Minh bạch, công khai về phân cấp, ủy quyền
Các quy định liên quan đến phân cấp, ủy quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là nội dung quan trọng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 5.2. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần quy định minh bạch, công khai về việc phân cấp, ủy quyền, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa hai dự luật này.
Thể chế hóa kịp thời các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo, phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tại dự thảo Luật đã có các quy định phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc phân cấp mạnh hơn cho Chính phủ, phân cấp tối đa cho Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ chủ động quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục tổ chức hoạt động của Chính phủ, phân cấp mạnh mẽ và hợp lý giữa trung ương và địa phương.
Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho là đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa kịp thời các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, các cơ quan cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối Hiến pháp.
Làm rõ trách nhiệm của cấp trên và cấp dưới
Các quy định liên quan đến phân cấp, ủy quyền là một nội dung quan trọng và nhận được sự quan tâm của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đáng chú ý là khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định nguyên tắc phân cấp theo hướng “cơ quan, tổ chức, người được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Liên quan phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tới đây Quốc hội sẽ không quản lý danh mục dự án đầu tư và danh mục tiền trong lĩnh vực đầu tư công mà giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương, không còn cơ chế xin - cho. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần quy định minh bạch, công khai về việc phân cấp, ủy quyền, cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ hơn yêu cầu, điều kiện đáp ứng của nơi được phân cấp để bảo đảm sự khả thi khi thực hiện, tránh đùn đẩy trách nhiệm. “Cùng một luật, một nghị định, thông tư nhưng tại sao có những địa phương làm hết sức quyết liệt, không nói khó nhưng cũng có những địa phương phản ánh là do luật, do nghị định, thông tư?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Đối với nguyên tắc chịu trách nhiệm hoàn toàn khi được phân cấp, phân quyền được quy định tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần được xác định rõ theo nguyên tắc “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm”, cũng như bổ sung tại Điều 19 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và tăng tính chủ động của cơ quan được phân cấp.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, sửa đổi các quy định để tăng cường phân cấp tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là rất đúng, song tính khả thi của việc phân cấp như thế cần được nghiên cứu thêm. Bởi, cơ quan được phân cấp sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc tổ chức thực hiện nên cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí này đã đủ để đáp ứng được các yêu cầu hay chưa. Hơn nữa, các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng còn rất khác nhau, đội ngũ cán bộ, công chức ở các địa phương, vùng, miền cũng còn có sự chênh lệch.
Tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định về các điều kiện phân cấp như tài chính, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, kinh nghiệm quản lý… trong văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện phân cấp, tương tự như quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), làm cơ sở để xác định, đánh giá cơ quan phân cấp bảo đảm các điều kiện phân cấp theo quy định; giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục phân cấp, ủy quyền để chặt chẽ về pháp lý.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về nội dung phân cấp và ủy quyền trong hệ thống hành chính, các từ ngữ, thuật ngữ, thực hiện đúng quy định của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định về phân cấp trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sử đổi) phải thống nhất, bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về thủ tục hành chính và trình tự, thủ tục giải quyết công việc. Làm rõ trách nhiệm của cấp trên và cấp dưới trong phân cấp, phân cấp gắn với bảo đảm điều kiện, nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện kết quả, thực hiện nhiệm vụ và không phân cấp tiếp. Đồng thời, thể hiện từ ngữ để làm rõ hơn cơ chế vận hành để bảo đảm thực hiện việc phân cấp này thông suốt, thuận lợi, khả thi.