'Miếng bánh' logistics trong tay các doanh nghiệp nước ngoài: Các doanh nghiệp nói gì?

Tại phiên thảo luận 'Cơ hội cho ngành logistics sau đại dịch' trong khuôn khổ Hội thảo 'Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics' diễn ra sáng 28-4, tại Hà Nội, nhiều diễn giả đã chỉ ra rằng, thị trường logistics Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn hạn chế.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, hiện 90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp logistics lại hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau như vận tải, giao nhận, kho bãi...

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinafco cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL,4PL) tại Việt Nam còn hạn chế.

“Tỷ trọng các doanh nghiệp 3PL, 4PL mới chỉ chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trong ngành logistics. Tuy thế, “miếng bánh” này lại nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp nước ngoài”, bà Phạm Thị Lan Hương nói.

 Phiên thảo luận với chủ đề “Cơ hội cho ngành Logistics sau đại dịch" tại hội thảo.

Phiên thảo luận với chủ đề “Cơ hội cho ngành Logistics sau đại dịch" tại hội thảo.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc, Trưởng bộ phận Thương mại, Công ty SLP Việt Nam nhắc đến một hạn chế cho sự phát triển của logistics. Đó là Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhất là so với một số nước trong khu vực Thái Lan, Singapore chi phí logistics đã giảm, điều này tạo rào cản cho năng lực cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam dao động từ 20,9 - 25% GDP.

Đồng quan điểm này, ông Winkerbauer Lars, Cố vấn cấp cao của IPP Air Cargo đánh giá, cản trở lớn nhất của Việt Nam là chi phí cao, thuộc top cao nhất trên toàn cầu. Hơn nữa, hiện 80% thị trường logistics nằm trong tay công ty nước ngoài. Do đó, cần phát triển thị trường vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ mới.

Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, cả xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

 Đông đảo khách mời tham dự phiên thảo luận.

Đông đảo khách mời tham dự phiên thảo luận.

Đánh giá tích cực về cơ hội phát triển của ngành logistics, các diễn giả cho rằng, để nắm bắt cơ hội phát triển, cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics, như tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước...

Cùng đó, để bắt kịp xu thế thị trường, đạt mục tiêu phát triển ngành logistics, Việt Nam cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics lên.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh.

Mặt khác, Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp; kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị phát triển và vận hành logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động như đơn vị sản xuất, kho vận, vận chuyển; khuyến khích đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam…

QUỲNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/mieng-banh-logistics-trong-tay-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-cac-doanh-nghiep-noi-gi-692990