Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị gãy ổ cối phức tạp tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế
Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị gãy ổ cối phức tạp bằng phương pháp mổ Stoppa cải tiến kết hợp công nghệ in 3D cá thể hóa. Đây là bước tiến kỹ thuật đáng chú ý trong điều trị các chấn thương nặng vùng khung chậu, thường chỉ được triển khai tại các trung tâm chuyên sâu.

Hình ảnh dựng hình 3D ổ gãy xương chậu hỗ trợ lập kế hoạch phẫu thuật.
Ngày 8/7, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cho biết, bệnh nhân là nam giới, 68 tuổi, nhập viện sau nghiêm trọng với tổn thương đa chấn thương phức tạp, đặc biệt là gãy ổ cối trước, toác khớp mu và nhiều vị trí khác như xương đòn, cổ tay, xương quay, đốt sống cổ, xương sườn, phổi trái. Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa và chăm sóc tích cực trong 7 ngày, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Kíp do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Nghi Thành Nhân chỉ đạo đã sử dụng mô hình xương in 3D dựa trên dữ liệu CT scan để đánh giá chi tiết kiểu gãy và di lệch. Việc lập kế hoạch mổ trên mô hình giúp tăng độ chính xác, rút ngắn thời gian mổ và giảm nguy cơ biến chứng.
Đáng chú ý, các bác sĩ đã áp dụng đường mổ Stoppa cải tiến kết hợp đường mổ Stoppa với cửa sổ ngoài chậu, bẹn cho phép bộc lộ rõ vùng tổn thương mà không làm tổn thương bó mạch chậu, thần kinh đùi hay thừng tinh như kỹ thuật kinh điển. Đây là kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, góp phần giảm đau sau mổ và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.

Đường mổ Stoppa cải tiến được sử dụng trong phẫu thuật
Sau phẫu thuật, tỉnh táo, giảm đau rõ rệt và có thể vận động nhẹ sau 24 giờ. Các vị trí gãy xương khác cũng được xử lý đồng thời nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi. Thành công của ca mổ cho thấy khả năng làm chủ kỹ thuật cao cấp của bệnh viện và mở ra hướng ứng dụng công nghệ mới trong điều trị chấn thương phức tạp.