảng 500.000 đồng/kg.
Vườn trồng dược liệu và các sản phẩm từ cây dược liệu không chỉ được doanh nghiệp thu mua để phục vụ trong y học mà còn phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, tại đây còn có các vườn rau xanh, cây ăn quả có thể được khai thác và sử dụng để phục vụ cho du lịch và thực phẩm. Riêng ở bản Son, hầu như nhà nào cũng trồng rải rác tía tô. Giám đốc Công ty CP Du lịch Son - Bá - Mười Lê Thế Ngân, cho biết: “Tía tô là loại cây bản địa dễ trồng, chi phí thấp. Với địa hình và khí hậu đặc biệt, tía tô trên đất Cao Sơn rất chất lượng, độ đậm đặc về tinh dầu cao. Từ nguồn nguyên liệu chất lượng này, chúng tôi đã cho ra đời các sản phẩm trà túi lọc tía tô, trà tía tô nguyên lá và bột tía tô. Riêng trà túi lọc tía tô bán ra thị trường hàng ngàn lọ/tháng”.
![Đường lên Cao Sơn hôm nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_361_51449143/620d41d974979dc9c486.jpg)
Đường lên Cao Sơn hôm nay.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh Ngân tập trung triển khai trồng tía tô. Hiện Công ty CP Du lịch Son - Bá - Mười đang có 5ha trồng tía tô năng suất bình quân đạt 1kg/m2. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn người dân địa phương trồng và thu mua tía tô cho bà con, mở ra cơ hội lớn cho người dân trong nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân của người dân tăng dần, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện.
Nhờ những người như anh Lê Thế Ngân nông nghiệp hữu cơ và du lịch cộng đồng đã, đang hình thành trên mảnh đất còn bộn bè khó khăn này. Để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho xã Lũng Cao nói chung, Son - Bá - Mười nói riêng, cũng mong có sự đầu tư lớn hơn từ các cấp, ngành trong việc phát triển hạ tầng giao thông; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Quan trọng nhất là việc quảng bá, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư phát triển về du lịch.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mien-xa-khong-con-xa-nua-35504.htm