Mơ bị sa thải, đi làm muộn đầu năm mang ý nghĩa gì?

Theo các chuyên gia, giấc mơ về công việc không đơn thuần phản ánh căng thẳng nơi công sở mà còn là cách tiềm thức bộc lộ nỗi lo, áp lực hay mâu thuẫn nội tâm sâu bên trong.

 Theo các chuyên gia từ JobLeads, hầu hết những giấc mơ liên quan đến công việc đều xuất phát từ căng thẳng và lo âu. Ảnh minh họa: StaffRoom.

Theo các chuyên gia từ JobLeads, hầu hết những giấc mơ liên quan đến công việc đều xuất phát từ căng thẳng và lo âu. Ảnh minh họa: StaffRoom.

Chúng ta dành gần một nửa thời gian tỉnh táo để làm việc, tương đương khoảng 90.000 giờ trong suốt cuộc đời.

Áp lực công việc không chỉ dừng lại trong giờ hành chính mà còn theo ta vào giấc ngủ, gây ra những đêm trằn trọc và cả những cơn ác mộng liên quan đến công việc. Vì thế, không có gì lạ khi công sở trở thành bối cảnh quen thuộc trong giấc mơ của nhiều người, theo GQ.

Khảo sát từ nền tảng thông tin giấc ngủ Each Night trên 1.750 người lao động tại Mỹ cho thấy hơn 60% từng gặp những giấc mơ căng thẳng liên quan đến công việc.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này, nhóm nghiên cứu tại JobLeads, nền tảng tìm kiếm việc làm trực tuyến, đã phân tích dữ liệu tìm kiếm toàn cầu và xác định 8 kiểu giấc mơ công việc phổ biến nhất. Bên cạnh đó, ý nghĩa của chúng còn được chuyên gia về giấc mơ Inbaal Honigman giải mã.

8 giấc mơ công sở phổ biến

Đi làm muộn: Phản ánh áp lực, khối lượng công việc quá tải và nhu cầu sắp xếp thời gian hợp lý hơn.

Bị sa thải: Thể hiện nỗi lo mất việc, thiếu ổn định tài chính hoặc cảm giác không được công nhận trong công việc.

Nhận công việc mới: Đại diện cho mong muốn thay đổi, tìm kiếm thử thách mới hoặc cơ hội phát triển sự nghiệp.

Mơ thấy chuyện tình cảm với đồng nghiệp: Không nhất thiết liên quan đến hấp dẫn thể xác mà phản ánh sự ngưỡng mộ đối với phẩm chất của đồng nghiệp hoặc mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác.

 Mơ thấy mình bị mất việc là dấu hiệu của sự bất an về công việc và nỗi lo tài chính. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Mơ thấy mình bị mất việc là dấu hiệu của sự bất an về công việc và nỗi lo tài chính. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Gặp lại sếp cũ: Nhắc nhở về những bài học từ quá khứ, thể hiện mong muốn tìm kiếm sự cố vấn hoặc cảnh báo về những mối quan hệ công việc tiêu cực.

Nghỉ việc: Thể hiện mong muốn thoát khỏi áp lực, tìm lại sự kiểm soát hoặc đánh giá lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Được thăng chức: Phản ánh cảm giác được công nhận, khát khao tiến xa hơn hoặc báo hiệu một cơ hội mới sắp đến.

Đi làm nhưng không mặc gì: Thể hiện sự lo lắng, thiếu tự tin hoặc sợ bị đánh giá trong môi trường làm việc.

Tấm gương phản chiếu nội tâm

Annie Wright, chuyên gia trị liệu tâm lý điều hành các trung tâm trị liệu chấn thương ở California và Florida (Mỹ), cho biết giấc mơ không chỉ đơn thuần là những hình ảnh ngẫu nhiên mà còn phản ánh trạng thái tâm lý sâu bên trong con người.

Chẳng hạn, nỗi sợ đến muộn có thể là biểu hiện của sự bất an.

Dưới góc nhìn của liệu pháp tâm lý Gestalt, mỗi yếu tố trong giấc mơ, từ bối cảnh, con người, đồ vật đến các tình huống, đều là tấm gương phản chiếu nội tâm của người mơ, theo Business Insider.

Wright đưa ra một ví dụ: nếu một người mơ thấy sếp đang la mắng đồng nghiệp vì cách làm việc với khách hàng, chuyên gia sẽ yêu cầu họ mô tả đặc điểm của từng nhân vật. Nếu sếp được xem là "khắt khe, khó chịu", còn đồng nghiệp lại "tử tế nhưng đôi khi thiếu hiệu quả", điều này có thể phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của chính người mơ.

 Những giấc mơ công việc không chỉ đơn thuần là hệ quả của căng thẳng nghề nghiệp mà còn là thông điệp từ tiềm thức. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Những giấc mơ công việc không chỉ đơn thuần là hệ quả của căng thẳng nghề nghiệp mà còn là thông điệp từ tiềm thức. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Giấc mơ đôi khi không chỉ liên quan đến công việc mà còn là biểu hiện của những mâu thuẫn sâu xa trong tâm trí. Wright cho biết một người có thể nhận ra rằng họ đang tự trách mình quá nhiều về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyện cá nhân hoặc kỳ vọng chưa thành.

Những giấc mơ căng thẳng thường là cách não bộ phản ánh cảm giác mong manh và lo lắng của con người. Dù bối cảnh xuất hiện trong giấc mơ là công sở hay trường học, thực tế đó chỉ là cái cớ để tiềm thức thể hiện trạng thái bất an.

"Khi một người cảm thấy dễ tổn thương, não bộ sẽ tự tìm kiếm một bối cảnh quen thuộc để tái hiện nỗi lo âu", chuyên gia trị liệu giải thích.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/giai-ma-giac-mo-di-lam-muon-bi-sa-thai-dip-dau-nam-post1528233.html