Miệt mài trên cánh đồng văn chương
Ba nữ nhà văn tên tuổi cùng học ở Trường viết văn Nguyễn Du cùng ra mắt sách là một dịp đặc biệt; đó là tập truyện Có thể có có thể không của nhà văn Y Ban, tập truyện Chuyện của những nhân vật có thật trên đời của Võ Thị Xuân Hà và tiểu thuyết Lạc lối của Thùy Dương. Đằng sau con chữ, là công việc sáng tác vô cùng nhọc nhằn, đòi hỏi sự dấn thân; trải nghiệm và sáng tạo miệt mài của người cầm bút.
Phóng viên có buổi trao đổi với Y Ban về công việc sáng tác và nghề.
Thưa chị, nền văn chương nước nhà lại một năm nữa trầm lắng; dường như ba nữ nhà văn tên tuổi ở miền Bắc cùng tổ chức chung sự kiện là để góp phần làm sôi động văn đàn?
Tôi cũng không biết có làm sôi động thêm được chút nào không? Nhưng cũng là một sự kiện để thông báo với bạn đọc rằng, chúng tôi vẫn viết, vẫn miệt mài cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa.
Được biết, ba chị cùng học một lớp (Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du), vậy các chị đã định hình phong cách riêng thế nào?
Câu này rất khó trả lời, có lẽ phải hỏi nhà nghiên cứu phê bình thì mới có câu trả lời xác đáng. Tôi là người viết, tôi chỉ quan tâm đến việc viết của mình. Chúng tôi là bạn bè nhưng là các nhà văn độc lập, có đọc tác phẩm của nhau, tuy ít khi nhận xét về tác phẩm của nhau, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau sáng tác, sáng tạo.
Theo chị, vì sao văn chương và cả lý luận phê bình lại ảm đạm, trong khi đó phim ảnh có vẻ đang thắng thế, đặc biệt là các phim về đề tài gia đình?
Thì văn chương nó vốn ảm đạm thế mà. Mỗi năm có hàng ngàn tác phẩm văn học được xuất bản nhưng thử hỏi đọng lại được mấy tác phẩm? Nền văn học của chúng ta, tính từ khi có chữ Quốc ngữ đến giờ, để lại được bao nhiêu tên tuổi? Gần đây thôi, tính từ năm 1986 đến nay cũng để lại được mấy tên tuổi? Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật đó để không ảo tưởng. Cái hình kim tự tháp đó, cái đế thì rộng, còn cái chóp thì nhọn hoắt đó thôi. Nhà văn nào cũng đầy tự tin về tài năng của mình nhưng phải để độc giả đánh giá về tác phẩm của họ. Một dân tộc gần 100 triệu dân mà mỗi một đầu sách văn chương in mỗi lần 1.000 bản mà vẫn ế ẩm, chưa kể các thi sĩ muốn in thơ thì chỉ có cách là bỏ tiền túi ra mà in. Phê bình văn học của chúng ta ư? Tôi đang tự hỏi xem có tác giả và tác phẩm phê bình nào gần đây có giá trị?
Vậy theo chị, các cây viết, các nhà văn hiện tại đang “cày cuốc” về đề tài gì mà như chị nói hàng năm có hàng ngàn tác phẩm được xuất bản nhưng các giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội đều gặp khó khăn khi tìm tác phẩm để trao giải?
Tôi nói thật nhà văn ta ít dày công trong sáng tạo, còn chưa kể đến việc thích cầm nhầm ý tưởng của người khác, nên cứ na ná giống nhau. Thì họ cứ viết vậy thôi, cái gì dễ thì viết.
Có nhà phê bình nêu ý kiến, ngày nay giới nhà văn trẻ không đọc của cánh nhà văn già và ngược lại, chị nghĩ sao?
Đây là việc rất đáng buồn. Nhà văn chúng ta chẳng ai đọc của ai, trẻ chẳng đọc của trẻ, già chẳng đọc của già. Điều này suy cho cùng đúng mà. Nếu không phải đọc để thẩm định hoặc đọc với tư cách ban giám khảo thì ai dại gì mà đọc cái tác phẩm không hay kia cơ chứ.
Chị tự đánh giá, mình mạnh ở thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn?
Cách đây hơn chục năm có một nhà văn đã nói với tôi: Y Ban ơi đã đến lúc bà nên nhường chiếu cho bọn trẻ rồi. Tôi bèn cười mà rằng: Ơ hay tôi có tranh chiếu của ai đâu nhỉ. Tôi luôn đi trên con đường riêng của tôi mà. Mà nói thật chiếu của tôi tuyền rắn rết, chông gai… có mời cũng chả ai dám ngồi lên.
Nói vui vậy thôi, còn nói nghiêm túc tôi có những thành tựu của tôi. Năm nay đúng 30 năm tôi rời trường Y để sau đó đi học viết văn. Cũng đúng 30 năm tác phẩm đầu tay của tôi ra mắt bạn đọc và có một cái tên là Y Ban xuất hiện trên văn đàn. Đến nay tôi đã xuất bản 4 tiểu thuyết, 3 truyện vừa và 16 tập truyện ngắn, 1 tập thơ. Trong gia tài của tôi còn hàng trăm truyện ngắn mi ni và 2 cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản. Tôi tự nhận mình là một người lao động văn chương miệt mài và dày công trong sáng tạo. Nhà văn chỉ cần anh không viết nữa là độc giả sẽ quên anh luôn. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, cả đời văn được vinh danh bởi một tác phẩm.
Tác phẩm của tôi được độc giả đón nhận, điều đó mới quan trọng. Trong thời kỳ văn chương ảm đạm như thế này, bỗng có một hôm nghe thấy mấy bạn trẻ, chưa từng quen, ngồi phía sau lưng trong quán cà phê đang nói với nhau về tác phẩm của mình. Bạn có hạnh phúc không? Tôi rất hạnh phúc và điều đó thôi thúc tôi sáng tạo. Tôi biết có nhiều người cứ loay hoay mãi để chọn con đường văn cho mình. Con đường đó rất quan trọng. Thành công hay không thành công chính là con đường mà nhà văn đã tìm thấy.
Tôi đã tìm ra con đường của tôi vì thế mà có một sự nhất quán trong việc sáng tác của tôi cho cả hai thể loại, truyện ngắn và tiểu thuyết. Thậm chí cả truyện ngắn mi ni và thơ nữa. Dù có khen chê thế nào thì các tác phẩm của tôi luôn mang đậm dấu ấn của tôi, nó không nhòe nhoẹt giữa một đám đông.
Sắp tới, chị có dự định ra mắt một tác phẩm “đình đám”?
Tôi hơi ngại với hai từ “đình đám”. Bởi đến hiện tại tôi đã dính mấy vụ đình đám rồi. Và tôi đã rút ra được bài học. Tôi có quan niệm thế này, nếu nhà văn thật sự rất tài năng thì anh ta sẽ vượt được qua các rào cản để cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm hoàn hảo một cách sòng phẳng. Nhưng hình như không phải thế, trên thế giới nhiều nhà văn rất tài năng đó thôi nhưng vẫn phải chờ đến khi chết rồi thì tác phẩm với được in ra hoặc được công nhận.
Điều có vẻ rất vô lý ấy nhưng nó vẫn tồn tại từ xưa đến nay với các nhà văn, ấy là, người ta luôn đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo ra cái mới, cái chưa ai sáng tạo ra. Rồi nhà văn sáng tạo ra cái mới ấy thì lại không được thừa nhận và có khi bị đập cho tơi bời. Vậy hãy cứ tin tôi đi, tất cả những tác phẩm đang được bày trên kệ kia không phải là tác phẩm tuyệt vời nhất đâu.
Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Y Ban!
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/miet-mai-tren-canh-dong-van-chuong-91076.html