Mirae Asset Việt Nam: Sẽ có lực cầu lớn nếu VN-Index về vùng định giá hấp dẫn 1.050 - 1.150 điểm
Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá hấp dẫn của VN-Index trong khoảng từ 1.050 điểm đến 1.150 điểm, tương ứng với mức định giá hấp dẫn so sánh với P/E bình quân 10 năm.
Điểm mặt các rủi ro từ “cơn gió ngược” toàn cầu
Thị trường chứng khoán kết thúc tháng 7 với nhiều biến động, trong đó, VN-Index đánh rơi toàn bộ thành quả tích lũy ở tuần giao dịch đầu tiên với chuỗi giảm điểm kéo dài 3 tuần liên tiếp và đóng cửa ở mức 1.251,51 điểm, tăng nhẹ 6,2 điểm so với tháng trước. Trong đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 dù rất tích cực nhưng chưa thể cải thiện tâm lý giao dịch chung.
Theo báo cáo chiến lược tháng 8 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), sau ba phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, thị trường Việt Nam đón nhận các đợt gió ngược trên thị trường thế giới gây nên hiện tượng biển “đỏ” lan rộng đến gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu. Trong đó, VN-Index giảm gần 50 điểm (-3,92%) trong ngày 5/8. MASVN cho rằng diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Những yếu tố kém khả quan và rủi ro nhà đầu tư cần theo dõi trong thời gian tới được MASVN chỉ ra gồm việc thị trường lao động suy yếu tại Mỹ có khả năng sẽ khiến Fed phải hành động nhanh hơn cùng với các đợt cắt lãi suất có quy mô lớn và liên tục.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ dần hạ nhiệt tại Mỹ khi nhà đầu tư lo sợ rằng thị trường sẽ bước qua giai đoạn tương tự với sự kiện bong bóng Dotcom ở năm 2000. Khi đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo dù sở hữu rất nhiều tiềm năng song đi kèm với chi phí đầu tư rất lớn nhưng khả năng sinh ra lợi nhuận ở hiện tại vẫn còn là một ẩn số trong khi các công ty công nghệ vẫn đang tăng tốc trong quá trình cắt giảm chi phí thông qua tối ưu nguồn nhân lực.
Cùng đó, bất đối xứng trong chính sách tiền tệ có khả năng sẽ khiến Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ. Fed đã giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản từ 60 tỷ USD về 25 tỷ USD mỗi tháng trong khi có khả năng rằng Fed sẽ buộc phải cắt lãi suất sớm và theo sát với diễn biến thị trường khi rủi ro suy thoái dần hiện hữu. Điều này dẫn đến tình trạng bất đối xứng trong chính sách tiền tệ.
Nhật Bản bước ra khỏi giai đoạn tiền rẻ và chính sách lãi suất âm, làm gia tăng nhu cầu nắm giữ đối với đồng yên Nhật tăng cao trong thời gian qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ giá USD/JPY giảm hơn 12% trong hai tháng gần nhất kể từ mức đỉnh lịch sử.
Ngoài ra, rủi ro xung đột tại khu vực Trung Đông cùng với cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm kéo dài thời gian phục hồi của giao thương toàn cầu. Trong bối cảnh cả hai quốc gia này đều đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam nhưng cũng đều đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, MASVN cho rằng điều này có khả năng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai.
Kỳ vọng chuyển động tích cực yếu tố vĩ mô trong nước
Rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ cũng tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam. Theo chuyên gia phân tích từ MASVN, kỳ vọng vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và xu hướng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm.
Diễn biến thị trường chứng khoán tháng 7 đã “hạ nhiệt” khi thiếu vắng các câu chuyện mới. Bức tranh kết quả kinh doanh quý II dù tăng trưởng tốt từ mức nền thấp cùng kỳ nhưng chưa thể cải thiện tâm lý giao dịch chung. Theo tính toán của công ty chứng khoán này, tổng lợi nhuận sau thuế và lợi ích thiểu số của các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng trong quý II, tăng 16,1% so với cùng kỳ và cao hơn 5,1% so với quý liền trước.
Đánh giá về một số yếu tố vĩ mô, MASVN cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ghi nhận nhiều điểm tích cực như việc Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn FDI, xuất khẩu mở rộng đà tăng trưởng trong tháng 7. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì đà hồi phục trong tháng 7 (+11,2%) và 7 tháng đầu năm (+8,5%). Cùng đó, PMI S&P Global sản xuất Việt Nam đạt 54,7 điểm vào tháng 7, cho thấy sức khỏe của ngành này đã cải thiện trong bốn tháng liên tiếp. Ngoài ra, các đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng, thúc đẩy hoạt động mua hàng và việc làm tăng. Do đó, MASVN kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, nhờ xuất khẩu tiếp tục cải thiện, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong 7 tháng đầu năm.
Cùng đó, đầu tư công sẽ được thúc đẩy trong những tháng tới. Với Kế hoạch đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2024 là 669,26 nghìn tỷ đồng, trong 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, giảm 8,4% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 32,2% tổng kế hoạch vốn và 34,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lộ trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến năm 2030 làm cơ sở thu hút FDI trong dài hạn. Để đạt 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, bình quân trong 6 tháng còn lại cần giải ngân ít nhất 67,3- 72,9 nghìn tỷ đồng mỗi tháng, tương đương cao gấp 2 đến 2,2 lần so với mức trung bình giải ngân trong 7 tháng đầu năm”, chuyên gia phân tích từ MASVN cho hay.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá tăng từng “gây khó” cho thị trường chứng khoán đã dịu đi trong thời gian này. Theo thông tin thu thập được, MASVN cho rằng NHNN đã bán ra khoảng 6,6 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay để hạ nhiệt tỷ giá. Khối phân tích của công ty chứng khoán này đánh giá đây là thành quả tương đối thành công khi so sánh với lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại cùng lượng thặng dư thương mại lên đến 14 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024 và đặc biệt là khi so sánh với diễn biến bán USD ồ ạt của năm 2022 và 2023.