Minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp

Các ĐBQH cho rằng, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp sẽ giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng 'chủ sở hữu thực sự' ẩn sau nhiều lớp giấy phép.

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

Cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia khoa học, công nghệ

Thảo luận tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, các ĐBQH đều nhất trí với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp như đã nêu tại Tờ trình số 286/TTr-CP.

Việc khẩn trương có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ, khắc phục “điểm nghẽn” về thể chế, trong đó, “tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp” sẽ giúp phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tổ chiều 10/5. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tổ chiều 10/5. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để thể chế hóa các nội dung quan trọng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, cần thiết kế các quy định để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia tối đa vào những hoạt động này, nhất là hoạt động chuyển đổi số, qua đó tăng năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các thách thức mới và bảo đảm tính thích ứng với những yêu cầu của kỷ nguyên mới.

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh “Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giống như luật gốc, là đường cao tốc để khơi thông mọi nguồn lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp cần phấn đấu để nối vào đường cao tốc đó, khơi thông nguồn lực và tạo động lực cho tăng trưởng mới.

"Đặc biệt là tạo điều kiện để thực hiện vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp lớn sẽ tạo động lực và dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nên các mức tăng trưởng đột phá dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của nước ta".

Dẫn ra một số quy định liên quan tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương nghiên cứu sớm thể chế hóa các chủ trương tại Nghị quyết số 68 nhằm thúc đẩy lực lượng kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; truyền cảm hứng cho mọi đối tượng trong xã hội tham gia và hoạt động kinh tế tư nhân một cách khẩn trương, trong đó có một số lực lượng cán bộ, công chức vừa rời khu vực công để tham gia khu vực kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, nghiên cứu thể chế hóa chủ trương “doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế và thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm với mức phí hợp lý được nêu ở Nghị quyết số 68.

Các đại biểu cũng tán thành với việc dự thảo Luật sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Các trường hợp cụ thể trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp là nội hàm chính sách của dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

“Việc nhắc lại quy định tại Luật Doanh nghiệp vừa không cần thiết, vừa tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm đồng bộ giữa các dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín”, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu quan điểm.

Giúp tránh tình trạng “chủ thực sự” ẩn sau nhiều lớp giấy phép

Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021 - 2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 15 nội dung (sửa đổi 6 nội dung, bổ sung 9 nội dung) về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) tán thành với quy định trên, đặc biệt là quy định giải thích khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”. Bởi, thiếu quy định về chủ sở hữu hưởng lợi khiến doanh nghiệp trở thành công cụ che chắn cho các giao dịch mờ ám, gây bất ổn cho thị trường và giảm uy tín pháp lý của Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh:Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh:Hồ Long

Việc dự thảo Luật quy định chủ sở hữu hưởng lợi sẽ giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp.

Khi các cổ đông thật sự, người hưởng lợi chính được kê khai rõ ràng, mọi bên liên quan (cổ đông nhỏ, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý) đều biết ai là người quyết định cuối cùng, tránh tình trạng “chủ thực sự” ẩn sau nhiều lớp giấy phép hay người đại diện.

Nhờ vậy, việc kê khai thuế, phân chia lợi nhuận và bầu cử nhân sự quản trị diễn ra minh bạch hơn. Theo nhận xét của chuyên gia, đưa chủ sở hữu hưởng lợi vào Luật Doanh nghiệp sẽ “giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu, ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư quốc tế”.

Ở góc độ quản trị, theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, khi thông tin về người kiểm soát doanh nghiệp được công bố, trách nhiệm của người đại diện pháp luật và ban lãnh đạo công ty được tăng cường. Đây cũng là cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết: yêu cầu minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi nhằm bảo vệ sự liêm chính trong quản trị doanh nghiệp và thị trường tài chính.

Đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi vào cả các luật liên quan. Đối với dự thảo Luật, nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu; bổ sung chế tài xử lý nghiêm trường hợp kê khai sai lệch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi…

Về mặt kỹ thuật, theo đại biểu, cần sửa khoản 37 Điều 4 như sau: “Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo pháp luật về quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.”, để thống nhất với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín này.

Tại khoản 36, Điều 1 của dự thảo Luật quy định rõ 7 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp gồm: tạm ngừng kinh doanh; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, chia, hợp nhất, sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại; đang hoạt động.

Từ theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung quy định bao quát tất cả các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp ở nước ta.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Hơn nữa, đối chiếu với các điều khoản tiếp theo của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy, chỉ có một vài tình trạng pháp lý có liên quan đến các điều khoản khác, không rõ mục đích của bổ sung quy định về 7 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp tại dự thảo Luật.

Trong đó, điểm c, khoản 36, Điều 1 quy định tình trạng pháp lý “bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế” là chưa thực sự hợp lý. Bởi, có thể tạo ra cách hiểu chỉ khi doanh nghiệp bị cưỡng chế về quản lý thuế mới bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không thể tiếp tục hoạt động được nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp còn nhiều dạng vi phạm khác và ở nhiều lĩnh vực trong thực tế.

Với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, cần thay đổi tư duy, không nên xây dựng nội dung của dự thảo Luật theo tư duy của cơ quan quản lý, chỉ tập trung ngăn chặn thất thoát, hành vi sai trái. Thay vào đó hãy nghĩ chúng ta là một phần của đối tượng quản lý. “Thay đổi tư duy quản lý thì chắc chắn quy định pháp luật sẽ khác, nhân văn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục vi phạm”, đại biểu nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/minh-bach-hoa-cau-truc-so-huu-va-dieu-hanh-doanh-nghiep-10371999.html