Mình thương nhau đi

Phút giây gặp nhau, chàng trai vội vàng ôm lấy cô gái, nước mắt như muốn trào ra.

Có lần Duy bảo Tuấn đã phí hoài tuổi trẻ của mình cho những tháng ngày vô định nhất. Bảy năm nơi đất nước xa lạ này, Tuấn tìm cho mình những gì? Tuấn chẳng biết. Cũng chẳng thể trả lời câu hỏi của Duy.

Thỉnh thoảng trong những chuyến dẫn tour, hai đứa lại hội ngộ cùng nhau chung một đoàn. Duy vẫn thường nói, cái nghề càng dẫn mình đi xa, qua bao miền lạ, thấy bao cảnh đẹp, học bao điều hay, nhưng sau tất thảy những thứ đó, Duy lại càng muốn quay về, càng thêm thương mái ấm gia đình mà mình đã chắt chiu tạo dựng.

Duy không như Tuấn, Duy sống vì những mục tiêu rõ ràng từ khi bắt đầu biết số phận trao cho mình một trách nhiệm phải gánh vác gia đình. Những đồng tiền anh kiếm được sau những tháng ngày bôn ba cùng các đoàn khách, Duy dành trọn cho việc chăm lo ba mẹ, cho ước mơ của cô em gái đang du học bên Nhật.

[…]

Tây Môn Đinh sôi động, rực rỡ đèn màu, vang dậy những khúc ca Giáng Sinh đầy rộn ràng. Nhiệt độ ngoài trời là mười lăm độ. Từng dòng người điểm trang lên mình chiếc áo khoác xinh xắn, áo len áo ấm với đủ thể loại kiểu dáng, sắc màu. Những đôi bốt cao sải dài trên phố. Tất cả háo hức cho một đêm hồng ân ngập tràn hạnh phúc.

Đúng thời khắc thiêng liêng này, tại Hồng Lâu, sẽ réo rắt bài thánh ca chúc mừng điều tốt lành cho mọi người. Cũng thời khắc ấy, những đôi lứa yêu nhau, sẽ nắm tay, cùng nguyện ước cho một tình yêu vững bền, trăm năm chung một đoạn đường.

Nhàn chẳng chờ đợi cái khắc giây ấy, vì suy cho cùng, từ lâu, khi đặt bước chân đến với nơi này, gá thân mình cho một cuộc lương duyên, cô hiểu rõ, con tim mình đã gởi lại bên dòng sông Vàm Cỏ. Nơi đó, mối tình xanh tươi của một thuở thiếu thời cũng như đám lục bình, miên di theo dòng nước cuốn mà thôi. Đâu phải yêu nhau là đến được với nhau.

 Sách Mình gọi nhau là cưng. Ảnh: Q.M.

Sách Mình gọi nhau là cưng. Ảnh: Q.M.

[…]

- Tao gặp Nhàn ở Huaxi, hồi tuần trước.

Tuấn ngẩng người nhìn Duy. Gương mặt thanh tú, với đôi mắt to và hàng mi rợp bỗng chốc thoáng nét đượm buồn man mác. Tuấn ngó lãng sang bên đường. Cố làm ra vẻ thờ ơ, nhưng kỳ thực là vẫn đang rất chú tâm vào lời Duy nói.

“Nhàn giờ đang làm lễ tân cho một cái khách sạn ở giữa khu phố Huaxi. Hồi Nhàn lấy chồng sang là ở Cao Hùng. Nhà chồng có quán bán gà viên, nên cũng cực lắm. Đâu chừng ba năm trời, Nhàn hổng có con. Bên chồng cũng không ưng lòng. Họ ly dị. Cũng may, hồi đó họ chịu cho Nhàn lấy cái quốc tịch.

Một mình khăn gói từ Cao Hùng lên đây tá túc nhờ mấy người lao động Việt Nam. Rồi dần dà phụ bán chợ đêm. Cũng nhờ vốn tiếng Hoa khá với lại nhiều đoàn du lịch Việt Nam sang đây, nên mới xin được chân lễ tân ở khách sạn. Nhàn nhìn vẫn vậy, vẫn cứ mỏng manh và hiền khô. Nói tiếng trước tiếng sau nước mắt lại chảy dài. Có cái số điện thoại nè. Mày rảnh thì liên lạc hen.

Mà đời con người ta nghĩ ngộ quá trời, giữa xô bồ kẻ lạ người xa nơi đất khách, nếu còn có cái duyên, ắt sẽ lại tương phùng. À, Nhàn có hỏi về mày. Mà tao đâu trả lời. Tao cũng đưa số điện thoại của mày, rồi nói, bao năm trời hổng biết mày tìm gì ở Đài Loan này, mà cứ ở miết nơi đây. Kể từ hồi Nhàn bỏ quê mà đi. Hình như Nhàn khóc.

[…]

Duy vỗ nhẹ vai Tuấn, rồi cầm cây cờ tím, kéo cao lên, len lỏi giữa dòng người nhắm thẳng cổng khu phố đêm mà nhẹ bước. Tuấn nghe tiếng điện thoại reo, một dòng tin nhắn từ Duy, số điện thoại của Nhàn.

Tuấn nhìn theo dáng thằng bạn giữa đêm lạnh the thắt. Ngoài kia, thiên hạ vẫn náo nhiệt đợi chờ một đêm tưng bừng cho nhiều nguyện ước đong đầy hạnh phúc. Nơi này, Tuấn vẫn lẳng lặng lòng mình với cơn gió chênh chao khẽ luồn năm ngón tay bơ vơ.

Tuấn nghe sống mũi mình cay xè. Hồi ấy, khi cả hai vừa cầm trên tay tấm giấy báo đậu Đại học, với nhiều mơ ước cho một chặng đường chung đôi, thì Nhàn rẽ lối theo mai mối của miệt quê rần rần cuộc đổi đời.

Nhàn là chị lớn, phía sau còn những bốn đứa em nheo nhóc, căn nhà tềnh toàng cùng bà mẹ sớm hôm tảo tần vẫn chưa chạy đủ miếng ăn. Ba Nhàn mất từ sớm. Vậy nên, mọi gánh nặng Nhàn đeo mang trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Tuấn chẳng thể làm gì khi ấy. Bởi một lẽ đơn giản, thằng con trai mười tám tuổi đầu, lấy đâu ra ba trăm triệu như người ta mà giành lại tình yêu đầu đời.

Trước hôm Nhàn cưới, hai đứa ra triền sông, tàn một mùa bông so đũa trắng con nước ròng. Nhàn khóc. Lời xin lỗi muộn mằn khi tất cả mọi chuyện người lớn đã gật đầu chấp nhận.

Đến cả cái nắm tay cuối cùng Nhàn cũng lừng khừng. Níu kéo chi thêm, làm vậy khéo lại nặng lòng cho kẻ ở người đi.

Đó là một buổi chiều mãi mãi chẳng thể quên trong cuộc đời Tuấn. Cho đến tận bây giờ, ngồi đây nhớ lại, Tuấn vẫn thấy lòng mình như ai cào ai xé, ruột gan cứ bừng bừng một nỗi lo âu đan lẫn thương xót.

Là xót cho một quãng đời nhọc nhằn của người con gái mà mình trọn lòng nâng niu. Là thương cho cái phận đời long đong của người con gái đã từng là cả một trời tin yêu trong mình.

Là thương... thương hơn cả phận mình.

Bất giác, đôi bàn tay Tuấn lần mở điện thoại, ánh mắt nhìn vào dãy số vừa nhận.

Tây Môn Đinh, giữa đêm Giáng Sinh ồn ào náo nhiệt, dập dìu tấp nập, người ta thấy một chàng trai dáo dác cầm chiếc điện thoại, rẽ lối người qua kẻ lại, từ đầu cổng, chạy hướng về Hồng Lâu. Ánh mắt cương nghị, thẳng tiến tới băng ghế đá đối diện. Phút giây họ gặp nhau, chàng trai vội vàng ôm chầm cô gái. Nước mắt chực trào.

Thời khắc ấy, Hồng Lâu rộn rã tiếng nhạc báo hiệu đêm hồng ân bắt đầu. Những tiếng vỗ tay vang rền khắp con phố. Gió lạnh căm. Mười lăm độ ngoài trời.

Nhưng trong con tim của hai kẻ yêu nhau đang tìm về bên nhau, thì lại ấm áp vô cùng. Lẫn trong tiếng người trên phố rào rạo lời chúc mừng. Lẫn trong cơn gió lào xào qua từng ngọn tóc rối. Lẫn trong cái hôn dài ngắt tưởng chừng như ngưng động thời gian. Là lời khẽ khàng: Mình thương nhau đi!

Trúc Thiên / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/minh-thuong-nhau-di-post1167926.html