Miền xanh xa thẳm
Tôi đưa Miền về trên con đường tắt qua quả núi lúp xúp những tàng mua thưa thớt và những phiến đá bạc màu. Núi đầy sương. Những đám cỏ sương đêm ướt đẫm. Trăng treo trên đỉnh đầu khi chúng tôi ngồi nghỉ bên phiến đá. Trong mùi cỏ xanh non, tóc Miền thơm mùi hoa dẻ. Ánh trăng hắt lên khuôn mặt Miền ửng đỏ. Tôi không nhìn Miền, chỉ nhìn vào khoảng tối phía trước, và mường tượng Miền đẹp như ánh trăng…
Bà già ngồi cuối chiếc giường cọt kẹt, thi thoảng lại ngó qua cửa sổ để canh đàn sẻ ri rỉa thóc. Tháng dăm lần, những đọn nếp nương được bà treo lên bờ rào nứa, vàng ươm cả một khoảng vườn, và khi ông mặt trời chuẩn bị ngụp lặn phía dãy núi cuối bản, bà lại lụi cụi đem chúng vào gian bếp đen ngầu bồ hóng để làm giống cho vụ sau. Mỗi lần như thế, đàn sẻ ri lại kéo về ríu ran trên nếp mái nhà bằng lá cọ, mặc cho bà già thi thoảng xì xì mấy tiếng từ phía trong gian chái. Đuổi chán, bà ngồi lầu bầu một mình, rồi ngó nghiêng, mắt hấp háy niềm vui khi thấy chúng rỉa lông cho nhau. Ở bản, người ta bảo bà già sống một mình nên gàn dở, chẳng thấy bà thương ai, cũng chẳng ai thương nổi bà. Tôi không để tâm về những điều người ta nói, bởi tôi biết bà thương tôi, hệt như cái cách bà thương đàn sẻ ri rỉa thóc… Tôi là cháu nội của bà.
Tháng Chạp tuổi 22, tôi trở về nhà khi con đường độc đạo vào bản bạt ngàn hoa dã quỳ mọc bên triền núi, chen lấn vào cả nương ngô đang mùa phơi bắp. Gió tháng Chạp hun hút từ đỉnh núi thổi xuyên rừng qua con đường vắt qua lưng chừng núi vào từng ngóc ngách trong bản, xuyên qua vách nhà sàn của nội. Tết đã lấp ló trên cây đào đầu ngõ e ấp những cánh đơn hồng. Bà ngồi co ro như con mèo hen nơi góc bếp tèm nhèm khói, cập rập mở cửa ngó xuống nhìn tôi, miệng lầu bầu: “Tưởng mày ăn tết ở thành phố luôn chứ…”. Tôi đi lên, ôm bà từ phía sau, cảm nhận như vòng tay mình rộng thêm dù bà đang khoác trên mình chiếc áo bông đã cũ. “Cháu ở lại thành phố để mấy con bé mắt xanh mỏ đỏ bắt mất cháu bà à”, tôi bảo. Bà đánh vào tay tôi: “Mày vẫn như con chồn đi hoang ấy, chả sớm thì muộn cũng có ngày bị bắt thôi con ạ. Mày học gì sao mà lâu thế. Mày đâu có thương bà già này, để tao một mình 4 năm nay rồi. Mày cũng đâu có thương con Miền, để nó chờ mày bao mùa ban nữa hả con…”.
*
Miền là gì của tôi? Đôi khi tôi nghĩ, Miền như một thứ của để dành, là một miền xanh xa thẳm, để nếu mệt mỏi hay thất bại, tôi sẽ trở về nơi đó, vùi đầu vào mê mải núi non trùng trùng điệp điệp, bơi lội trong những thanh ngọt mát lành để mà quên đi cuộc sống phố phường bon chen nhộn nhạo. Nhưng chưa một lần tôi làm được.
Ngày tôi sơ tuyển ở tỉnh về, Miền đến nhà ngồi cùng tôi bên bếp lửa. Lửa hắt lên khuôn mặt ửng hồng, đắm vào đôi mắt đẹp như tranh vẽ mà buồn khắc khoải của cô ấy. “Qua vòng sơ tuyển rồi, Nguyên mời tôi gì không”, Miền hỏi. Tôi với tay lấy hũ rượu của nội hỏi Miền: “Uống rượu nhé”. Miền gật đầu. Những chén rượu sóng sánh ánh lửa. Lửa bập bùng trong gian bếp khói trắng như sương. Lửa bẽn lẽn khi ánh mắt Miền và tôi va vào nhau. Lửa run rẩy khi tay tôi chạm phải tay Miền…
Tôi đưa Miền về trên con đường tắt qua quả núi lúp xúp những tàng mua thưa thớt và những phiến đá bạc màu. Núi đầy sương. Những đám cỏ sương đêm ướt đẫm. Trăng treo trên đỉnh đầu khi chúng tôi ngồi nghỉ bên phiến đá. Trong mùi cỏ xanh non, tóc Miền thơm mùi hoa dẻ. Ánh trăng hắt lên khuôn mặt Miền ửng đỏ. Tôi không nhìn Miền, chỉ nhìn vào khoảng tối phía trước, và mường tượng Miền đẹp như ánh trăng…
Hơi thở tôi gấp gáp, hơi rượu phảng phất lẫn trong mùi cỏ dại quấn lấy nhau. Những tưng tức của tuổi 18 dâng trào mãnh liệt như những quả bông muốn bật tung vỡ vụn giữa hư vô. Cơ thể tôi lướt qua những đám cỏ ẩm ướt, đi qua những bí mật, những si mê, và cuồng dại. Tôi nhẹ nhàng đi qua những triền sông, phiêu du qua những núi đồi… Rồi bất chợt tôi vùng dậy, để mặc Miền với đôi mắt vô hồn ngửa nhìn những ánh trăng...
Miền xốc áo đứng dậy trong im lặng, rồi chạy thật nhanh về phía chân đồi… Trong những thanh âm xạc xào từ phía rừng già vọng, tôi nghe thấy tiếng thở dài của đất, và cả tiếng nấc nghẹn ngào của gió, của sương. Miền không khóc khi tôi không chiếm hữu cô ấy, hoặc có thể, nước mắt cô ấy đã lặn thật sâu vào phía trong lòng…
Ngày tôi nhận được thông báo đỗ học viện từ tay ông bưu chính già ngoài trung tâm xã, Miền đến nhà, dúi vào tay tôi chiếc khăn thổ cẩm được dệt cẩn thận và thêu bông hoa ban màu trắng, giọng buồn buồn: “Nguyên đi học, nhớ về thăm nội…”. Tôi bảo: “Thi thoảng Miền qua thăm nội để nội đỡ buồn, tôi cũng yên tâm”. Miền gật đầu.
Miền lặng lẽ như cây bông tháng ba, cả một năm tích tụ hương khí núi đồi vào những quả bông lúc liểng, chỉ biết bung nở từng túm bông theo gió để đem đến cả một khoảng trời như rơi tuyết trắng. Cuộc đời Miền là sự cam chịu, 15 tuổi cam chịu bỏ học theo sự sắp đặt của người lớn để về đi rừng, 16 tuổi lặng lẽ yêu tôi mà chẳng cầu mong bất cứ sự đáp đền…
Đêm trước tôi đi Hà Nội để nhập học, Miền đến chơi, ngồi cùng nội trên chiếc giường cọt kẹt để sắp quần áo cho tôi, gương mặt buồn như suối mùa thu. Nội bảo, mày đi học, rồi sẽ đi làm, biền biệt như lũ rừng trôi ra sông ra suối, có con Miền thì tao đỡ khổ… Rồi nội bảo Miền: Thằng Nguyên đi học, con qua đây ở với nội, kệ nó, nó đi rồi khắc phải trở về… Tôi kéo nội vào phía trong gian bếp, nói thật nhỏ: “Không được đâu bà ạ, cháu không yêu cô ấy...”. Nội đánh vào tay tôi: “Yêu với chả đương. Xưa bố mày cũng vì yêu mà mới khổ thế đấy, giờ lại đến lượt mày…”.
Tôi biết, xưa bố tôi yêu người con gái đẹp như trăng tròn treo trên đỉnh núi. Nhưng bố không có vòng bạc, không có trâu để đi hỏi vợ. Khi người bố yêu bị đứa con trai giàu có ở bản Chiềng bắt đi theo cái tục của người Mông, bố chẳng có tiền chuộc về. Máu từ bàn tay bố chảy tràn trên vách gỗ. Nước mắt của người con gái ấy chảy suốt mấy mùa trăng… Nỗi buồn của bố chảy tràn đến ngày lấy mẹ, ứ đầy đến ngày bố mất sau một trận sốt rét rừng. Ngày đưa bố về phía bên kia núi, người con gái ấy dắt theo đứa con gái có đôi mắt tròn trong veo như bầu trời thu lãng đãng ở lại sau cùng để thắp hương cho bố. Đứa con gái ấy tên Miền…
*
Tất nhiên là Miền chẳng thể đến ở với nội khi tôi về thành phố học. Bố Miền đi trại do liên quan đến ma túy, ngôi nhà cũng bị chủ nợ dỡ đi. Mẹ con Miền tay trắng, về bản dựng tạm ngôi nhà để ở. Năm năm kể từ ngày tôi về thành phố, Miền vẫn đẹp miệt mài, và lòng Miền vẫn khép lại dù bao đêm trăng sáng, cánh trai bản lao vào choảng nhau ngoài cánh cổng khóa chặt mỗi khi mặt trời đỏ lựng sau ngọn núi hình cánh cung cuối bản.
Nội bảo, “Số con Miền sao mà khổ, tự dưng lại đâm đầu vào mày. Mày lấy mất phần hồn của nó. Con ma núi bắt mất phần hồn của nó. Giờ nó chẳng thể yêu ai…”. Tôi không muốn cãi nội. Có những điều nội không thể hiểu nên tốt hơn hết cũng không phải cố gắng để giải thích để rồi lại bị mắng. Cũng giống như nội bảo chẳng có gì liên quan đến nhau giữa việc bố Miền đi trại, và tôi học Trường Cảnh sát. Nhưng có một sự thật là tôi không thể yêu Miền.
Thời gian vùn vụt trôi như những cơn gió từ phía rừng già hắt về phía bản mỗi buổi chiều tà. Mười ba năm kể từ ngày tôi ra trường huyện để học nội trú, rồi về thành phố học, và đi làm, giờ nội như quả thông già cuối cùng còn sót lại, tưởng chừng một cơn gió trái mùa cũng có thể khiến nó lìa cành để về với đất.
Giờ mỗi lần tôi trở về, nội chẳng xuống cầu thang đón tôi, chỉ lật đật ngó qua cửa sổ, miệng phóm phém dỗi hờn: “Công việc của mày là những gì mà mày đi như con chó hoang thế hả con, chả biết cả đường về, để tao lủi thủi một mình thế này đến bao giờ”. Có lần nội bảo: “Hôm nọ có đứa ở bản nói vào tai tao là chả biết mày làm gì ở tỉnh, ở huyện mà trông như cái thằng xe ôm ấy, rồi có lần thấy mày vất vưởng ngoài chợ huyện nữa…”.
Tôi không cãi vì công việc của tôi như thế. Tội phạm ma túy càng mưu mô thì trinh sát càng phải ẩn mình. Công việc cứ thế cuốn tôi đi, khi vào vai phụ hồ, lúc theo cánh xe ôm, có chuyên án ròng rã cùng cánh sơn tràng cả tháng. Có lần nội thủ thỉ nói với tôi: “Nếu việc nhà nước cực quá thì về với nội. Về tắm ở dòng sông Nà Ka này, uống nước ở dòng suối Phiêng này, rồi mở mang làng bản, và đẻ cho làng cả một đàn con, đẻ cho đông đàn dài lũ, bao đời nay trai bản này chỉ cần có thế. Bao đứa con trai, con gái ở bản này theo nhau ra huyện, ra tỉnh, có đứa nào sung sướng trở về đâu. Như cái Miền, tao thấy sao mà khổ…”.
Ba năm nay, Miền hầu như tránh mặt mọi người trong bản. Con Miền đã lên năm, và không một ai trong bản biết cha của thằng bé ở đâu. Ngày tôi ra trường và về tỉnh, nội bảo,“Mẹ cái Miền mất rồi, nó cũng đi làm ngoài thành phố rồi Nguyên ạ. Mày làm ngoài đó, biết đâu chúng mày tìm thấy nhau”... Thành phố tôi ở cũng chỉ rộng như cái thung lũng Pà Kồ này, dài như dòng suối Phiêng này. Và tôi cũng cất công đi tìm. Nhưng tuyệt nhiên không thấy.
Ba năm sau, Miền bế con trở về bản, một thằng bé kháu khỉnh lên hai. Miền như ánh trăng ẩn mình trong những làn mây tối, hàng ngày, chân Miền giấu trong những đồi chè, tay Miền giấu trong những nương ngô, và mắt Miền như vầng trăng khép. Miền lầm lũi như con rùa mỗi buổi lên nương, sợ sệt như con mang lảng tránh người mỗi khi trở về. Cánh cửa nhà Miền khép chặt dù mấy lần tôi lách qua cánh cổng gỗ xanh rêu. Miền tránh mặt tôi. Và mỗi lần nghĩ về cô ấy, luôn có cái gì đó thảng hoặc chạy lên đỉnh đầu tôi. Vừa bứt rứt. Vừa hoài nghi. Và đau tức…
*
“Anh Nguyên” - cậu quản giáo gọi giật tôi lại khi tôi từ phòng hỏi cung bước ra rồi chạy đến thì thầm vào tai tôi: “Phạm nhân Mùa A Thà muốn gặp anh...”. Tôi gật đầu bước theo cậu quản giáo… Người phạm nhân ngồi so vai trên chiếc ghế băng dài, đôi mắt len lén chào tôi sợ sệt: “Cán bộ cho con hỏi, nhà cán bộ ở bản Pà Kồ phải không ạ?”. “Sao anh biết” - tôi hỏi lại. Người phạm nhân vẫn cúi gằm xuống đất: “Nhà con ở bản Chiềng…”.
Kỳ thực tôi không nhớ chi tiết ấy cho dù cách đây ba tháng, Mùa A Thà bị chúng tôi bắt quả tang khi cùng đồng bọn vận chuyển trái phép 300 bánh heroin để bán. “Anh muốn khai báo gì thêm sao?” - tôi hỏi, và Thà vẫn cúi xuống, di di đôi dép trên nền xi măng: “Con biết tội con đáng chết, và con cũng khai báo hết rồi. Giờ con chỉ xin cán bộ giúp con, chuyển bức thư này cho cô Miền ở bản Pà Kồ. Con cầu xin cán bộ…”. Thà ngước lên nhìn tôi, đôi mắt ngần ngận nước rồi đặt lá thư xuống bàn. Lá thư ướt đẫm. Tôi đứng bật dậy hỏi Thà: “Sao anh biết cô Miền?”…
Những bí mật về đêm trăng tuổi 23 của Miền cứ thế trồi ngược qua lời kể của Thà. Đêm trăng trên ngọn núi lúp xúp những tàng cây và những phiến đá bạc màu ấy, khi Thà trên đường trở về Chiềng qua con đường tắt sau khi uống rượu ở lễ hội Gầu Tào bên Pà Kồ, Thà gặp cô gái say mềm dựa bên phiến đá, cô gái có đôi mắt buồn khép hờ như vầng trăng khuyết sau những tán cây rừng.
Thời gian như ngừng trôi trong cơn mê đắm, trong tận cùng của những hoan ca. Thà thả trôi trong cơn say vần vũ. Những khát khao. Và dục vọng của thằng trai trẻ. Dạt dào như dòng thác lũ. Mê man như trúng bùa tà. Những bí mật, và sâu thẳm của đời con gái cứ thế trôi đi, như những quả bông gòn bật tung vụn vỡ giữa không trung đầy gió… Và khi Thà bỏ chạy về phía con dốc dài, trong cơn mê chưa dứt, người con gái gọi với theo: “Anh Nguyên, đừng đi nữa…”.
“Thôi, không kể nữa…”, tôi hét lên, và Thà co rúm lại, sợ sệt như con dơi trong ống bương trên mái nhà sàn bị phản chiếu ánh mặt trời từ mảnh gương vỡ của lũ trẻ con trong bản. Rồi bất chợt tôi đứng dậy, nắm chặt hai tay của Thà: “Vậy là… Thằng bé…??? ”. Thà khóc, những giọt nước mắt thẫm ướt nền xi măng trong buồng cung. Thà mong tôi giữ bí mật về đêm trăng đó, như anh ta đã giữ nó cho riêng mình suốt 5 năm nay. “Thế còn lá thư?... Để làm gì?”, tôi hỏi. Thà bảo, Thà muốn xin lỗi Miền. Đó là điều duy nhất anh ta có thể làm lúc này, bởi rất có thể, anh ấy không còn được trở về…
*
Suốt những ngày sau, những ý nghĩ về Miền, về cái đêm trăng trước ngày đi học, về Thà và lá thư Thà gửi, và về thằng bé cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Những suy nghĩ không đầu không cuối, những cảm xúc lẫn lộn không thể đọc tên. Cái hôm nghe Mùa A Thà kể lại, tôi đã muốn quát vào mặt gã rằng gã một thằng hèn hạ và đốn mạt, nhưng suy cho cùng, ở cái hoàn cảnh phần người thật dễ bị át mất bởi phần con đó, tôi cũng thật chẳng thể trách Thà…
Rõ ràng, chỉ có tôi không đủ can đảm để đưa ra lựa chọn, hoặc tôi đã quá ích kỷ với Miền khi tự cho rằng, cô ấy sẽ mãi là một miền xanh sẵn sàng chờ đón tôi trở về. Tôi không biết, nhưng công việc này đã lựa chọn tôi, và tôi thì không thể lựa chọn cho mình quá nhiều thứ cùng một lúc.
Tôi miên man nghĩ, giá như tôi rõ ràng với tình cảm của cô ấy, biết đâu Miền không trông đợi cũng như không đặt hy vọng nơi tôi và tìm được một bến bờ hạnh phúc như bao đứa con gái ở bản Pà Kồ. Tôi thấy có lỗi với Miền, với tình cảm của Miền, thứ tình cảm hoang sơ và rực cháy như những vạt dã quỳ mỗi độ cuối thu, vừa âm ỉ mà bền dai như sức sống của những ngọn chò cổ thụ trên đỉnh núi hình lưỡi hái…
*
Tháng ba, những vạt hoa dã quỳ dọc con đường vắt qua lưng chừng núi bắt đầu nhạt màu, nhường cho những cây bông gòn phía xa xa đang mùa bung nở. Những quả bông căng tròn cựa quậy, như những nhưng nhức của chàng trai tuổi 18 bắt đầu biết thèm thuồng bầu ngực căng tròn lấp ló trong những bộ váy áo hững hờ của những cô người mẫu trên những tờ lịch treo ở vách nhà sàn. Rồi khi những cơn gió từ rừng già thổi xuống, những quả bông bung nở, từng túm bông lắc lư bay theo gió. Khoảng trời trước sân của nội như rơi tuyết trắng. Những đọn nếp nương giờ miệt mài nằm trong gian bếp nhỏ của nội. Những hạt thóc ngả màu đen sẫm, như màu mắt của thằng bé giờ thi thoảng sang chơi với nội…
Tôi cùng Miền ngồi bên dòng suối Phiêng rì rào chảy, tay Miền thả những bông hoa mua đầu mùa lững lờ trôi. “Xưa mẹ tôi thích hoa mua, Miền biết không?” - tôi hỏi, và Miền khẽ gật đầu. Tôi nhìn sang Miền nói: “Trước khi mất, mẹ dặn tôi phải thương Miền, nhưng tôi không làm được, tôi xin lỗi…”. Miền vẫn nhìn xuống dòng suối: “Miền hiểu, và tôn trọng quyết định của Nguyên. Nguyên còn cả sự nghiệp phía trước, và hoàn cảnh của Miền nữa…”. Tôi bảo: “Giờ tôi đi miết, nội thì già rồi, Miền có thể chăm sóc nội giúp tôi được không?”. Miền quay sang hỏi: “Vì nội, hay vì Miền?”. Tôi bảo: “Vì cả Nguyên nữa…”. Miền không trả lời, chỉ thả những bông mua trắng hồng xuống dòng suối nhỏ. Những bông hoa lững lờ trôi…
Tôi trở về nhà, ôm nội từ phía sau: “Nội này, có chuyện này cháu muốn hỏi, cháu đưa hai mẹ con Miền về ở cùng nội, vậy có được không?”. Nội quay lại: “Mày đi chán đi chê, giờ mới cần đến nó hả Nguyên?”. “Không phải đâu nội. Giờ nội già rồi, có Miền, nội cũng đỡ buồn, và cháu cũng đỡ lo”. “Thế còn cái Phan người yêu mày, nó sẽ nghĩ sao?”. Tôi cười: “Nội đừng lo, Phan còn phải cảm ơn cô ấy vì đã chăm sóc nội cho cháu chứ”. Nội lại hỏi: “Thế còn thằng bé, mày tính sao?”.
Tôi không trả lời nội. Cũng như lá thư của Thà tôi không gửi cho Miền. Không biết đúng hay sai, nhưng tôi nghĩ, có lỗi với một người, có lỗi với quá khứ, để mang đến một tương lai tốt đẹp, như vậy vẫn hơn. Hãy cứ để thằng bé đến với Miền, đến với cuộc sống này như một thiên thần, và thiên thần thì không nhất thiết phải rõ ràng tất cả. Tôi tin, những trong veo của cuộc sống sẽ hàn vá tất cả những bụi bặm trần ai rơi xuống thân phận người. Và tương lai của thằng bé, cũng như dòng suối Phiêng ở thung lũng Pà Kồ này, khi hiền hòa, lúc hung tợn, nhưng đều miệt mài chảy về sông Nà Ka, và mở mang cho bản, cho làng bao miền xanh thăm thẳm.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/mien-xanh-xa-tham-i661222/