Minh bạch nguồn gốc giúp hải sản Na Uy thâm nhập thị trường Việt Nam
Nghiên cứu mới đây của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) cho thấy, 84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.
Trong nửa đầu năm 2024, Na Uy ghi nhận mức tăng 13% về khối lượng và 12% về giá trị xuất khẩu hải sản sang Việt Nam, đạt 32.744 tấn với trị giá 1,3 tỷ NOK (tương đương 120 triệu USD).
Những con số này khẳng định vị thế của Việt Nam là thị trường quan trọng đối với hải sản Na Uy, trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở các thị trường quốc tế khác.
Điều này cũng cho thấy nhu cầu ngày càng cao về tính minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng Việt, góp phần khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc thúc đẩy xu hướng thay đổi mạnh mẽ của ngành hải sản toàn cầu.
Ngoài nhu cầu minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, tính bền vững cũng nổi lên như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam, khi nghiên cứu mới đây của NSC chỉ ra: 82,2% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc bền vững.
Khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhu cầu về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng càng trở nên cấp bách. Để thích ứng với xu hướng này, ngành hải sản Việt Nam đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, cải thiện các tác động tới môi trường, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng và tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á của NSC Ashild Nakken chia sẻ, chuyển đổi số giúp đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với nguồn hải sản chất lượng cao, bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường hải sản toàn cầu.
Các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số này, tận dụng công nghệ để gia tăng năng suất và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các ứng dụng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích hành vi người tiêu dùng, dự đoán nhu cầu và tinh giản việc quản lý hàng tồn kho. Điều này cho phép các nhà bán lẻ tối ưu hóa quy trình cung cấp sản phẩm và cá nhân hóa dịch vụ.
Giải thích tiềm năng của việc sử dụng mã QR, Giám đốc Liên đoàn các Công ty sản xuất và Nhà máy chế biến hải sản Na Uy Kjetil Hestad nhấn mạnh: việc thay thế mã vạch truyền thống bằng mã QR mở ra một cơ hội to lớn để cung cấp cho người tiêu dùng mọi thông tin chi tiết về sản phẩm hải sản, từ nơi xuất xứ (quốc gia, hoặc thậm chí là khu vực cụ thể), nguồn thức ăn trong quá trình nuôi dưỡng và cả cách chế biến.
Tuy nhiên, ông Hestad cũng cho rằng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác triệt để. Thách thức hiện nay là nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được giá trị những thông tin mà mã QR mang lại, mặc dù đó có thể chính xác là những gì họ quan tâm.
“Hướng dẫn cho người tiêu dùng là rất quan trọng và cần được triển khai rộng rãi ở cả cấp độ doanh nghiệp và tổ chức. Chỉ khi người tiêu dùng hiểu rõ về mã QR thì họ mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả” - ông Hestad bày tỏ quan điểm.