Minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền
Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền, làm rõ điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
Tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Sáng 05/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo, phát triển.
Dự thảo Luật xác định, việc phân cấp thực hiện theo nguyên tắc: Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và về kết quả thực hiện các nội dung được phân cấp; Cơ quan phân cấp có trách nhiệm bảo đảm đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết khi quyết định phân cấp; Cơ quan được phân cấp có quyền báo cáo về điều kiện, nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định; Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc xác định nguyên tắc này trong Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, để thể hiện rõ việc Chính phủ thống nhất quản lý đối với các ngành, lĩnh vực nhưng không hạn chế tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành tinh thần phân cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để "tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ".
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung nguyên tắc phân cấp, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Ông Tùng cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng, khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đảm bảo đồng bộ, khả thi
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm, khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ thì Quốc hội nên phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định về phân cấp, phân quyền ở Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)...
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền cũng là nội dung rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bám sát chỉ đạo của cấp thẩm quyền.
"Các nguyên tắc cơ bản quy định rõ quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan hành pháp, tư pháp, đảm bảo đúng vai, thuộc bài; tính toán, xử lý các nội dung giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần đề cập là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành.
"Trong đầu tư công, tới đây, Quốc hội sẽ không quản lý danh mục đầu tư, số vốn thực hiện mà giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về địa phương, không còn cơ chế xin - cho. Do đó, cần thực hiện minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền, cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) phải bảo đảm thông suốt, đồng bộ” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Về điều kiện phân cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, làm rõ điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định nguyên tắc "trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm", và cần bổ sung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh tới đây cấp xã rất mạnh khi nhiều đơn vị cấp trung gian ở huyện không còn.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, cần làm rõ khái niệm về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, cơ chế vận hành trong Dự án Luật để đảm bảo khi vận hành được thuận lợi.
Về vấn đề có phân cấp tiếp hay không, chúng tôi đồng tình theo hướng đề xuất của Ủy ban Pháp luật là không nên quy định phân cấp tiếp. Vì, hiện nay chúng ta đang thực hiện phân cấp triệt để, những gì mình thấy cấp dưới có thể thực hiện được thì tổ chức phân cấp trực tiếp cho cấp đó, không nên đã phân cấp rồi lại phân cấp tiếp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, tăng cường phân cấp là định hướng rất đúng, song tính khả thi của việc phân cấp như thế nào thì cần nghiên cứu thêm.
“Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc tổ chức thực hiện. Nhưng việc bố trí các điều kiện cần thiết cho cơ quan được phân cấp đấy đã đủ để người ta đáp ứng được các yêu cầu hay chưa. Vì, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương rất khác nhau, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi các công việc ở các địa phương vùng, miền cũng khác nhau” - ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ quan điểm, phân cấp trong Luật này thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng phải thống nhất, bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về thủ tục hành chính và trình tự, thủ tục giải quyết công việc; làm rõ trách nhiệm của cấp trên và cấp dưới trong phân cấp, phân cấp gắn với bảo đảm điều kiện, nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện kết quả, thực hiện nhiệm vụ và không phân cấp tiếp.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/minh-bach-cong-khai-trong-phan-cap-uy-quyen-37995.html